Bài 3: Phòng ngừa vi phạm từ hoạt động kinh doanh kho ngoại quan

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát hoạt động kho ngoại quan (KNQ) nhằm tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình hàng hóa gửi KNQ, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Liên quan đến vấn đề này, Báo Hải quan đã phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Trần Đức Hùng.

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Trần Đức Hùng

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Trần Đức Hùng

Đề nghị ông cho biết tổng thể về tình hình hoạt động của các KNQ cả nước hiện nay?

- Tính đến tháng 12/2019, Tổng cục Hải quan đã ban hành quyết định công nhận đối với 180 KNQ trên toàn quốc, do 22 cục hải quan tỉnh, thành phố quản lý và thực hiện thủ tục hải quan cho hàng hóa đưa vào, đưa ra KNQ.

Về tình hình chung các KNQ hoạt động tốt tại các tuyến, địa điểm có lưu lượng hàng hóa qua lại nhiều như cảng biển (Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh…), cửa khẩu biên giới (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tây Ninh, Bình Phước…) có lượng giao thương lớn với nước giáp biên giới; một số KNQ trong nội địa phục vụ hoạt động lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất, khu công nghiệp (Bắc Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Đồng Nai…).

Để đáp ứng điều kiện hoạt động KNQ, thời gian qua, Tổng cục Hải quan thường xuyên kiểm tra, rà soát việc duy trì và đáp ứng các quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ, gồm: Điều kiện về vị trí (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực quy hoạch logistics…, diện tích (tối thiểu 5.000m2 hoặc 1.000m2 đối với KNQ chuyên dụng…), phần mềm quản lý hàng hóa ra, vào KNQ, hệ thống camera, hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, khả năng kết nối với hệ thống hải quan điện tử tập trung của Tổng cục Hải quan; chế độ kê khai, báo cáo, thực hiện thủ tục hải quan….

Quá trình theo dõi, quản lý, cơ quan Hải quan đã phát hiện, xử lý như thế nào đối với các hành vi vi phạm liên quan đến loại hình này, thưa ông?

- Qua theo dõi thực tế, hành vi vi phạm phổ biến nhất là doanh nghiệp không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa thuộc một trong các trường hợp hàng hóa sử dụng, tiêu hủy trong khu phi thuế quan; đưa vào KNQ hàng hóa thuộc diện không được lưu giữ trong KNQ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra các doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng chính sách thuế đối với KNQ để cố ý khai sai tên hàng, loại hàng, hoặc khai đúng tên hàng nhưng khai sai số lượng, cố ý đưa loại hàng hóa không được gửi KNQ để trốn, lậu thuế, né tránh sự kiểm tra của cơ quan Hải quan. Chỉ khi bị phát hiện thì đề nghị được chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan Hải quan, tiến hành khai bổ sung, sửa đổi nội dung tờ khai hoặc tái xuất hàng hóa. Đối với việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu bằng cơ chế quản lý rủi ro, phân luồng hàng hóa, không kiểm tra thực tế hàng hóa toàn bộ sẽ tạo khe hở cho doanh nghiệp lợi dụng chính sách để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Về phía doanh nghiệp (chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải, chủ KNQ, đại lý làm thủ tục hải quan; các doanh nghiệp có thể là chủ KNQ hoặc đồng thời cũng vừa là chủ hàng hóa, doanh nghiệp vận tải, đại lý hải quan) có sự nghiên cứu và thay đổi nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, phức tạp hơn nhằm đối phó với sự kiểm soát của cơ quan Hải quan, dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại theo loại hình, lĩnh vực, tuyến địa bàn có quy mô, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn.

Đối với các KNQ không đáp ứng đủ các điều kiện và để xảy ra vi phạm về thủ tục hải quan sẽ có chế tài xử phạt và trường hợp cần thiết sẽ kiên quyết cho tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định. Thời gian vừa qua Tổng cục Hải quan đã thực hiện tạm dừng, chấm dứt 11 KNQ không đáp ứng đầy đủ quy định về hoạt động, chẳng hạn như: Không có phần mềm đáp ứng tiêu chí; không có hệ thống camera; không đủ điều kiện kho, bãi; hay quá thời hạn DN không đưa KNQ vào hoạt động....

Thưa ông, những vướng mắc, bất cập liên quan đến công tác quản lý KNQ hiện nay là gì?

