Bài 4: Ngày xuân gặp những nghệ nhân ưu tú đờn ca tài tử đất phương Nam

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để tạo môi trường thuận lợi cho các nghệ nhân tiếp tục cống hiến trong việc đào tạo, truyền nghề nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, tỉnh Kiên Giang rất chú trọng việc tôn vinh các nghệ nhân.

 Các đơn vị nhận cờ lưu niệm tại Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang 2019.

Các đơn vị nhận cờ lưu niệm tại Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang 2019.

Năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” về Đờn ca tài tử cho các ông: Nguyễn Hoàng Vũ, Lê Văn Chiểu, Nguyễn Văn Nhỏ. Đây là những hạt nhân tích cực của phong trào Đờn ca tài tử tỉnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vũ – người thắp lửa đam mê Đờn ca

Ông Nguyễn Hoàng Vũ sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bến Tre nhưng hiện nay ông là hội viên của hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang. Từ nhỏ ông đã bị hút hồn bởi những ngón đàn, tiếng hát của các bậc cha, chú. Được gia đình đồng ý cho học và với lòng đam mê ca hát, tiếng hát của ông được đánh giá là rất có triển vọng. Từ năm 1995 đến nay ông đã có khoảng thời gian 24 năm nghiên cứu lý luận nghệ thuật đờn ca tài tử; thực hành; truyền dạy cho 27 người và sáng tác hàng chục tác phẩm lời mới cho đờn ca tài tử. Với quyết tâm tập hợp những người cùng chung sở thích với mình, ông Vũ đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang ủng hộ và đứng ra ''''đỡ đầu" việc thành lập Câu lạc bộ đờn ca tài tử Phù Sa Kiên Giang vào năm 2011.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Vũ chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ĐCTT tại buổi Tọa đàm về Đờn ca tài tử

Dưới sự dẫn dắt của ông Vũ, Câu lạc bộ Phù Sa Kiên Giang đã từng giành giải Nhất tại Liên hoan đờn ca tài tử khu vực phía Nam do Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Kiên Giang tổ chức năm 2013. Hiện nay Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 2 lần. Trong câu lạc bộ có 03 tài tử đàn rất điêu luyện là các anh Hoàng Thắng, Minh Huấn và Lý Ngoan. Câu lạc bộ đờn ca tài tử Phù Sa Kiên Giang cũng là nơi mở lớp dạy ca hát cải lương, với sự đầu tư bài bản và chăm chỉ luyện tập, nhiều học viên dưới sự truyền dạy nhiệt tình của thầy Nguyễn Hoàng Vũ đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.

Cụ Lê Văn Chiểu – hơn nửa thế kỷ chỉ mê có đờn ca

Bước vào tuổi 94 nhưng nghệ nhân Lê Văn Chiểu ở xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng hàng ngày vẫn vác cây đờn trên vai, đến góp vui văn nghệ cho bà con lối xóm vui như một niềm đam mê bất tận của mình. Cụ chơi đờn từ năm 1940, trải qua hơn nửa thế kỷ đã tích lũy được nhiều tri thức về kỹ năng, kỹ thuật chơi đờn ca tài tử. Cụ am hiểu, sử dụng thành thạo đàn kìm; sáng tác rất nhiều chập ngắn cải lương, chập ngắn đờn ca tài tử, vọng cổ. Cụ còn truyền dạy cho khoảng 15 người. Những học trò tiêu biểu của cụ như các anh chị: Mai Liệt, Thanh Tâm, Thu Hà… là những người đã thành công trong việc chiếm được tình yêu mến của giới mộ điệu đờn ca tài tử ở địa phương.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Vũ chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ĐCTT tại buổi Tọa đàm về Đờn ca tài tử

