Bài 32. Thống nhất chọn án trọng điểm để tập trung lực lượng giải quyết nhanh

Viện kiểm sát nhiều tỉnh chú ý đến việc phát hiện đấu tranh chống vi phạm trong công tác xét xử, trong thi hành án, trong công tác điều tra của CQĐT và kiểm sát điều tra, nhất là việc rút ra những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phạm tội để góp phần thực hiện việc phòng ngừa được tốt hơn.

Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự năm 1973, 1974 của ngành Kiểm sát; việc giải quyết một vụ án gây tiếng vang lớn đối với công tác điều tra của VKSND tối cao.

Thụ lý mới 6.466 vụ với 13.750 bị can

Về công tác kiểm sát điều tra, năm 1973, toàn Ngành triển khai và thực hiện theo đúng phương hướng chỉ đạo của Chỉ thị số 27 và thông báo đầu năm của ba đảng đoàn (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án). Các mục tiêu phục vụ, các yêu cầu về trọng tâm, trọng điểm công tác của Ngành đã được khâu kiểm sát điều tra ở địa phương vận dụng có kết quả, sát với tình hình thực tế của địa phương mình.

Năm 1973, Ngành thụ lý mới 6.466 vụ với 13.750 bị can, giải quyết 5.730 vụ, truy tố 3.940 vụ, chiếm tỉ lệ 69%, miễn tố 1.577 vụ. Nhiều địa phương như Lạng Sơn, Quảng Bình, Hòa Bình... đã chủ động tổ chức họp liên tịch với Công an thống nhất phương hướng đấu tranh chống tội phạm. Thực hiện được việc thống nhất chọn án trọng điểm, án thời sự để tập trung lực lượng giải quyết nhanh hơn, phục vụ kịp thời yêu cầu chính trị của địa phương, góp phần sửa chữa một số sơ hở trong công tác quản lý tổ chức, quản lý kinh tế, quản lý trị an.

Trong năm 1974, VKSND tối cao tăng cường chỉ đạo VKSND các địa phương hướng dẫn thực hiện Thông tư số 139-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thời kỳ này, Vụ 2B tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao ban hành Kế hoạch số 05/KH về phân loại xử lý ở cấp huyện. Đây là biện pháp công tác không những giúp cho Viện kiểm sát nắm được tình hình bắt giữ trên địa bàn mà còn thông qua biện pháp công tác thực hiện được nhiệm vụ đảm bảo việc bắt giữ đúng quy định của pháp luật. Đây là sáng kiến, cải tiến trong công tác do các đồng chí ở Tổ Tổng hợp, Vụ 2B đề xuất.

Trong thời kỳ này, xảy ra vụ án tại số nhà 15, ngõ Yên Thế, Đống Đa, Hà Nội về chiếm đoạt nhà ở của người đi sơ tán, người bị chiếm đoạt lại bị xử oan sai. Đây là vụ án có dấu hiệu oan sai nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Viện trưởng VKSND tối cao giao vụ án cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao trực tiếp điều tra, Vụ 2B trực tiếp kiểm sát điều tra.

Vụ án đã được đưa ra xét xử công khai với phán quyết ngược lại, gây tiếng vang lớn đối với công tác điều tra của VKSND tối cao. Đây là kết quả chỉ đạo kiên quyết của tập thể lãnh đạo VKSND tối cao. Đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã quan tâm chỉ đạo sát sao Cơ quan điều tra của Viện phối hợp với các CQĐT khác làm rõ sự thật. Đồng thời, vụ án thể hiện sự phối hợp tốt giữa các đơn vị thuộc VKSND tối cao như Phòng Điều tra và Vụ 2B.

Giảm tỉ lệ hồ sơ bị Tòa án trả lại để điều tra bổ sung

Về công tác kiểm sát xét xử hình sự, năm 1973, Viện kiểm sát các địa phương vừa khẩn trương giải quyết án, không để kéo dài khâu kiểm sát xét xử hình sự, vừa tác động tới Tòa án đẩy mạnh tiến độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nên số án được giải quyết trong luật định nhiều hơn. Tỉ lệ hồ sơ bị Tòa án trả lại để điều tra bổ sung giảm, tỉ lệ án sơ thẩm xét xử khác về cơ bản so với kết luận của Viện kiểm sát cũng ít hơn những năm trước.

Tỉ lệ hồ sơ bị Tòa án trả lại để điều tra bổ sung giảm 2% ở cấp huyện, 5% ở cấp tỉnh. Tỉ lệ án sơ thẩm xử khác về cơ bản với kết luận của Viện kiểm sát cũng ít hơn năm trước, trong số 965 vụ đưa xét xử sơ thẩm ở tỉnh năm 1973 chỉ có 88 vụ khác cơ bản về tội danh và hình phạt, chiếm 9% (năm 1972 là 13%).

Tốc độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm ở các cấp Tòa án đều được đẩy lên. Án ở cấp huyện được xử nhanh hơn. Án phúc thẩm cũng được nâng lên rõ rệt (năm 1972: thành, tỉnh 66%, VKSND tối cao 62%; năm 1973: thành, tỉnh 78%, VKSND tối cao 68%).

