Bài 3: Thêm bằng chứng vụ 'Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever'

KTNT- Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, không chỉ bị 'tố' là chỉ đạo cấp dưới 'bán trộm' nguyên liệu của Unilever mà ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc Bicico còn bị kiện ra Tòa vì ban hành những quyết định cách chức được cho là 'trù dập' cán bộ. Để rộng đường dư luận, chúng tôi cung cấp thêm thông tin về vụ việc tới bạn đọc.BÀI LIÊN QUAN:>> Bài 1: Ai chỉ đạo Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever?>> Bài 2: Nhiều uẩn khúc trong việc cách chức một giám đốcTổng giám đốc: Chị Lan, anh Hiệp đang 'nắm' bằng chứngNgày 25/12/2012, Công ty CP Công nghiệp Hóa chất Vi sinh (Bicico) tổ chức cuộc họp để xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với bà Lương Thị Thanh Loan. Theo biên bản cuộc họp, ông Đặng Hồng Hải đã ra Thông báo số 307 yêu cầu bà Loan giải trình việc xuất hàng theo thông tin của 2 bản chính phiếu xuất kho 2009 do Chủ tịch HĐQT chuyển… Phòng Kinh doanh cũng có báo cáo với nội dung: 'Chứng từ được cấp sau cùng bán nhựa CA cho Công ty cổ phần Sơn Á Đông với số lượng 1.197kg có số hóa đơn là 053750 ngày 06/5/2009 giá trị là 36.867.600 đồng'.

Trụ sở Công ty Bicico

Khi bà Loan “truy” việc ông Hải chỉ đạo bán nguyên liệu dư của Uniliver thì ông Hải thanh minh bằng việc, cung cấp bằng chứng chỉ đạo bà Loan đưa nguyên liệu dư vào theo dõi trong sổ sách kế toán. Theo ông Hải, báo cáo năm 2009 của Ban Kiểm soát Công ty, ông đã yêu cầu nâng cấp phần mềm để theo dõi và có báo cáo tài chính hàng năm.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ông Hải không phủ nhận chỉ đạo bán nguyên liệu, mà cho rằng:

“Về bằng chứng chỉ đạo của Tổng giám đốc (bán nguyên liệu của Unilever-PV), do bà Vương Ngọc Lan (Phó Tổng giám đốc-PV), anh Hiệp (Kế toán trưởng - PV) nắm. Bà Lan, ông Hiệp đã đưa việc này ra Tòa án. Tòa đã thụ lý nên phải chờ kết luận của Tòa”.

Tuy chưa chứng minh được mình “trong sạch” nhưng ông Hải vẫn kết luận: “Việc Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt để tồn kho ngoài sổ sách không báo cáo Công ty là việc làm có chủ đích. Việc xuất bán nguyên liệu (dư của Unilever-PV) dán nhãn mác khác theo lời khai của các nhân chứng là hoàn toàn có thật”.

Với cách lý luận trên ông Hải đưa ra phán quyết: “Vì vậy, Tổng giám đốc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Luật Doanh nghiệp, điều lệ Công ty áp dụng hình thức cách chức Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt đối với bà Loan và thành lập Tổ công tác để xác định bước tiếp theo về mức độ thiệt hại”.

Bản kiểm kê nguyên liệu dư trong Báo cáo quyết toán
cả năm 2012 thể hiện “nguyên liệu khác” là 115 tấn.

“Nguyên liệu khác” là nguyên liệu gì?

Theo phản ánh của công nhân viên Xí nghiệp Hương Việt thì Bicico nhận gia công 100% nguyên liệu cho Unilever, tất cả nguyên liệu đều có tên, mã ký hiệu nên không thể tồn tại cái gọi là “nguyên liệu khác”. Thế nhưng, trong báo cáo quyết toán cả năm 2012 lại tồn tại một lượng lớn “nguyên liệu khác” tại Xí nghiệp Hương Việt.

