Bài 3: Quyết liệt đánh 'cát tặc' giữa muôn trùng khó khăn

Từ trước đến nay, Phòng CSGT, CATP Hà Nội luôn xác định việc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc 'cát tặc' là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất của đơn vị. Sự quyết liệt này của CSGT Thủ đô diễn ra trong bối cảnh thái độ chống đối, thủ đoạn vô cùng tinh vi của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng manh động.

Lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) đã rất nhiều lần khẳng định, kết quả xử lý vi phạm về "cát tặc" của CSGT - CATP Hà Nội luôn ở tốp đầu tiên trong cả nước, dù số lượng, chiều dài của sông so với các địa phương khác không phải là đứng đầu.

Hạ thủy quyết liệt...

Trung tá Đỗ Thế Dự, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy số 2, Phòng CSGT - CATP Hà Nội dáng người đậm, khuôn mặt cương nghị, cứ mỗi khi nhắc đến tình trạng khai thác cát trái phép là anh lại không giấu được sự bức xúc. Cả một khoảng sân rộng của đơn vị chật kín những thiết bị máy móc, sên, vòi... đầu nổ nằm ngổn ngang.

Anh cho biết, tất cả đều là tang vật của những tàu, thuyền, vụ việc khai thác cát trái phép mà anh và CBCS trong đơn vị phát hiện, thu giữ trong thời gian qua. “Tang vật nhiều lắm, thậm chí có đêm CBCS của đơn vị phát hiện, thu giữ cả chục trường hợp tàu, thuyền khai thác cát trái phép trên sông Hồng” - Trung tá Đỗ Thế Dự cho biết.

Mở cuốn sổ theo dõi các vụ việc vi phạm khai thác cát của đơn vị, chỉ huy Đội CSGT đường thủy số 2 thống kê: Gần như tất cả những vụ vi phạm này đều được "cát tặc" thực hiện trong đêm, chập tối, rạng sáng. Đây là những khung giờ mà thông thường theo đồng hồ sinh học thì mọi người đang ngủ say nhất.

Điều đó cũng có nghĩa là CSGT đường thủy phải thức trọn vẹn những khoảng thời gian này để “săn” cát tặc. “Chẳng có cách gì khác nếu không sát việc, sát thời gian và địa bàn nếu muốn các tuyến sông được bình yên” - Đại úy Lê Văn Tứ, Đội phó Đội CSGT đường thủy số 2 tâm sự.

Lực lượng CSGT, Phòng CSGT - CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ truy quét "cát tặc" trên thượng nguồn sông Hồng

Lực lượng CSGT, Phòng CSGT - CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ truy quét "cát tặc" trên thượng nguồn sông Hồng

Cũng theo Đại úy Lê Văn Tứ, đêm 17-4 và rạng sáng ngày 18-4 vừa qua, có lẽ là một trong những khoảng thời gian mà anh và CBCS trong đơn vị không thể nào quên khi cất “mẻ lưới” lớn, liên tiếp phát hiện, bắt giữ 5 tàu “khủng” khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Tàu đầu tiên với trọng tải lên tới 650 tấn, công suất máy 250 sức ngựa, gắn số VR17045027 do Phí Văn Miết (SN 1983, ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) điều khiển đã bị tổ công tác của Đội CSGT đường thủy số 2 phát hiện, bắt quả tang khi đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Trước đó, để bắt tại trận chiếc tàu này, tổ công tác đã phải ém quân cả đêm ở một khu đất với ngút ngàn lau sậy, sát bờ sông Hồng đoạn qua địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.

Chỉ chưa đầy nửa giờ sau, chiếc tàu vỏ sắt không có số đăng ký với trọng tải lên tới 700 tấn, công suất máy khoảng 300 sức ngựa đang hút cát ầm ầm ở sông Hồng cũng thuộc địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã bị Trung tá Đỗ Thế Dự và đồng đội phát hiện, bắt quả tang. Trên tàu được trang bị hệ thống sen, vòi, hút cát rất hiện đại, có thể nhanh khai thác cát với số lượng rất lớn trong khoảng thời gian chưa đến 20 phút.

Chưa hết, nếu phát hiện CSGT đường thủy đi tuần tra, các đối tượng sẽ dùng thiết bị cuốn sen vòi rồng từ dưới đáy sông lên thuyền chỉ mất vài phút, nhằm phi tang vật chứng hoạt động khai thác cát trái phép của mình.

Thông tin với PV, chỉ huy Đội CSGT đường thủy số 2 cho biết: Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, hàng trăm trường hợp vi phạm các quy định về ATGT đường thủy nội địa, trong đó có nhiều đối tượng khai thác cát trái phép đã bị đơn vị phát hiện, xử phạt. Gần như toàn bộ đoạn sông Hồng và sông Đuống đơn vị quản lý, tình hình khai thác cát trái phép đã không còn.

