Bài 4: Nâng tầm công tác bảo đảm kỹ thuật

Với sự đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong triển khai thực hiện, năm 2022, công tác kỹ thuật (CTKT) toàn quân đã có nhiều bứt phá, đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Quân đội.

Phát huy thành tích đã đạt được, năm 2023, ngành kỹ thuật tập trung thực hiện các đề án, dự án về tổ chức ngành và công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và các nhiệm vụ khác.

Bảo đảm tốt kỹ thuật cho các nhiệm vụ

Năm 2022, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng yêu cầu ngành kỹ thuật toàn quân tập trung thực hiện các chương trình, đồng bộ trang bị kỹ thuật (TBKT); cải tiến, hiện đại hóa trang bị và triển khai một số dự án mới; bảo đảm kỹ thuật tốt cho các nhiệm vụ; nâng cao chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị tại các nhà máy, xí nghiệp; tăng cường công tác quản lý, khai thác, làm chủ trang bị mới, hiện đại; tiếp tục nghiên cứu thí điểm bảo đảm kỹ thuật theo vòng đời cho một số loại TBKT thế hệ mới...

Trên cơ sở bám sát phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, ngành kỹ thuật toàn quân đã chủ động triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và đồng bộ TBKT cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, diễn tập, cứu hộ, cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất; tổ chức sửa chữa TBKT theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thượng tá Trần Trung Kiên, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân, cho biết: Với quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thời gian qua, ngành kỹ thuật Quân chủng đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà máy triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư theo chiều sâu về công nghệ. Các dự án đã từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực sửa chữa của các nhà máy và chất lượng các sản phẩm xuất xưởng; khả năng sản xuất vật tư, phụ tùng kỹ thuật của các nhà máy được nâng lên rõ rệt. Cùng với đầu tư theo chiều sâu về công nghệ, các đơn vị chú trọng đầu tư và nhân rộng mô hình điểm về khu kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật.

Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm khoa học - công nghệ về công tác kỹ thuật, tháng 11-2022

Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm khoa học - công nghệ về công tác kỹ thuật, tháng 11-2022

Chia sẻ với chúng tôi về những kết quả nổi bật trong năm 2022, Thiếu tướng Hoàng Đạo Nhật Yên, Cục trưởng Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (TCKT), khẳng định: Trong năm qua, Cục Quân khí thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện quân số thiếu so với biên chế, lực lượng chuyên môn kỹ thuật giữa phía Bắc và phía Nam chưa cân đối. Bởi vậy, Đảng ủy, chỉ huy Cục đã điều động hàng chục đồng chí ở phía Bắc bổ sung cho các đơn vị phía Nam và Tây Nguyên. Với tinh thần làm việc cả sáng thứ bảy hằng tuần, Cục Quân khí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, bảo đảm đạn cho các nhiệm vụ, hoàn thành việc cấp đổi, thu hồi vũ khí, khí tài, đạn dược cho các sư đoàn đủ quân giai đoạn 2.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp, năm 2022, ngành kỹ thuật toàn quân đã thực hiện tốt chương trình sản xuất vật tư kỹ thuật, các dự án cải tiến, hiện đại hóa TBKT; công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tăng hạn TBKT, khai thác, làm chủ kỹ thuật trang bị mới, hiện đại, tạo chuyển biến rõ nét, bảo đảm kịp thời, đủ số lượng, chất lượng TBKT cho các nhiệm vụ; hệ số kỹ thuật các loại TBKT làm nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện Kt=1. TCKT đã tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy trong toàn quân tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW ngày 29-11-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là QUTƯ) về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới và tổ chức hội nghị tổng kết của Bộ Quốc phòng, qua đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Tập trung các đột phá

Trong Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Đảng ủy TCKT xác định: Hoàn thành 100% nội dung, chỉ tiêu CTKT. Duy trì hệ số bảo đảm trang bị đối với nhóm SSCĐ, huấn luyện chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn bằng 1; triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình của ngành kỹ thuật; tiếp tục xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong ngành kỹ thuật...