Trước đó, tại bản Báo cáo quyết toán quý IV (năm 2011) của Bicico, mục “Quyết toán nguyên vật liệu gia công tháng 12/2011” thì các nguyên liệu đều được ghi rõ: mã hàng, tên hàng, tồn đầu kỳ, tồn cuối kỳ… và không hề có mục “nguyên liệu khác”.

Đến Báo cáo quyết toán 6 tháng đầu năm 2012, mục “Bản ghi nhận kiểm kê” (đại diện Unilever là bà Phan Thị Thu Dung và Phạm Thị Bích Phương; đại diện 3P là bà Nguyễn Thị Xuân Trang và Trần Thị Thanh Mùi) cũng không hề có mục “nguyên liệu khác”.

Báo cáo quyết toán cả năm 2012, ông Hải thừa nhận có một lượng lớn
nguyên liệu đang để ngoài sổ sách.

Tuy nhiên, đến bản kiểm kê Báo cáo quyết toán cả năm 2012 (không có đại diện Unilever) thì Bicico lại “lòi” ra một mục kiểm kê là “nguyên liệu khác”. Trong bản kiểm kê ghi rõ tổng số lượng “nguyên liệu khác” là hơn

115 tấn

, bản kiểm kê không có số liệu “thành tiền”, “số thùng”…

Cuối bản kiểm kê nguyên vật liệu trong báo cáo quyết toán cả năm 2012 có dòng ghi:

“Đề nghị Tổng giám đốc cho điều chỉnh số lượng và giá trị tồn kho đối với NVL, TP, CCDC của Công ty cuối tháng 12/2012 trên sổ sách theo số kiểm kê thực tế đối với các loại nguyên liệu và thành phẩm có chênh lệch trên và số nguyên liệu ngoài sổ sách”

. Sau đó, ông Hải bút phê, ký tên, đóng dấu với nội dung: “25/01/2013. 1, Thuận theo đề nghị. 2, Yêu cầu có báo cáo gửi TGĐ (kèm BCKT này)”.

Tại cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đối với bà Loan ngày 24/12/2012,
ông Hải cho rằng “bằng chứng Tổng giám đốc chỉ đạo bán nguyên liệu
dư của Unilever hiện chị Lan, anh Hiệp đang nắm”.

Như vậy, trong cuộc họp kỷ luật lao động cách chức bà Loan ngày 25/12/2012, ông Đặng Hồng Hải cung cấp bằng chứng đã chỉ đạo cấp dưới đưa nguyên liệu dư vào sổ sách và phần mềm kế toán kể từ năm 2009, nhưng đến cuối năm 2012, ông vẫn xác nhận có một lượng lớn nguyên liệu ngoài sổ sách (?!).

Đề nghị cơ quan điều tra sớm vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.

“Bức màn” bí mật về vụ “bán trộm” nguyên liệu dư của Unilever tại Bicico đang dần được hé lộ. Nhiều người cho rằng, khi vụ việc “vỡ lở” thì Bicico sẽ đứng trước nguy cơ bị Unilever chấm dứt hợp đồng vì hành vi “gian dối trong kinh doanh, vi phạm điều khoản hợp đồng đã ký”. Không chỉ hàng trăm công nhân của Bicico sẽ bị mất việc làm mà qua sự việc lần này, có thể Unilever sẽ thanh tra, thanh lọc lại toàn bộ các đơn vị hiện đang gia công cho họ (chủ yếu các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Tuy nhiên, điều “mất mát” lớn hơn là qua vụ việc này, ít nhiều, uy tín của Unilever bị giảm sút vì người tiêu dùng sẽ nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm khi bị đối tác “rút ruột” quá nhiều, đồng thời giá thành sản phẩm vì thế cũng bị “đội” lên…

Nhóm PVĐT

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/bai-3-them-bang-chung-vu-%E2%80%9Cbicico-ban-trom-nguyen-lieu-cua-unilever%E2%80%9D-post14616.html