- Theo quy định của pháp luật hiện nay, KNQ là một trong những địa điểm lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Về cơ bản, vướng mắc chủ yếu phát sinh đối với loại hình hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài gửi KNQ để xuất khẩu sang nước thứ ba. Cụ thể: Về hàng hóa, mặt hàng gửi KNQ rất đa dạng, có tổng trị giá tính thuế lớn, được nhập khẩu gửi KNQ để xuất khẩu, không có loại hình nhập khẩu vào nội địa, nhưng phổ biến có các loại mặt hàng tiêu dùng như đồ điện tử, mỹ phẩm mới 100%, thực phẩm chức năng, đồ dùng trẻ em có nguồn gốc xuất xứ từ các nước phát triển, là những mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong thị trường Việt Nam.

Về xu hướng xuất khẩu, bên cạnh các nhóm hàng hóa gửi KNQ khác: Hàng hóa từ khu phi thuế quan (không bao gồm KNQ) hoặc nội địa đưa vào KNQ; Hàng hóa từ KNQ đưa vào nội địa; Hàng hóa từ KNQ đưa vào khu phi thuế quan (không bao gồm KNQ, doanh nghiệp chế xuất); Hàng hóa từ KNQ đưa vào KNQ thì nhóm hàng hóa có vướng mắc phổ biến là hàng hóa từ nước ngoài gửi vào KNQ để xuất ra nước ngoài, đặc biệt là qua các nước có chung biên giới. Đặc thù tuyến đường vận chuyển đều từ các KNQ ra cửa khẩu xuất biên giới đường bộ là những quãng đường dài, phạm vi kiểm soát của đơn vị hải quan quá rộng, việc vận chuyển, giao hàng qua đường mòn, lối mở hoặc việc giao-nhận hàng vào thời điểm trời tối, ban đêm… Do đó vai trò kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức hải quan tại các địa bàn quản lý KNQ và cửa khẩu biên giới đặc biệt quan trọng.

Ngành Hải quan có biện pháp gì để quản lý hiệu quả đối với loại hình này?

- Hiện nay Tổng cục Hải quan thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của KNQ, về điều kiện hoạt động cũng như thủ tục hải quan, cụ thể: Tổng cục Hải quan đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.

Đối với các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua KNQ, Tổng cục Hải quan thường xuyên chỉ đạo sát sao các cục hải quan tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh KNQ cũng như thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định, quy trình, thủ tục hải quan của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đối với hàng hóa, hiện nay Tổng cục Hải quan đang rà soát, xây dựng trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa tạm ngừng hoạt động kinh doanh gửi KNQ, theo đó quy định một số mặt hàng sẽ không được tiếp tục gửi KNQ.

Về việc áp dụng hệ thống CNTT, khoa học công nghệ cao trong công tác quản lý hoạt động của hệ thống kho bãi, địa điểm: trong năm 2020, Tổng cục Hải quan dự kiến lắp đặt các trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác giám sát hàng hóa gửi KNQ như GPS, camera. Ngoài ra, hiện nay Tổng cục Hải quan đang xây dựng Hệ thống tổng thể CNTT trong việc quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu nói chung, và hệ thống VASSCM trong việc quản lý hoạt động KNQ nói riêng. Theo đó, việc quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra KNQ được tự động hóa thông qua hệ thống, đáp ứng quy định về việc kết nối các phần mềm kho bãi, địa điểm.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Tài chính:

Tổng rà soát mặt hàng gửi kho ngoại quan có nguy cơ gian lận

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng chống vi phạm từ hoạt động gửi kho ngoại quan, Bộ Tài chính đã có văn bản 12192/BTC-TCHQ ngày 14/10/2019 đề nghị UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Quảng Trị rà soát tình hình, đánh giá mặt hàng có nguy cơ gian lận cao. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 85 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ thì thẩm quyền quy định Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Do đó, để có cơ sở báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh rà soát, đánh giá hoạt động của loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan xuất qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn đối với các mặt hàng khác có nguy cơ lợi dụng hình thức gửi kho ngoại quan để gian lận thương mại, buôn lậu, thẩm lậu vào nội địa trên địa bàn quản lý; đồng thời nêu thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu biên giới trên địa bàn quản lý.

Sau khi rà soát, đánh giá, xác định các mặt hàng gửi kho ngoại quan có nguy cơ lợi dụng loại hình này để gian lận thương mại, buôn lậu, thẩm lậu đề nghị UBND các tỉnh có ý kiến để Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công bố Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan theo thẩm quyền.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bai-3-phong-ngua-vi-pham-tu-hoat-dong-kinh-doanh-kho-ngoai-quan-118769.html