Bài 3: Thiếu điện nước và các nguy cơ về cháy nổ

Việc phá vỡ quy hoạch không đơn giản là chỉ phá vỡ cảnh quan, mà kéo theo đó là hàng loạt các hệ lụy như thiếu điện, thiếu nước và nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy...

Nỗi khốn khổ của người dân trong các dự án sai phạm:

Toàn cảnh vụ cháy ở chung cư Xa La năm 2015. Ảnh: CTV

Trận thiếu nước “lịch sử”

Không chỉ những người dân thuộc khu đô thị Linh Đàm còn nhớ trận thiếu nước “lịch sử” năm 2017 mà hầu như người dân cả Thủ đô Hà Nội đều biết đến nỗi thống khổ của cư dân nơi đó.

Thời điểm mà Hà Nội nóng như thiêu đốt, nhiệt độ như càng tăng lên ở khu bán đảo đã từng là khu đô thị kiểu mẫu này. Họ ám ảnh bởi những buổi chiều người lớn, người bé sau một ngày mướt mải đi làm lại vất vưởng ngồi xếp hàng chờ từng xô nước để sinh hoạt. Nước tắm, giặt, nấu ăn đều không có… các hộ dân nơi đây phải bóp bụng mua nước bình để đảm bảo nhu cầu tối thiểu hoặc không thì chọn giải pháp tạm… di cư.

Người dân khan hiếm nước, chưa khi nào từng giọt nước lại quý báu đến thế với người dân khu vực này. Đỉnh điểm có ngày, hàng trăm hộ dân đã căng băng rôn phản đối, yêu cầu chủ đầu tư là Cty Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) và các đơn vị quản lý phải có biện pháp hỗ trợ người dân...

Mặc dù ngay sau đó, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai đã vào cuộc chỉ đạo các đơn vị liên quan, thống nhất phương chủ đầu tư phải ký hợp đồng với đơn vị cung cấp nước sạch và thi công cải tạo hệ thống cấp nước để cung cấp ổn định, lâu dài cho cư dân để không xảy ra tình trạng mất nước, thiếu nước nghiêm trọng. Tuy nhiên, cái nguyên nhân dẫn đến cả một khu dân cư thiếu nước nghiêm trọng ở giữa lòng Thủ đô mới là điều đáng nói.

Thời điểm đó, nhiều người dân tại khu đô thị này cho biết, cùng với sự xuất hiện của các chung cư, đặc biệt khi 12 khối nhà HH tại Tây Nam bán đảo Linh Đàm và 2 chung cư cao đến 40 tầng là VP3, VP5 được bàn giao, sử dụng thì nước vào các tòa nhà bắt đầu yếu.

Cũng lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đại diện Xí nghiệp 1 - Cty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và khu đô thị HUD (HUDS) cho biết, hàng tháng lượng nước sạch cung cấp cho Khu đô thị Linh Đàm khoảng gần 130.000m3, bao gồm nguồn tự sản xuất tại trạm sản xuất nước sạch Linh Đàm là hơn 42.000m3 (chiếm 33%), nguồn cung ứng bổ sung từ trạm sản xuất nước sạch Pháp Vân là gần 25.000m3 (chiếm 19%), còn lại là nguồn nước mặt sông Đà do Cty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco) cung cấp khoảng 61.000m3 (chiếm 48%).

"Khối lượng nước sạch đáp ứng đủ cho 17 đơn nguyên, với gần 3.000 căn hộ tại Khu bán đảo Linh Đàm. Nhưng, khi hai chung cư VP3 và VP5 đưa vào sử dụng, từ tháng 5/2016 đã xuất hiện tình trạng thiếu nước cục bộ" – vị này nói.

Như vậy, "gốc" vấn đề là quy hoạch ban đầu tại Khu đô thị bán đảo Linh Đàm bị phá vỡ, dẫn đến tăng quy mô dân số vượt tính toán thiết kế. Nếu như năm 2009, khi vẽ lên Khu đô thị Linh Đàm, những người làm quy hoạch đã tự hào vì xây dựng được một nơi đáng sống với hơn chục chung cư cao 11 tầng cho gần 3.000 hộ dân sinh sống, thì chỉ sau vài năm, quy hoạch khu vực liên tục điều chỉnh theo hướng tăng thêm tòa nhà và cư dân.

