Bài 3: YouTube lên tiếng về lý do khiến Yeah1 phải trả giá

Trong khi YouTube cho rằng các công ty thuộc Tập đoàn Yeah1 bị phát hiện lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của YouTube, thì Yeah1 khẳng định Yeah1 luôn định hướng tuân thủ các quy định về nội dung của YouTube.

YouTube: Những công ty của Yeah1 lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng

Liên quan đến lý do dẫn đến việc YouTube chấm dứt hợp tác với Yeah1 kể từ tháng 4/2019, qua email vào ngày 5/3, đại diện truyền thông của Google khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, lý do dẫn tới việc chấm dứt hợp tác với đối tác Yeah1 là:

"Chúng tôi quyết định thực thi các quyền trong hợp đồng và chấm dứt quan hệ hợp tác với một số Mạng lưới đa kênh (MCN: Multi-channel network) cùng với các công ty con của họ. Những công ty này bị phát hiện lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của chúng tôi, và chúng tôi cần đảm bảo sự an toàn cho người xem cũng như những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube. Chúng tôi nỗ lực để đảm bảo quá trình chuyển đổi của những nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng bởi sự chấm dứt hợp tác này được diễn ra một cách liền mạch nhất có thể".

Yeah1: Không chấp nhận những nội dung có hại cho cộng đồng

Trước thông tin về việc Yeah1 bị YouTube ngừng hợp tác do dung túng cho các kênh YouTube có nội dung “bẩn”, Tập đoàn Yeah1 đã có thông tin phản hồi khẳng định Yeah1 luôn định hướng tuân thủ các quy định về nội dung của YouTube, không chấp nhận những nội dung có hại cho cộng đồng trong hệ thống như: Nội dung gây hại cho trẻ em, ví dụ điển hình như Momo Challenge, nội dung không tuân thủ pháp luật Việt Nam, nội dung không tuân thủ chính sách của YouTube.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, Tập đoàn đã xây dựng hệ thống và đội ngũ nhân sự, kĩ thuật để quét và sàng lọc những video được tải lên hệ thống hàng ngày, đảm bảo những nội dung này an toàn và tuân thủ những chính sách trên. Những nội dung vi phạm sẽ ngay lập tức được báo cáo lại cho YouTube và xử lí theo qui định.

Tập đoàn Yeah1 cũng khẳng định, không có chính sách này và tuyệt đối không chấp nhận các kênh không đạt chuẩn như chính sách của YouTube và Tập đoàn Yeah1.

Trong việc quản lí kênh, Yeah1 đã rà soát và làm rõ với YouTube về hoạt động quản lí kênh của 2 công ty con trực tiếp là Yeah1 Network và ScaleLab hiện tại vẫn tuân thủ đầy đủ quy định của họ.

Về những vi phạm trong việc quản lí kênh xảy ra tại Springme LLC (khoản đầu tư tài chính, Yeah1 sở hữu 16,93% ), Yeah1 đã làm việc để hai bên nắm được chính xác vấn đề, làm cơ sở cho những lần trao đổi tiếp theo.

Tuy nhiên, Yeah1 cũng thừa nhận: “Dù hết sức nỗ lực, trong các hoạt động điều hành, các MCN trên toàn thế giới nói chung và Network lớn nói riêng như Yeah1 cũng không tránh khỏi sai sót”.

Bình luận về sự cố của Yeah1, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, Yeah1 vi phạm chính sách của YouTube như thế nào thì YouTube công bố mới chính xác được, nhưng chắc chắn Yeah1 có sai, có vi phạm cam kết thì YouTube mới chấm dứt hợp đồng.

Nói về thiệt hại của các bên trong vụ việc này, theo ông Đồng, Yeah1 vi phạm cam kết trong hợp đồng với YouTube, rõ ràng là Yeah1 bị thiệt hại đầu tiên, kéo theo tất cả các đối tác của Yeah1 bị vạ lây. Cho dù Yeah1 có cam kết trả tiền đầy đủ cho các kênh trên hệ thống, nhưng những nhà làm nội dung đứng đắn, không có vi phạm bị thiệt hại đáng kể vì họ không thể khiếu nại trực tiếp lên YouTube mà phải chung số phận với Yeah1.

“Hiện YouTube nắm đằng chuôi, áp đặt chính sách là làm việc qua các MCN, chỉ kiểm soát những “ông to” do đó, khi doanh nghiệp nội dung số Việt Nam vừa yếu, vừa chủ quan khi cố tình làm sai, trong khi vị thế thị trường yếu hơn, nên khi có sự cố bị trả giá rất đắt. Trong vụ việc này, không chỉ Yeah1 thiệt hại, mà còn làm các nghệ sỹ, những nhà sáng tạo nội dung đứng đắn, không vi phạm phải chịu thiệt liên đới, khi những nhà sáng tạo nội dung tuy không vi phạm nhưng không thể khiếu nại trực tiếp với YouTube”, ông Đồng phân tích.

Các lỗi vi phạm phổ biến của các MCN (nhà cung cấp mạng đa kênh) trên YouTube:

- Các kênh mà MCN quản lý không tuân thủ các chính sách của YouTube dẫn đến tình trạng kênh bị chấm dứt hoặc tắt tính năng kiếm tiền. Tổng số lỗi của các kênh trong MCN vượt quá giới hạn cho phép bởi YouTube.

- Hệ thống MCN nhận nhiều cảnh cáo vi phạm bản quyền quá giới hạn cho phép

- Tỉ lệ chấp nhận lời mời liên kết kênh thấp hơn ngưỡng quy định

- Lạm dụng Content ID để xác nhận quyền sở hữu nội dung không hợp lệ

- Lách hệ thống: Lạm dụng các tính năng hệ thống để gây xáo trộn hệ thống hoặc quy trình có sẵn của YouTube.

Những vi phạm phổ biến của các kênh YouTube:

- Nội dung không thân thiện với nhà quảng cáo, vi phạm nguyên tắc cộng đồng YouTube: phản cảm, khiêu dâm, gây hại, nguy hiểm, kích động, quấy rối, không phù hợp với trẻ em, bạo lực, máu me, đẫm máu

- Spam, siêu dữ liệu gây hiểu lầm và lừa đảo: tạo mô tả, thẻ, tiêu đề hoặc hình thu nhỏ gây hiểu lầm nhằm tăng số lượt xem, nội dung lặp đi lặp lại

- Vi phạm bản quyền: sử dụng nội dung do người khác sở hữu bản quyền trong video dẫn đến kênh bị nhận cảnh cáo vi phạm bản quyền.

- Sử dụng các phương thức/dịch vụ không hợp lệ nhằm tăng số lượt xem và người đăng ký trên kênh YouTube.

(Theo Yeah1)

Có thể bạn quan tâm

Đỗ Lê Tảo - Khôi Nguyên

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/bai-3-youtube-len-tieng-ve-ly-do-khien-yeah1-phai-tra-gia/20190307092721980