Bài 3: Nông dân thời đại 4.0

Là tỉnh công nghiệp nên nông dân Đồng Nai sớm có ý thức ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Đồng Nai có những nông dân chủ động tham gia vào kinh tế số để tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau, trái trong nhà màng của Công ty TNHH Trang Trại Việt, H.Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai là nơi thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Các DN này trở thành đầu tàu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp của địa phương.

* Những nông dân đi đầu trong ứng dụng CNC

Năm 2021, “lão nông” Trần Văn Mười (ở xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) đã mạnh dạn chi 600 triệu đồng mua máy bay không người lái để phun thuốc, bón phân cho vườn bưởi 10ha của gia đình. Ông Mười so sánh, sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc, bón phân giúp tiết kiệm được 20% chi phí công lao động. Máy bay phun thuốc từ trên cao, rải đều, bao trùm toàn bộ cây trồng cho hiệu quả phòng trừ sâu bệnh tốt hơn. Đồng thời, sức khỏe nông dân được bảo đảm vì không phải tiếp xúc trực tiếp với phân bón, thuốc hóa học.

Theo Sở NN-PTNT, phát triển nông nghiệp CNC là một trong những nhiệm vụ đột phá của tỉnh. Hiện tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt trên 30% tổng giá trị toàn ngành, dự kiến đến năm 2025 đạt 50%. Sở NN-PTNT đang tập trung xây dựng 4 vùng nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 6,3 ngàn ha.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 150ha cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới. Từ năm 2011, ông Đỗ Nhật Tâm (nông dân tại xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng làm nhà màng trồng dưa lưới. Người nông dân năng động này luôn quan tâm cải tiến, ứng dụng thêm những kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra sạch, tiêu thụ tốt tại các cửa hàng, siêu thị và xuất khẩu sang Nhật Bản.

Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, từ rất sớm, Đồng Nai đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Với 2 vật nuôi chủ lực là heo và gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Trong đó, nhiều trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới.

Tiêu biểu, HTX Nông nghiệp CNC Long Thành Phát (H.Long Thành) là đối tác cung cấp nguồn thịt gà an toàn xuất khẩu đi Nhật Bản. Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp CNC Long Thành Phát cho biết: “Để nuôi được con gà đủ chuẩn xuất khẩu vào Nhật Bản, từ nhiều năm trước, những chủ trang trại tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu của Đồng Nai đã thực hiện quy trình nuôi đạt chuẩn GlobalGAP. Họ cũng đổ vốn lớn xây dựng chuồng trại hiện đại; lập quy trình chăn nuôi khắt khe theo tiêu chuẩn của người tiêu dùng Nhật Bản”.

Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, tỉnh cũng phát triển theo hướng CNC. Đơn cử, H.Nhơn Trạch đã hình thành được những vùng nuôi tôm thâm canh ứng dụng CNC. Ông Nguyễn Trường Đại, nông dân tiên phong ứng dụng CNC nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) phân tích, với công nghệ nuôi mới như: lót bạt ny-lông ở đáy ao, làm lưới che phía trên ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động…, năng suất tôm mỗi vụ cao gấp nhiều lần so với nuôi ao đất, tăng lên 4-5 vụ/năm, cao gấp 2 lần so với cách nuôi truyền thống.

* Liên kết làm nông nghiệp CNC

Điểm nổi bật trong phát triển nông nghiệp CNC của Đồng Nai là cả nông dân và DN không áp dụng rập khuôn mà rất sáng tạo trong ứng dụng CNC vào sản xuất, có nhiều cải tiến giúp giảm chi phí đầu tư, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Trong đó, nhiều DN đã liên kết với nông dân để nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC.

Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại H.Xuân Lộc là mô hình CNC ấn tượng vì biến chất thải chăn nuôi thành tiền thay vì phải mất chi phí lớn để xử lý. Chủ DN, ông Trần Quang Tính xuất thân từ kỹ sư cơ khí nên có nhiều cải tiến về máy móc, thiết bị để phù hợp hơn với thực tế sản xuất trong nước dựa trên nguyên tắc công nghệ hiện đại của thế giới.

Ông Tính chia sẻ: “Mô hình trang trại nuôi gà của DN không có mùi hôi vì phân thải ra được làm khô, xử lý ngay. Sự cải tiến của tôi về dây chuyền sản xuất phân bón giúp tiết kiệm chi phí đầu tư gấp nhiều lần so với việc nhập nguyên công nghệ từ nước ngoài về sử dụng”.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt còn đầu tư trang trại rộng 13ha với hệ thống nhà màng trồng rau, quả sạch. Công ty đã cải tiến, chế tạo những thiết bị, máy móc trong nhà màng; tự thiết kế robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây trồng; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất. DN sẵn sàng chuyển giao từ công nghệ nhà màng đến kỹ thuật sản xuất sạch và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco đầu tư nông trường trồng rau CNC trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính tại xã Long Phước (H.Long Thành) với quy mô gần 84ha. Đây là vùng sản xuất rau sạch CNC đầu tiên của tỉnh đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc vùng của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco cho biết, WinEco thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ việc chọn nguồn đất - nước, giống, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế - đóng gói - bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển đến tiêu thụ vào hệ thống siêu thị. Mục tiêu lớn nhất của DN là sẽ tổ chức liên kết, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật đến người nông dân để hướng đến phát triển nông nghiệp CNC tại địa phương.

Lê Quyên - Hoàng Hải - Vương Thế

Bài cuối: Để người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyen-doi-so/202304/nhan-dien-hinh-hai-kinh-te-so-o-dong-nai-bai-3-nong-dan-thoi-dai-40-3163165/