Bài 3: Nhiều mô hình nổi bật

Với các biện pháp đã thực hiện, công tác xây dựng và nhân rộng mô hình tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn Thành phố đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đã xây dựng được một số mô hình đem lại hiệu quả cao.

Bằng chủ trương, nhận thức, chỉ đạo và hành động quyết liệt, bài bản, Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.

Cụ thể: trên địa bàn huyện Đông Anh có các mô hình: "Tổ xe ôm tự quản" trên địa bàn xã Kim Chung, trong đó ưu tiên người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; mô hình "người có quả khứ lầm lỗi tham gia làm kinh tế giỏi" tại xã Thụy Lâm.

Kiểm tra, chăm sóc sức khỏe phạm nhân

Kiểm tra, chăm sóc sức khỏe phạm nhân

Ngoài ra, Công an huyện Đông Anh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng chuyên đề "Phát huy vai trò các đoàn thể quần chúng, phát hiện và giải quyết kịp thời mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, góp phần bảo về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện"; chuyên đề "Tăng cường quản lý, giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng".

Trên địa bàn huyện Thanh Trì có mô hình "Người có quá khứ lầm lỗi tham gia tự phòng, tự quản về an ninh trật tự " ở địa bàn xã Vĩnh Quỳnh; xã Vạn Phúc đã xây dựng, triển khai Câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật", trong đó chú trọng thu hút hội viên là vợ, mẹ của người chấp hành xong án phạt tù. Ngoài ra, Công an huyện Thanh Trì đã tham mưu xây dựng nhiều mô hình như: mô hình "Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự" (năm 2013), mô hình "Cụm liên kết đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh" (năm 2012), cuộc vận động "Toàn dân tham gia tự phòng, tự quản về an ninh trật tự " (năm 2010)...Quá trình hoạt động, các mô hình, cuộc vận động, câu lạc bộ đã lồng ghép các nội dung thực hiện Nghị định số 49/2020/ND-CP của Chính phủ.

Công an huyện Ba Vì đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình "Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng".

Ngoài ra, tại nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố, lượng lượng Công an cấp huyện, cấp xã đã tích cực, chủ động xây dựng các mô hình, cuộc vận động. phong trào phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Quá trình thực hiện các mô hình, câu lạc bộ đó đã lồng ghép các nội dung thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định số 09/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân, Công an Thành phố và các kế hoạch của địa phương về triển khai, thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình, có thể thấy sự phối hợp trong quá trình hoạt động của các mô hình tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn Thành phố kết hợp với thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng đã khuyến khích cộng đồng xã hội thay đổi thái độ, nhận thức và xóa bỏ định kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong hình phạt tù, từ đó đã bắt đầu tham gia giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, dần ổn định cuộc sống. Đồng thời, về phía người chấp hành xong án phạt tù đã dần xóa bỏ được tư tưởng mặc cảm, tự ti, từ đó dần tin tưởng và vương lên cuộc sống, quyết tâm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Sự quan tâm, giúp đỡ tích cực từ phía các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân đã giúp cho nhiều người chấp hành xong án phạt tù có thể tìm kiếm được việc làm, có việc làm ổn định, nhiều trường hợp được các tổ chức, doanh nghiệp nhận vào làm việc, được ngân hàng cho vay vốn, đặc biệt có những trường hợp ngoài việc ổn định cuộc sống của bản thân còn tạo được công ăn, việc làm cho nhiều người khác.

Điển hình là: anh Nguyễn Trung Tuyến (trú tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì) đã được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để mở ngành nghề phù hợp, đến nay đã sửa sang nhà cửa, mua sắm thiết bị, nuôi 2 con ăn học, kinh tế gia đình ổn định; anh Phùng Hữu Thịnh (sinh năm 1980, trú tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì), khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã tập trung vào phát triển ngành nghề dịch vụ như: phá dỡ công trình xây dựng xuống cấp; dịch vụ dọn nhà cửa, đến nay đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho 15 lao động, duy trì cuộc sống gia đình, kinh tế ổn định.

H.Q

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-3-nhieu-mo-hinh-noi-bat-post526049.antd