Bài 3: Phải dựa trên thực tế địa phương

Theo quy hoạch chung Thủ đô, khu vực Gia Lâm, Long Biên phát triển dịch vụ chất lượng cao như thương mại, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, đào tạo nghề, y tế chuyên sâu; huyện Đông Anh phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái; huyện Mê Linh là khu đô thị dịch vụ và công nghiệp sạch, đa ngành, kỹ thuật cao kết nối với sân bay Nội Bài, phát triển trung tâm triển lãm EXPOR… Hiển nhiên, quy hoạch không gian là giải pháp đầu tiên để quản lý và kiểm soát quá trình đô thị hóa, thế nhưng nếu không căn cứ trên thực trạng địa phương từ đó đưa ra giải pháp cân bằng, tạo lập sự đồng thuận thì mọi đồ án quy hoạch đều có nguy cơ vỡ trận.

Chưa vào guồng?

Những năm gần đây, sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cùng các đồ án quy hoạch phân khu đô thị được duyệt, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện Đông Anh đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại mang lại sự kết nối giao thương thuận lợi. Những công trình như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân – Nội Bài), tuyến đường Trường Sa – Hoàng Sa (đường 5 kéo dài), tuyến đường quốc lộ 3 mới (Hà Nội – Thái Nguyên)… và đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và quy hoạch chi tiết dọc hai bên tuyến đường từ Nhật Tân – Nội Bài với tổng chiều dài 11,7 km là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư góp phần phát triển đô thị mới, hiện đại gắn với các Trung tâm tài chính, triển lãm, văn hóa, thương mại… đúng như theo quy hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng đất đai to lớn do vị thế và quy hoạch mang lại, trước tốc độ đô thị hóa theo quy hoạch và dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn huyện Đông Anh sẽ có những biến đổi rất lớn, tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới công tác quản lý quy hoạch; quản lý, khai thác tài nguyên đất đai.

Cầu Nhật Tân – công trình có vị trí đặc biệt quan trọng để kết nối các tuyến đường hướng tâm, nội đô.

Theo TS. KTS. Nguyễn Trúc Anh – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, mặc dù trong đồ án quy hoạch đã đưa ra những phân tích về lợi thế, tiềm năng và dự báo phát triển hình thành đô thị trên địa bàn huyện đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay quá trình phát triển đô thị tại huyện Đông Anh diễn ra tương đối chậm. Ngoài một số tuyến giao thông chính đã hình thành, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch chung vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

“Các dự án lớn trên địa bàn huyện hầu hết mới trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa được triển khai chính thức xây dựng. Các cơ sở kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch hầu hết có quy mô nhỏ, phát triển tự phát, chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn huyện. Tốc độ tăng dân số cũng chậm so với định hướng quy hoạch, chưa thu hút được dân cơ học…

Thực tế này đòi hỏi, dựa trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt, huyện Đông Anh phải xây dựng được các chương trình, mục tiêu phát triển, các dự án ưu tiên để tập trung đầu tư làm động lực và hạt nhân phát triển, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Công tác kiểm tra, kiểm soát các dự án đầu tư cũng cần được tăng cường, tránh hiện tượng đầu cơ đất đai, kéo dài thời gian thực hiện dự án, cần có biện pháp thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ cam kết” - TS. KTS. Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.

“Các dự án lớn trên địa bàn huyện Đông Anh hầu hết mới trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa được triển khai chính thức xây dựng. Các cơ sở kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch hầu hết có quy mô nhỏ, phát triển tự phát, chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn huyện. Tốc độ tăng dân số cũng chậm so với định hướng quy hoạch, chưa thu hút được dân số cơ học…

Thực tế này đòi hỏi, dựa trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt, huyện Đông Anh phải xây dựng được các chương trình, mục tiêu phát triển, các dự án ưu tiên để tập trung đầu tư làm động lực và hạt nhân phát triển, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Công tác kiểm tra, kiểm soát các dự án đầu tư cũng cần được tăng cường, tránh hiện tượng đầu cơ đất đai, kéo dài thời gian thực hiện dự án, cần có biện pháp thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ cam kết” - TS. KTS. Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.

Tương tự, bênh cạnh nhiều thành tựu cơ bản, quá trình triển khai quy hoạch chung trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng còn nhiều tồn tại cần được quan tâm khắc phục. Trong thời gian tới, huyện cần chủ động hơn nữa trong phối hợp, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/500 và điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã. Bên cạnh đó, huyện cũng cần chú trọng hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như: Đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng, dự án khu đô thị Gia Lâm theo đúng kế hoạch đề ra.

Quy hoạch và thực tế

Đặt ra một số vấn đề trong quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, TS. KTS. Trương Văn Quảng – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho biết, từ thực tế phải xây dựng một quy hoạch chung cho một huyện, Sóc Sơn đã lập quy hoạch chung và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ý tưởng của Sóc Sơn là phát triển đô thị công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái… dựa vào các nguồn lực tác động từ trục hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng và cảng hàng không quốc tế Nội Bài…

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại trục hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng chưa thực sự phát huy hiệu quả (còn ở dạng tiềm năng chiến lược). Bên cạnh đó mức độ tác động của cảng hàng không quốc tế Nội Bài lại có xu hướng mạnh hơn về phía Nam sân bay, khu vực Nhật Tân – Nội Bài… Điều đó đồng nghĩa với việc đô thị Sóc Sơn khó có cơ hội trở thành Đô thị - Sân bay, đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, kết nối với độ thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long – Nội Bài và Nhật Tân – Nội Bài trong tương lai gần.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cũng nêu bật một thực tế hiện nay đó là khu vực hai bên bờ sông Hồng phát triển đang có sự thiếu kiểm soát trong phát triển đô thị. Tình trạng hiện nay là người dân nằm trong vùng hành lang thoát lũ, vừa không an toàn, vừa không đáp ứng vai trò trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. “Về lâu về dài không thể tồn tại trong Thủ đô một tuyến dân cư đô thị phát triển gần như tự phát hiện hữu.

Dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng cần phải được điều chỉnh về quy hoạch không gian, sử dụng đất… Khu vực Tứ Liên kết nối không gian hồ Tây với khu vực Cổ Loa cần phải giảm thiểu mật độ và tầng cao xây dựng để hình thành các công viên đô thị, hạn chế chất tải thêm dân số, tăng cường không gian xanh, công trình văn hóa, biểu tượng tạo điểm nhấn không gian cho Thủ đô” - TS. KTS. Trương Văn Quảng nhấn mạnh.

Cũng cần phải khẳng định, khu vực phía Bắc sông Hồng là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế về vị trí, đất đai, cảnh quan, văn hóa, lịch sử… Nếu biết khai thác tốt các tiềm năng vốn có, khu vực này sẽ trở thành cửa ngõ ấn tượng, hấp dẫn phía Bắc Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long – Nội Bài và Nhật Tân – Nội Bài.

Tuấn Dũng

Bài 4: Huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển đô thị

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-3-phai-dua-tren-thuc-te-dia-phuong-78550.html