Từ thời trẻ, ở vùng đồng quê Giồng Riềng, cụ được những cán bộ cách mạng làm công tác tuyên truyền văn hóa văn nghệ chọn vào nhóm học múa nhưng lại mê cây đờn mandoline và quyết tâm học đờn cho bằng được. Theo thời gian cụ đờn rất giỏi nhiều loại nhạc cụ khác nhau dùng trong đờn ca tài tử như: Cây đờn mandoline, guitar, sến, kìm, cò… Sau ngày giải phóng, phong trào văn nghệ ở địa phương phát triển, ngón đờn của cụ ngày càng có điều kiện để phát huy. Không chỉ đờn cụ còn viết những bài ca cổ, rồi nghiên cứu đờn ca tài tử, viết những bản vắn, trích đoạn cải lương và cả những bản nhạc theo cảm xúc, cảm hứng, ca ngợi sự đổi thay của quê mình. Từ vốn múa, cộng với ngón đờn ngày càng điêu luyện và khả năng viết tác phẩm, cụ đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật cho xã tham gia các hội thi cấp huyện, cấp tỉnh…Dù đam mê ca hát, nhưng các con của cụ đều đã trưởng thành, có sự nghiệp ổn định. Điều này làm cho cụ thấy mãn nguyện với cuộc sống. Giờ, niềm vui của cụ là chăm chút cho sức khỏe để có thể đờn ca lâu hơn, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Cụ tâm sự: “Tôi không ngại khó, hễ ai muốn học là tôi dạy hết lòng, không quản công sức. Giờ, những buổi sinh hoạt tài tử và được dạy cho những ai thích đờn chính là niềm vui tuổi già”. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật cụ Chiểu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen về những thành tích xuất sắc sử dụng đàn kìm trong các kỳ tham gia Hội diễn văn nghệ các cấp.

Tài tử đờn Nguyễn Văn Nhỏ - người lặng lẽ truyền nghề

Ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh ai cũng mến tài tử đờn Nguyễn Văn Nhỏ - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang. Ông đã chơi đờn được khoảng 40 năm, thành thạo các bài bản và nhiều nhạc cụ, từ kìm, sến đến cò, đờn giỏi nhất là guitare phím lõm. Hàng ngày ông vẫn thường tụ tập bạn bè và những người trong ấp đến đờn ca. Thời gian hoạt động phong trào văn nghệ ở địa phương đã giúp ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay, tiếp thêm tình yêu và muốn là người đi thắp truyền niềm đam mê ấy đến mọi người. Với mong ước ngày càng có thêm nhiều người biết chơi đờn, ca tài tử, qua thời gian, ông trở thành người lặng lẽ truyền dạy Đờn ca tài tử cho 42 người mà không hề đòi hỏi chút thù lao nào cho riêng mình. Ông dạy miễn phí, chỉ yêu cầu người học nghiêm túc tiếp thu và phải thực sự say mê thì mới có thể học và phát huy tốt. Nói đến việc truyền nghề, ông vui hẳn: “Thấy ai thích nghe thôi là tôi vui rồi. Muốn học lại càng vui hơn và sẵn sàng rút hết ruột gan mà dạy”. Trong số các học trò mỗi một người thành công là niềm vui và tiếp thêm cho ông sức mạnh để làm tiếp công việc này. Nếm trải đủ niềm vui và nỗi buồn trong suốt mấy chục năm theo nghề, ông thấy hạnh phúc vì sự lựa chọn đúng. Càng thấy ý nghĩa hơn khi mình được góp sức cùng mọi người để truyền dạy, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử độc đáo của dân tộc. Trong hành trang hoạt động nghệ thuật anh được tặng Bằng khen của Bộ VHTTDL có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Huy chương bạc Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương – 2017, tiết mục hòa tấu “Ngũ đối hạ (21 câu)”.

Có thể nói, việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân ưu tú” cho 03 nghệ nhân nói trên đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục cống hiến trong việc đào tạo, truyền nghề cho thế hệ sau kế thừa những kiến thức, kỹ năng mà nghệ nhân đang nắm giữ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đây cũng là dịp để ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của các nghệ nhân đã và đang cống hiến tài năng, sức lực cho việc khôi phục, duy trì, sáng tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Theo quy định: Nghệ nhân là người chuyên làm nghề nghệ thuật biểu diễn với trình độ cao. Nghệ nhân khác với các nghệ sĩ là không học ở trường lớp nào cả, mà phần lớn là được truyền dạy. Đối tượng được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú phải là người giỏi tiêu biểu được đồng nghiệp thừa nhận, có thâm niên trong nghề tối thiểu 15 năm, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện; Là người có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội; Có nhiều thành tích trong việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề (…)

Bùi Công Ba

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/bai-4-ngay-xuan-gap-nhung-nghe-nhan-uu-tu-don-ca-tai-tu-dat-phuong-nam-565712.html