Bài 4: Nhiều khó khăn trong tổ chức dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho phạm nhân

Chính sách nhân đạo là cốt lõi nhất của công tác giáo dục, cải tạo người lầm lỗi, giáo dục, giúp họ chuyển biến nhận thức, xác định rõ sai phạm, tội lỗi để phấn đấu, cải tạo tiến bộ.

Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm việc làm, phối hợp với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho các phạm nhân nhưng công tác hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác cải tạo, giam giữ. Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực phía Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, các doanh nghiệp không muốn đầu tư sản xuất vào các trại giam vì lợi nhuận thu lại không cao.

Kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân

Kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân

Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì phạm nhân có quyền được lao động, học tập, học nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn vì các trại giam ở xa trung tâm kinh tế, chính trị của các địa phương, khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển.

Mặc dù pháp luật cho phép trại giam được sử dụng đất, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà xưởng lao động, dạy nghề trên đất trại giam quản lý. Tuy nhiên, việc sử dụng đất phải chặt chẽ, bảo đảm nhiệm vụ an ninh là chính. Các doanh nghiệp, cá nhân hợp tác chỉ được phép khai thác tài sản đầu tư trên đất, quyền trực tiếp quản lý đất đai là các trại giam. Vì trại giam là đất an ninh – quốc phòng nên khi Bộ Công an có quyết định thu hồi, xóa bỏ phương án sử dụng đất thì rủi ro, thiệt hại về giá trị tài chính, thanh lý hợp đồng, tài sản trên đất cơ bản sẽ do tổ chức, cá nhân hợp tác phối hợp với các trại giam chịu trách nhiệm, tiềm ẩn nhiều thiệt hại về kinh tế, dẫn đến các tổ chức, cá nhân ngần ngại xem xét đầu tư hoặc khó thực hiện mong muốn hợp tác lao động, tạo việc làm ngành nghề có tính chất lâu dài với trại giam.

Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng trước khi mời gọi tổ chức, cá nhân hợp tác cũng tăng chi phí đầu tư của Nhà nước, Bộ Công an, trong khi nguồn nhân lực tài chính để tổ chức, đầu tư cho hoạt động tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề chỉ được bố trí, khai thác từ nguồn kết quả phạm nhân hàng năm với giá trị nguồn vốn hạn hẹp, rất ít so với yêu cầu đầu tư tổng thể diện tích xưởng lao động, dạy nghề cho các trại giam thuộc Bộ Công an.

Các ngành nghề lao động hiện nay của phạm nhân cơ bản là lao động chân tay như sơ chế rau xanh, thủ công, nông nghiệp, chăn nuôi… nên yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp, thời gian hợp tác thường ngắn, theo từng năm. Một số ít trại giam tìm kiếm, bố trí, tổ chức loại hình lao động về may mặc, bao bì nhưng quy mô nhỏ. Các nghề lao động kỹ thuật cao không có điều kiện để đào tạo, nâng cao trình độ nên lao động của phạm nhân trong trại giam không phản ánh sát với yêu cầu trình độ lao động của thị trường, làm giảm hiệu quả của tái hòa nhập cộng đồng.

Nghị quyết được thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam

Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết, mục đích của việc xây dựng Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam nhằm tạo cơ sở thống nhất để tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong vấn đề này; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân; giúp phạm nhân được hướng nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, tay nghề, được thụ hưởng các thành quả lao động, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đó là đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo. Nói về phương án đảm bảo an ninh, an toàn khu lao động ngoài trại giam, Thiếu tướng Trần Văn Thiện cho biết, phương án an ninh, an toàn cho khu lao động ngoài trại giam được tính toán chặt chẽ từ trình tự thủ tục, kế hoạch tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp cho phạm nhân. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng khu quản lý, giam giữ, công trình làm việc của CBCS, nhà xưởng nơi phạm nhân lao động, vị trí bố trí việc làm, dây chuyền tổ chức lao động, các điều kiện đảm bảo việc bố trí quản lý giam giữ, vệ sinh an toàn cháy nổ, vệ sinh lao động… theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi ký kết hợp tác, các doanh nghiệp phải bàn giao cho trại giam toàn bộ cơ sở hạ tầng để trại giam quản lý, sử dụng khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong thời gian hợp tác. CBCS trại giam trực tiếp giám sát và tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp ngoài trại giam cũng hết sức cụ thể, rõ ràng. Phải đảm bảo có nơi cư trú rõ ràng, có tư tưởng ổn định, chấp hành nghiêm nội quy giam giữ, kết quả cải tạo khá, tốt từ 3 kỳ xếp loại trở lên.

“Dự thảo Nghị quyết cũng đã nêu rất rõ Viện KSND cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân” – Thiếu tướng Trần Văn Thiện nhấn mạnh.

Phương Thúy

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-4-nhieu-kho-khan-trong-to-chuc-day-nghe-tim-kiem-viec-lam-cho-pham-nhan-post525842.antd