Chung cư VP3 và VP5, trước được quy hoạch là khu văn phòng và khi chưa sử dụng, HUDS đã tận dụng để trồng cây xanh, thì nay đã thành 2 khối nhà 40 tầng, với hơn 1.300 căn hộ. Ngoài ra, chỉ với 3ha ở Tây Nam bán đảo Linh Đàm có đến 12 tòa nhà cao tầng do Cty Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư. Khi quy hoạch bị phá vỡ, việc khan hiếm nước sạch là khó tránh.

Hàng loạt các dự án không thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy

Việc thiếu nước sạch đã đành, việc thiếu điện cũng là nghiễm nhiên. Điều đáng lo ngại tiếp theo của cư dân, đó là câu chuyện phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Trong nhiều đợt công bố danh sách các chung cư cao tầng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, có những năm trong danh sách 38 dự án chung cư cao tầng thì có đến 15 dự án do chi nhánh hoặc trực tiếp Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

Điều đáng nói, hầu hết các dự án đình đám của ông Thản ở Hà Nội gồm Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm, Khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ; Khu đô thị Xa La, Khu đô thị Đại Thanh đều có tên trong danh sách "đen" này.

Trước đó, cảnh sát PCCC TP. Hà Nội đã cương quyết xử lý vi phạm hành chính về PCCC (theo quy định tại Điều 36, Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với một số hạng mục, công trình có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội.

Thậm chí, có những dự án chung cư cao tầng của tập đoàn Mường Thanh dù đã được Cảnh sát PCCC Hà Nội nhiều lần nhắc nhở nhưng không khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC.

Về câu chuyện này, một số chuyên gia thi công hệ thống PCCC cho các tòa nhà chung cư ở Hà Nội nhận định: Với kết cấu, quy hoạch bị phá vỡ, không gian xung quanh chật hẹp, hệ thống bể nước, bơm áp, thiết bị thiếu quy chuẩn do chủ đầu tư không chịu đầu tư từ đầu, dẫn đến hệ lụy là các sai phạm luôn luôn diễn ra. Vì vậy các chung cư này không đủ điều kiện để cấp phép PCCC.

Công tác PCCC không đảm bảo là nguyên nhân gây là hàng loạt vụ cháy tại các chung cư của đại gia Lê Thanh Thản, đỉnh điểm có những thời điểm trong vòng chưa đầy 1 tháng các tòa chung cư của vị đại gia này đã cháy 3 lần, nghiêm trọng nhất là vụ cháy tầng hầm chung cư CT4A tại Khu Đô Thị Xa La năm 2015 khiến hàng trăm xe máy bị thiêu trụi.

Cũng chia sẻ những bất cập ở các chung cư của chủ đầu tư Mường Thanh, các đơn vị PCCC cũng cho biết, ngoài hệ thống điện, nước không đáp ứng được nên dẫn đến tình trạng chập, cháy do quá tải thì mật độ cư dân quá đông cũng tạo nên một sức ép rất lớn cho công tác phòng cháy chữa cháy.

Thừa nhận việc thiếu lối đi thông thoáng nếu có hỏa hoạn xảy ra, một người dân sống tại tầng 19 tòa CT3 (Khu đô thị Xa La) chia sẻ: Cư dân chúng tôi đây bức xúc vì thiếu sân chơi cho trẻ em do khu vực trước đây theo thiết kế là sân chơi nhưng giờ chiều đến là họ cho để xe tràn ra.

“Ngay lối vào chung cư cũng tận dụng cho để xe ô tô để thu tiền, nếu xảy ra cháy, xe cứu hỏa cũng không có đường nào vào chữa cháy”, người dân này cho biết.

Tương tự, một người dân sống tại tòa nhà Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (ngay cạnh tòa nhà CT3 – Kim Văn Kim Lũ) cũng cho biết: Chiều đến xe và các phương tiện để khắp trên sảnh và hai bên đường vào tòa nhà. Nếu xảy ra cháy xe cứu hỏa sẽ khó tiếp cận tòa nhà.

(Còn nữa)

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-3-thieu-dien-nuoc-va-cac-nguy-co-ve-chay-no-347284.html