Bài 3: Quản lý đầu tư xây dựng đã được 'rút kinh nghiệm' ở đơn vị nào?

Theo Kết luận thanh tra số 3118, giai đoạn 2004-2014, công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; công tác quy hoạch, kế hoạch được điều chỉnh phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế của địa phương; việc phân bổ vốn đầu tư đã chủ động giải quyết được những vướng mắc về cân đối vốn đầu tư, ưu tiên dự án cấp thiết, kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản; hoạt động thanh tra giám sát đầu tư được tăng cường; đã phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao chất lượng về quản lý đầu tư.

Giai đoạn 2006-2014 tỉnh Hòa Bình cũng đã thực hiện phê duyệt và rà soát điều chỉnh, bổ sung nhiều quy hoạch, trong đó có quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị được quan tâm. Nhìn chung, quy hoạch xây dựng cơ bản được thực hiện phù hợp mục tiêu, nhiệm vụ được phê duyệt, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch đã có những bất cập, không phù hợp, do vậy đã phải điều chỉnh ở một số dự án đầu tư, trong đó có dự án phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không kịp thời, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh sau khi dự án hoàn thành không đúng trình tự như thực hiện ở dự án Trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban Xây dựng Đảng, là vi phạm quy định Điều 9 Nghị định 91/1994/NĐ-CP; Khoản 2 Điều 2 Nghị định 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm thuộc chủ đầu tư, Sở Xây dựng, UBND tỉnh Hòa Bình.

Có giai đoạn việc phân bổ vốn chưa tập trung, còn dàn trải, dẫn đến nhiều dự án không bố trí được kế hoạch vốn, kéo dài thời gian thực hiện dự án, chậm tiến độ, hiệu quả đầu tư thấp, như: Dự án nạo vét, gia cố, chỉnh trị dòng sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, khởi công xây dựng từ năm 2009, tiến độ thực hiện 1 năm nhưng kéo dài đến năm 2012, vốn đầu tư đạt 10%, không đáp ứng được vốn đầu tư xây dựng dự án theo tiến độ được duyệt là vi phạm điểm a, Khoản 3, Điều 2 Nghị định 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Thanh tra Chỉnh phủ kết luận trách nhiệm thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Hòa Bình.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, chất lượng thấp, một số dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện, việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư tuy không tăng tổng mức đầu tư nhưng thay đổi lớn quy mô, kết cấu, cắt giảm hạng mục, tăng khối lượng đối với hạng mục khác với giá trị lớn vượt so với giá trị được phê duyệt ban đầu, trình tự lập thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư không đầy đủ, biểu hiện ở một số dự án điều chỉnh sau: Dự án Trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban Xây dựng Đảng; Dự án kiên cố hóa để khắc phụ tình trạng sạt lở đoạn km78+300 đến km153 Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình; Dự án nạo vét, gia cố dòng sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy.

Về tài chính, ở các gói thầu kiểm tra, Thanh tra Chính phủ khẳng định, chi phí lập dự toán không đúng quy định về tính thuế giá trị gia tăng ở chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng, chi phí rà phá bom mìn; công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu được thanh tra không đúng quy định, định mức của Bộ Xây dựng, xây dựng đơn giá sai chênh lệnh với thực tế tại thời điểm thi công, khối lượng thi công đưa vào dự toán không đúng ở một số hạng mục công trình và các công tác xây lắp sai phạm với tổng số tiền là 49,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại báo cáo xử lý sau thanh tra của UBND tỉnh Hòa Bình chỉ nêu: Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành liên quan theo kết luận thanh tra thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm các nội dung về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng như: Chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng; khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn tại, vi phạm. Nghiêm chỉnh thực hiện quy định công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy trình thủ tục đầu tư xây dựng; công tác đấu thầu, nghiệm thu thanh toán công trình theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. UBND tỉnh Hòa Bình đang chỉ đạo các cơ quan được giao chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện rà soát việc áp dụng định mức, chi phí biện pháp thi công... tính toán phê duyệt điều chỉnh dự toán hạng mục dự án theo quy định.

UBND tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo các sở, ngành là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trong từng lĩnh vực: đất đai, tính tiền sử dụng đất các dự án có sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... đã để xảy ra những hạn chế như kết luận thanh tra đã nêu.

Toàn bộ báo cáo xử lý sau thanh tra của UBND tỉnh Hòa Bình không hề đề cập đến việc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các vi phạm trong quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2004 - 2014. Liệu câu chuyện có đúng như báo cáo của đơn vị này là các vi phạm như nêu tại kết luận thanh tra qua các thời kỳ “đều không có vụ lợi cá nhân, cũng như tập thể”, chỉ cần “xác định đây là bài học trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ” là… xong?

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này để bạn đọc theo dõi.

Đan Quế - Thân Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/sau-thanh-tra/bai-3-quan-ly-dau-tu-xay-dung-da-duoc-rut-kinh-nghiem-o-don-vi-nao_t114c1142n137680