"Đánh" mạnh từ thượng nguồn

Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn các tuyến sông dài, đi qua nhiều quận, huyện và lại giáp ranh với nhiều tỉnh, thành phố, trong đó không ít địa phương cấp phép cho khai thác cát, nên "cát tặc" thường lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác trộm. Nhiều đối tượng còn sử dụng cả đội hình “chim mồi” nhằm theo dõi ngược lại lực lượng làm nhiệm vụ. Chính vì lẽ đó, công tác đánh "cát tặc" hiện nay không khác gì xây dựng một chuyên án đánh tội phạm hình sự, bởi sự liều lĩnh, tinh vi, coi thường phát luật của các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, tăng cao.

Hầu hết tàu khai thác cát trái phép hiện nay đều được trang bị rất nhiều thiết bị khai thác cát hiện đại, thủ đoạn hoạt động tinh vi, chớp nhoáng gây khó khăn cho CSGT đường thủy trong việc phát hiện, bắt quả tang, xử lý

Nhắc đến công tác đấu tranh phòng chống "cát tặc", không thể không nói đến vai trò của Đội CSGT đường thủy số 1. Tính chất phức tạp cũng như địa bàn tuyến sông Hồng nơi Đội CSGT đường thủy số 1 phụ trách cũng không “giảm nhiệt” là mấy so với Đội CSGT đường thủy số 2. Tuyến sông dài, đi qua nhiều quận, huyện và giáp ranh với các tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... được xem là yếu tố khách quan gây khó khăn cho công tác đảm bảo TTATGT, cũng như đấu tranh phòng chống "cát tặc" của đơn vị.

Chưa hết, theo thống kê của Phòng CSGT, chỉ riêng tuyến sông Hồng đi qua địa bàn đơn vị phụ trách, hai địa phương Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã có rất nhiều điểm cấp phép cho nhiều dự án khai thác mỏ cát dưới lòng sông. Tuy nhiên, công tác quản lý của những địa phương này còn lỏng lẻo, giám sát chưa chặt chẽ, đã dẫn tới nhiều kẽ hở cho doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để câu kết với "cát tặc" nhằm khai thác cát trái phép ở khu vực giáp ranh.

Cụ thể, thống kê của Đội CSGT đường thủy số 1, có 12 doanh nghiệp, công ty khai thác cát ở địa bàn giáp ranh mà những vị trí này đều được các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc cấp phép. Dẫu vậy, con số cả trăm trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép bị đơn vị phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay, trong đó có những tàu, thuyền với trọng tải cả nghìn tấn là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực, quyết tâm cũng như thái độ đấu tranh không khoan nhượng với "cát tặc" của CSGT đường thủy.

Công tác đảm bảo TTATGT đường thủy của Phòng CSGT, CATP Hà Nội chưa khi nào hết hiểm nguy, vất vả...

“Hiện việc xác định vị trí ở những địa điểm khai thác cát giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh, thành khác trên sông Hồng của CBCS - CSGT đường thủy gặp rất nhiều khó khăn. Muốn định vị được phải có máy chuyên dụng, trong khi đó các đối tượng khai thác cát trái phép chỉ cần dịch chuyển hệ thống phao ngăn một chút là có thể làm lệch tọa độ vị trí khai thác, nhằm hoạt động trái quy định. Khi các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động ở những địa điểm giáp ranh này, cũng rất dễ khiến cho người dân nhầm lẫn là khai thác thuộc địa phận Hà Nội” -Trung tá Dương Hồng Hải, Đội phó Đội CSGT đường thủy số 1 cho hay.

Với 3 tuyến sông lớn gồm sông Hồng, sông Đuống và sông Đà có tổng chiều dài trên 190 km chảy qua địa bàn 17 quận, huyện, 106 xã, phường, thị trấn thì nhiệm vụ của lực lượng CSGT đường thủy là quá đỗi nặng nề. Qua tìm hiểu của PV, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 7 doanh nghiệp được cấp phép khai thác bãi nổi và trên các tuyến địa bàn giáp ranh, có 11 doanh nghiệp được hoạt động khai thác mỏ, khai thác bãi nổi, nạo vét, cải tạo vùng nước cảng bến thủy nội địa.