Trong số án trọng điểm, nhiều vụ được chọn đưa ra xét xử điển hình nhằm phát huy tác dụng phục vụ nhiệm vụ chính trị. Án trọng điểm, án điển hình còn được chú trọng ở giai đoạn phúc thẩm ở tỉnh như vụ Nguyễn Thị Dung (Quảng Bình); ở giai đoạn phúc thẩm tối cao như vụ Nguyễn Trọng Quyến, Trần Minh Thắng, Nguyễn Thế Bưu...

Đạt được những kết quả nêu trên là do công tác kiểm sát xét xử hình sự ở các cấp có một số cải tiến trong nghiệp vụ, nhất là trong phối hợp với khâu kiểm sát điều tra, kiểm sát giam giữ và với Tòa án.

 Tòa án quân quản tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử công khai các tên ác ôn sau ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu)

Tòa án quân quản tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử công khai các tên ác ôn sau ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu)

Viện kiểm sát nhiều tỉnh chú ý đến việc phát hiện đấu tranh chống vi phạm trong công tác xét xử, thi hành án, trong công tác điều tra của CQĐT và kiểm sát điều tra, nhất là việc rút ra những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phạm tội để góp phần thực hiện việc phòng ngừa được tốt hơn. Trong số án trọng điểm, nhiều vụ được chọn đưa ra xử điển hình nhằm phát huy tác dụng phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, bộ máy tổ chức của kiểm sát xét xử hình sự nói chung còn yếu và thiếu. Vai trò chủ đạo của đồng chí Viện trưởng ở các địa phương chỉ được chú ý đi sát trong một số vụ án trọng điểm thời sự, còn thường là khoán cho Kiểm sát viên phụ trách; chế độ chức trách của Kiểm sát viên, lề lối làm việc phân công, phân nhiệm giữa Kiểm sát viên và cán bộ nghiệp vụ vẫn còn chưa hợp lý.

Năm 1974, tuy số lượng các vụ phạm pháp được khởi tố tăng hơn năm 1973 nhưng công tác điều tra các vụ án, kể cả án trọng điểm đã được tiến hành nhanh hơn. Nhiều vụ án quan trọng và phức tạp được hoàn thành trong thời gian tương đối ngắn.

Trong khi tiến hành công tác kiểm sát, Viện kiểm sát các cấp chú ý gắn liền hai mặt đấu tranh chống phạm pháp bên trong các cơ quan Nhà nước với đấu tranh chống phạm pháp bên ngoài xã hội, từ những vụ xảy ra ngoài xã hội mà tìm ra những kẻ tội phạm trong nội bộ cơ quan, xí nghiệp và ngược lại. Mặt khác, VKSND tối cao đề ra yêu cầu bắt buộc đối với các Viện kiểm sát và Kiểm sát viên là trong khi làm các vụ án kinh tế và trị an phải tìm ra những nguyên nhân và điều kiện, nhất là những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước để kiến nghị khắc phục.

Công tác đấu tranh chống các tội phạm kinh tế và tội xâm phạm trật tự trị an xã hội được đẩy mạnh hơn các năm trước. Ngành Kiểm sát đã trực tiếp điều tra 477 vụ án kinh tế, 623 vụ án về trật tự trị an, chủ trương lấy công tác đấu tranh chống tội phạm làm đòn bẩy để thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW, nhằm góp phần vào việc phát động quần chúng đấu tranh chống tệ lấy cắp vật tư của Nhà nước và tệ làm ăn phi pháp, khắc phục các thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thúc đẩy việc chấn chỉnh quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước.

Để bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị, năm 1974, ngành Kiểm sát đã quan tâm cải tiến quan hệ công tác giữa ba ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát, coi đây là vấn đề có tính chất quyết định để làm tốt công tác đấu tranh chống tội phạm ở tất cả các địa phương.

Ngoài ra, VKSND tối cao cũng đã chú ý xây dựng mối quan hệ công tác giữa các ngành quản lý với các ngành chuyên trách đấu tranh chống tội phạm. VKSND tối cao đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư số 139-TTg nhằm xác định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý các cấp đối với việc đấu tranh và ngăn ngừa tội phạm trong nội bộ ngành mình, địa phương mình.

Cùng với đó, công tác kiểm sát các nơi giam giữ và các trại cải tạo cũng được đẩy mạnh hơn. Một số Viện kiểm sát huyện, thị, khu phố phát huy kinh nghiệm của năm 1973, đưa công tác kiểm sát việc tạm giữ ở các Đồn Công an vào nền nếp. Các Viện kiểm sát tỉnh, thành thường xuyên kiểm tra các trại giam. VKSND tối cao tiến hành kiểm tra 7 trong số 16 trại cải tạo.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bai-32-thong-nhat-chon-an-trong-diem-de-tap-trung-luc-luong-giai-quyet-nhanh-86177.html