Xác định nhiệm vụ xây dựng, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật quân sự có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao là vấn đề quan trọng, cơ bản, lâu dài để xây dựng ngành kỹ thuật sớm tiến lên chính quy, hiện đại. Đặc biệt, trong điều kiện thực hiện đề án điều chỉnh tổ chức biên chế Quân đội giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, sẽ giải thể, sáp nhập một số cơ quan, đơn vị, việc tạo nguồn nhân lực đã được Đảng ủy, chỉ huy TCKT tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng chuẩn hóa về năng lực, trình độ, tay nghề, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị kỹ thuật các cấp chủ động huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo, mở rộng hợp tác trong đào tạo nhân lực chất lượng cao để tiếp cận, ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trung tướng Trần Duy Hưng, Chính ủy TCKT, cho biết: Đảng ủy, chỉ huy TCKT chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ kỹ thuật, thợ kỹ thuật giỏi trên các lĩnh vực trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn, làm nòng cốt trong công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là bảo đảm vũ khí, TBKT mới, công nghệ cao; gắn công tác đào tạo với bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Cùng với đó, Tổng cục đang nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù, báo cáo cấp trên để thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao vào phục vụ Quân đội.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nhiệm vụ CTKT trong tình hình mới, Trung tướng Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho biết: Học viện đã và đang chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuẩn hóa, chuyên sâu. Trước mắt, Học viện tập trung đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công tác chỉ huy, điều hành, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học-công nghệ (KH-CN), cải tiến phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật. Bên cạnh đó, Học viện đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Quân đội để thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, TBKT tại các đơn vị.

Qua các lần kiểm tra của thủ trưởng Bộ Quốc phòng cũng như đánh giá của Đảng ủy TCKT, năm 2022, mặc dù đã chủ động triển khai thực hiện CĐS trong Tổng cục và ngành kỹ thuật nhưng hiệu quả còn ở mức độ nhất định. Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, thực hiện CĐS trong ngành kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng, giúp người chỉ huy và cơ quan kỹ thuật tối ưu hóa quá trình điều hành hoạt động của ngành trong toàn quân và ở mỗi cấp, mỗi đơn vị, qua đó quản lý chặt chẽ, từ xa, theo thời gian thực mọi quy trình hoạt động hằng ngày của vũ khí, TBKT, các quy trình bảo đảm TBKT, quy trình hoạt động của hệ thống cơ sở kỹ thuật, góp phần nâng cao khả năng SSCĐ, tạo nền tảng vững chắc xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại.

Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm TCKT, khẳng định: Quán triệt chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, TCKT xác định CĐS trong ngành kỹ thuật là một trong những khâu đột phá không chỉ trong năm 2023 mà cả những năm tiếp theo. Thực hiện đột phá này, Đảng ủy TCKT và cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết chuyên đề nhằm thống nhất chủ trương, mục tiêu, cách thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng trách nhiệm cho mọi lực lượng liên quan đến thực hiện nhiệm vụ CĐS; cùng với đó, tập trung thu hút, phát triển nguồn nhân lực có năng lực, trình độ, trách nhiệm về ứng dụng công nghệ số; tích cực tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng tại chỗ, gửi đi đào tạo ở các nhà trường, trung tâm trong và ngoài Quân đội để nâng cao kỹ năng CĐS.

Đẩy mạnh CĐS trong công tác kỹ thuật là nhiệm vụ mới, quan trọng cả trước mắt và lâu dài, nhưng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng công nghệ còn nhiều bất cập, hơn nữa, đặc thù quân sự đòi hỏi tính bảo mật cao. Bởi vậy, theo lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị, cần triển khai đồng bộ, thống nhất chủ trương này từ trên xuống; thành lập ban chỉ đạo CĐS, lực lượng chuyên trách về CĐS từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên (đơn vị có cơ quan kỹ thuật) để triển khai thực hiện CĐS bài bản, thực chất, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, trong đó chú trọng huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng KH-CN phục vụ CĐS hiệu quả, bền vững, an toàn.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW do Bộ Quốc phòng tổ chức tháng 11-2022, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo: “Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về yêu cầu, nhiệm vụ CTKT. Tập trung xây dựng ngành kỹ thuật Quân đội tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới... Ngành kỹ thuật phải tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở sửa chữa toàn quân; nâng cao năng lực công nghệ cho sửa chữa phục hồi và sản xuất vật tư kỹ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu KH-CN, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH-CN vào giải quyết những yêu cầu cấp bách trong khai thác, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa TBKT...”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-4-nang-tam-cong-tac-bao-dam-ky-thuat-717855