Trách nhiệm phải đến từ nhiều phía

Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, hoạt động khai thác cát trái phép trên tuyến đã được đơn vị ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định, không để tồn tại "điểm nóng", phức tạp. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn lợi dụng những khu vực giáp ranh, nơi có các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động để khai thác cát trái phép tại một số điểm như Ba Vì, thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ..., nơi giáp ranh giữa Hà Nội và Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

Một trong những nguyên nhân mà các đối tượng khai thác cát trái phép dù bị CSGT đường thủy xử lý quyết liệt vẫn tái phạm, đó chính là nhu cầu về cát, sỏi, vật liệu xây dựng hiện nay quá “nóng”. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn cũng như sử dụng phương tiện công suất lớn nhằm khai thác nhanh, rút ngắn thời gian khai thác để dễ bề chạy trốn, phi tang vật chứng.

Nhiều đối tượng còn thuê những thuyền đánh cá nhỏ hoạt động vào ban đêm để canh gác, giám sát ngược lại lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ tuần tra trên các tuyến. Đáng chú ý, hoạt động khai thác cát hiện nay đang ngày càng mang đậm dáng dấp của hoạt động tội phạm, với nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự tham gia vào khai thác, chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.

Nhiều tỉnh, thành giáp ranh với Hà Nội cấp phép cho hoạt động khai thác cát, quản lý lỏng lẻo đã khiến cho "cát tặc" lợi dụng để hoạt động

Cũng theo đại diện Phòng CSGT, nhiều doanh nghiệp còn chưa tuân thủ các quy định về khai thác cát như: Thời gian, địa điểm, số lượng phương tiện, vị trí khai thác. Trên thực tế số lượng phương tiện thường nhiều hơn so với con số được đăng ký, và địa điểm thì hay “nở” ra do việc định vị, xác định vị trí giáp ranh khá khó khăn. Bên cạnh đó, ngay cả những phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa, hiện nay cũng đang được lắp đặt thêm thiết bị khai thác cát trái phép và có dấu hiệu ngày một gia tăng. Các phương tiện có thể thả neo khai thác cát trái phép ở bất cứ vị trí nào chúng cảm thấy thuận lợi, theo kiểu chộp giật, với thời gian hoạt động rất ngắn, lưu động đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, bắt quả tang. “Muốn bắt "cát tặc" thì phải bắt quả tang, chứ không thể thu tàu, thuyền... của họ dù trên phương tiện đó có gắn các thiết bị khai thác cát trái phép” - Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn bức xúc.

Dẫu khó khăn là vậy, song chỉ huy Phòng CSGT vẫn tự tin cho biết, số lượng tàu, thuyền và các trường hợp khai thác cát trái phép bị đơn vị phát hiện, xử lý rất lớn. Trong năm 2018, đơn vị đã phát hiện và phối hợp với các lực lượng bắt giữ 122 phương tiện. Riêng từ đầu năm đến nay, phát hiện, thu giữ gần 100 trường hợp tương đương chừng đó phương tiện khai thác cát trái phép.

CSGT đường thủy phải sử dụng những biện pháp nghiệp vụ, kết hợp giữa tuần tra công khai và mật phục để "săn" cát tặc

Dù kết quả xử lý vi phạm rất cao, song hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn bủa vây lực lượng CSGT đường thủy. Cụ thể, tuyến đường thủy dài, giáp ranh, công tác quản lý của các tỉnh nơi cấp giấp phép khai thác lại khá lỏng lẻo. Việc quy định áp dụng văn bản pháp luật trong xử lý vi phạm vẫn chưa rõ ràng, thống nhất. Cùng một hành vi nhưng nhiều cơ quan lại áp dụng các Nghị định khác nhau. Việc xử lý các bến thủy nội địa hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy gặp nhiều bất cập, vì không có quy định nào quy định thời hạn hết hạn giấy phép bao lâu thì coi là bến không phép. Việc bảo quản, quản lý phương tiện, tang vật vi phạm còn nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV, Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn cho biết: "CSGT - CATP Hà Nội hiện đang rất quyết liệt trong việc xử lý "cát tặc". Tuy nhiên, nếu chỉ một mình CSGT là chưa đủ, mà cần phải có sự vào cuộc của tất cả các đơn vị, cơ quan chức năng, tỉnh, thành giáp ranh với Hà Nội. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên cần kiểm tra các dự án cấp phép khai thác, nếu phát hiện các doanh nghiệp vi phạm cần xử lý nghiêm.

Phòng CSGT cũng đề nghị Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT đường thủy các tỉnh giáp ranh với Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm khai thác cát. Phòng CSGT cũng kiến nghị Cục Đường thủy nội địa kiểm tra, xử lý việc các đơn vị khai thác mỏ ở những tỉnh giáp ranh có hay không thực hiện đúng phương án đảm bảo ATGT đã được Cục phê duyệt...".

Hoàng Phong

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/quyet-liet-danh-cat-tac-giua-muon-trung-kho-khan/814405.antd