Bài 3: Những việc cần làm ngay, làm sớm (Tiếp theo và hết)

Theo các chuyên gia, các nhà quản lý có kinh nghiệm của ngành thủy sản và các ngành liên quan, trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành Chiến lược nuôi biển Việt Nam, những người nuôi biển không thể đứng yên mà cần chủ động tranh thủ thời gian làm sớm, làm ngay những việc không thể chưa làm.

Trước hết phải đưa được tinh thần và nhận thức về biển, tầm nhìn chiến lược về kinh tế biển và nuôi biển của Đảng đến với đông đảo cộng đồng, kể cả với một số cấp chính quyền để khởi động cho một “kỷ nguyên mới” của ngành nuôi biển, từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghiệp. Phải bắt đầu “chuyển trạng thái tâm lý” từ người ngư dân/nông dân nuôi cá, trồng rong sang tâm lý của một người công nhân ngành công nghiệp nuôi biển. Đồng thời với đó là quá trình phổ biến kiến thức nuôi biển, đào tạo tập huấn nghề nuôi biển cho cộng đồng, hình thành dần đội ngũ những người nuôi biển công nghiệp chuyên nghiệp. Đi cùng phổ biến kiến thức, đào tạo, tập huấn nghề, cần triển khai việc tiếp cận, giao lưu và hợp tác với các quốc gia, các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài có trình độ kinh nghiệm nuôi biển để học hỏi và tiến tới hợp tác lâu bền trong tương lai. Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA) bước đầu triển khai tiếp xúc và hợp tác với một số tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, như: Na Uy, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia… có kết quả khả quan và hy vọng sẽ tốt hơn nhiều trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thủy sản thì cần tiến hành sớm “Đề án thì điểm nuôi biển công nghiệp” trong giai đoạn 2019-2020. Thời gian vừa qua, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và các địa phương, VSA bắt đầu tổ chức thí điểm các mô hình nuôi biển kết hợp đào tạo nghề ở một số địa phương có hiệu quả tốt nhưng so với nhu cầu vẫn còn quá ít. Vì vậy, không chỉ ngành thủy sản, VSA mà cả các địa phương cũng cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho công việc này.

Theo đề xuất của Chủ tịch VSA Nguyễn Hữu Dũng, để chuẩn bị nền tảng số liệu cho phát triển lâu dài, cần tổ chức điều tra thực trạng nuôi biển trên cả nước, nhất là tại các tỉnh duyên hải để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và xa hơn là xây dựng cơ sở dữ liệu nuôi biển chung của Việt Nam. Trước mắt, cần xây dựng và ban hành nghị định về chính sách phát triển nuôi biển bền vững, nhất là các điều khoản liên quan đến việc giao quyền sử dụng mặt nước, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, ngư dân, bên cạnh tăng cường hoạt động giám sát, cảnh báo và quản lý môi trường biển. Đề xuất gói tín dụng hỗ trợ phát triển nuôi biển giúp chuyển đổi 2%-5% số hộ nuôi hiện tại sang hình thức doanh nghiệp nuôi biển thông qua các khoản vay tín dụng, như gói 0,5 triệu USD cho mô hình nhỏ với sản lượng kỳ vọng 300 tấn/năm, hay 1 triệu USD và 600 tấn/năm cho mô hình lớn; bên cạnh chủ trương xây dựng các hệ thống nuôi đa canh, nuôi thâm canh theo mô hình RAS và trại sản xuất giống quy mô công nghiệp.

Trước tình trạng ô nhiễm biển ngày càng nặng và gây hậu quả nghiêm trọng cho nuôi biển gần bờ trong thời gian vừa qua ở nhiều địa phương, VSA khuyến cáo nên khẩn trương nghiên cứu kỹ xu hướng chuyển dịch của lĩnh vực nuôi biển trên thế giới, bao gồm: 1) Chuyển từ các trại nuôi quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại; 2) Chuyển từ vùng nước ven bờ, nơi có hệ sinh thái nhạy cảm và dễ chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác ra vùng biển xa bờ và tiến dần ra nuôi ngoài đại dương; 3) Chuyển từ mô hình hộ gia đình sang doanh nghiệp nuôi biển, nhờ các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư có vai trò của Nhà nước; 4) Thiết lập quy hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, tăng cường công cụ quản lý nhà nước và cơ chế đồng quản lý theo mô hình hợp tác công tư (PPP); 5) Xây dựng hệ thống cảnh báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh nuôi biển; 6) Thiết lập và phát triển chuỗi giá trị, liên kết trại nuôi với hệ thống mạng lưới cung cấp thức ăn, con giống, các cơ sở chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Theo quan điểm của VSA, để đạt được các chỉ tiêu quan trọng, mang tính đột phá về diện tích, sản lượng nuôi biển như đã xác định thì có rất nhiều việc mà Việt Nam cần phải làm để điều chỉnh và định hướng lại chiến lược nuôi biển, theo hướng bền vững, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ, như: Phát triển nuôi công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến, dựa trên quy hoạch chặt chẽ và phương thức quản lý hiện đại nhằm đưa Việt Nam trở thành cường quốc nuôi biển nói riêng và kinh tế biển nói chung; chuyển dần nuôi biển ra xa bờ, vươn khơi, bên cạnh nuôi công nghiệp trên bờ nhằm phát huy đa dạng sinh học của vùng biển nhiệt đới; bảo đảm các hệ thống nuôi phải có công nghệ thân thiện với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái và đáp ứng được tiêu chí phát triển bền vững; huy động thêm nhiều nguồn lực kinh tế, kỹ thuật thông qua kết hợp với ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí, chế tạo máy, viễn thông, điều khiển học, kỹ thuật môi trường, nuôi trồng và chế biến thủy sản; thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; tận dụng đòn bẩy hợp tác quốc tế như là một phương thức chính nhằm thu hút thêm nhiều công nghệ tiên tiến, vốn và mở ra các thị trường mới; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân chuyên nghiệp, có tri thức, kỹ năng và được trang bị tốt.

Nuôi biển công nghiệp là điều không thể thoái thác, là nhiệm vụ bắt buộc để bảo đảm sự bền vững của kinh tế biển và kinh tế quốc dân của Việt Nam. Đó không chỉ là hoạt động kinh tế-xã hội mà đặc biệt có ý nghĩa quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Chúng ta có tiềm năng, có lợi thế nhưng nguồn lực chưa đủ mạnh để phát triển ngay và nhanh nuôi biển công nghiệp. Bởi vậy, việc tỉnh táo lựa chọn con đường hợp lý là vô cùng cần thiết. Hy vọng chiến lược nuôi biển bền vững sắp tới sẽ là nền tảng và là đòn bẩy để thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp mới này.

PHAN VĂN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-3-nhung-viec-can-lam-ngay-lam-som-tiep-theo-va-het-593214