Bài 3: 'Thuận thiên' để phát triển bền vững(Tiếp theo và hết)

Với những gì mà người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải gánh chịu, có thể thấy những kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là sự nhận diện mà là hệ lụy hiện hữu. Trước thực trạng trên, để 'hiến kế, cứu nguy' cho ĐBSCL, các chuyên gia đã có những phân tích, đánh giá giúp 'vựa lúa cả nước' ứng phó với BĐKH, tiến tới phát triển bền vững.

Lồng ghép giữa công trình và phi công trình

Bàn về những giải pháp để thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn (HH&XNM), nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL cần được rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với HH&XNM, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên. Cùng với đó, kinh nghiệm “sống cùng hạn mặn” trong dân gian cần tiếp tục phát huy. Từ bao đời nay, người dân ven biển đã biết sử dụng lu, khạp trữ ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Lâu nay, chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu để thoát lũ, nên chuyển sang trữ ngọt và dùng nước tiết kiệm. Từ xưa, cùng với mùa nước nổi, thiên nhiên đã hình thành các “túi nước tự nhiên” khổng lồ ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên để trữ nước. Tư duy đó cần được nâng tầm bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: Dịch chuyển lịch thời vụ để tránh hạn mặn; sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa. Kèm theo đó là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để bảo đảm sự chuyển đổi thành công.

Mô hình trồng mãng cầu xiêm cho hiệu quả cao ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Ngoài ra, các địa phương cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản… để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn. Trong đó, các địa phương ưu tiên những dự án thủy lợi, như: Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 2, hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo, Tân Trụ…

Để thích ứng với HH&XNM, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ đề xuất: “Về mặt chính quyền, cần có hệ thống trị thủy gồm những công trình có thể bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân cả trong mùa khô và mùa lũ. Đặc biệt, có những công trình đủ khả năng điều tiết nước, vừa thoát lũ nhanh, vừa dùng để cung cấp nước sạch, nước ngọt phục vụ cuộc sống của người dân. Đối với người dân, nên trữ nước cho sinh hoạt và tiêu dùng của mình, ít nhất là trong vòng 3-4 tháng mùa khô. Ngoài ra, ở đồng ruộng cũng phải có hồ ao để trữ nước phục vụ tưới tiêu hoặc cho sản xuất trong thời gian 3-4 tháng mùa khô. Đặc biệt, Nhà nước và người dân cần quan tâm đến phi công trình, nghĩa là tổ chức tập huấn về BĐKH, về kỹ thuật giữ nước, kỹ thuật để xây dựng công trình, về tiết kiệm nước trong sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp...".

Theo GS, TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Để giải quyết vấn đề HH&XNM trước mắt, các địa phương vùng ĐBSCL phải chủ động tạo nguồn nước ngọt, đặc biệt là các vùng khan hiếm nước; đồng thời, cấp bách xây dựng hồ chứa, ao chứa, đập tạm trên kênh mương để tích trữ nước ngọt; làm các đập tạm tích nước mưa, nước kênh rạch ngay trong mùa mặn ở vùng ven biển khi độ mặn giảm thấp, nước ngọt xuất hiện.

Ở góc độ địa phương, theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Thực tế, HH&XNM đều được các ngành chức năng dự báo từ sớm. Tuy nhiên, chính vấn đề “xé rào” trong sản xuất, không tuân thủ khuyến cáo mà con số thiệt hại do ảnh hưởng của HH&XNM luôn cao. Theo đó, để chủ động ứng phó với HH&XNM, các địa phương cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phải tính toán cụ thể trong công tác điều tiết nước, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân thấy được những lợi ích của việc hạn chế xuống giống lúa ở các khu vực cuối nguồn nước ngọt mà địa phương đã khuyến cáo sẽ thiếu nước...

Biến nước mặn thành tài nguyên

Nói về hướng lâu dài trong công tác thích ứng với HH&XNM, các chuyên gia cho rằng đây là thời cơ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi ngôi vị hàng đầu từ sản lượng sang giá trị, bảo đảm phát triển bền vững và giữ được an ninh lương thực. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này thì việc triển khai mạnh mẽ và quyết liệt Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH được coi là đòn bẩy cứu nguy vùng châu thổ Cửu Long.

PGS, TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, phân tích: “Hiện nay, chúng ta thiên về giải pháp công trình để hạn chế hơn là chấp nhận hạn, mặn. Thực tế, điều này sẽ rất tốn kém. Mặn cũng là một lợi thế. Nếu chỉ trồng lúa thì tác hại thật nhưng khi chuyển sang một mô hình phù hợp thì đó là lợi. Cần phải kiểm soát mặn nhưng ở mức độ chứ không phải bằng mọi giá. Xu hướng bây giờ là thích ứng và giảm thiệt hại. Thiên nhiên không thể chống được”.

GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng từng kêu gọi “đừng coi hạn, mặn là kẻ thù mà hãy coi nó, đối xử với nó như một người bạn”. Lý giải về điều này, ông cho rằng, đối phó với HH&XNM chắc chắn sẽ khó khăn và tốn kém hơn việc chủ động sống chung với lũ. Tuy vậy, thử thách XNM vẫn có thể là một trong những cơ hội để khai thác những lợi thế mà nó có khả năng mang lại cho cư dân vùng ven biển. Điển hình như ở Cà Mau, mô hình sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm đạt hiệu quả cao là thực tế không thể bàn cãi. Nhiều năm trở lại đây, giá 1kg tôm rẻ nhất cũng bằng 40kg lúa. “Thay vì lấy lúa làm gốc, chúng ta có thể lựa chọn thủy sản, đặc biệt là con tôm. Ở thượng nguồn, người nông dân đã khá thành công với mô hình lúa-tôm, lúa-cá; hạ nguồn thì lúa-tôm. Thời gian qua, hơn 100.000ha ở ĐBSCL đã được bà con chuyển đổi sang mô hình lúa-tôm; sản xuất hai vụ tôm, một vụ lúa, lúc đó tôm là chính, lúa là phụ… Với mô hình canh tác này, thu nhập của người nông dân rất cao. Mức độ thích nghi với môi trường ổn định hơn. Thách thức được biến thành cơ hội. Người nông dân bằng những trải nghiệm thực tiễn của mình đã biết cách sử dụng thiên nhiên uyển chuyển, hòa hợp với con người chứ không phải cưỡng chế, đương đầu với nó. Đôi khi, người nông dân đã quyết định trái với quy hoạch nhưng những sáng tạo của họ đã được chứng minh là đúng đắn”, GS, TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Nhìn lại thực trạng HH&XNM cùng với những phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp của các chuyên gia, có thể thấy, “thích ứng” và “thuận thiên” là hướng đi tốt nhất để “cứu” ĐBSCL. Vì thế, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ngay lúc này không phải là đối phó, chống lại BĐKH mà là chinh phục, thích ứng, biến thách thức thành cơ hội để ĐBSCL phát triển bền vững trong tương lai.

Bài và ảnh: NGUYỄN BÁ-THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bai-3-thuan-thien-de-phat-trien-ben-vung-tiep-theo-va-het-610152