Bài 5: Bức xúc 'leo thang' tại DIC Hội An

Trong khi quyền lợi của các cổ đông chiến lược vẫn chưa được các cơ quan chức năng xem xét, can thiệp thì động thái bán cổ phần 'siêu tốc' của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Hội An - DIC Hội An càng khiến cho bức xúc của các cổ đông ngày một leo thang.

Ngày 5/10/2018 , DIC Hội An đã ban hành Nghị quyết số 27 thông báo chào bán cổ phiếu riêng lẻ, nhưng không có tên của bà Mai được mua cổ phiếu trong đợt phát hành này. Việc bán cổ phiếu riêng lẻ đợt này theo bà Mai là quá "siêu tốc" và diễn ra rất mập mờ. Chiều 12/11/2018, bà Mai chính thức có đơn khởi kiện các thành viên HĐQT DIC Hội An tại TAND tỉnh Quảng Nam.

Theo đơn kiện, bà Mai cho biết từ ngày 5/9/2017 đến nay bà là cổ đông của DIC Hội An vì vậy mọi hoạt động của DIC Hội An đều ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. “Căn cứ vào danh sách bổ sung được mua cổ phiếu được công bố ngày 23/10/2018, tôi không được mua nhưng nhiều nhà đầu tư khác không phải là cán bộ nhân viên của DIC Hội An lại được mua” - bà Mai bức xúc.

Trong đơn kiện bà Mai khẳng định: “Việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ mới nhất của DIC Hội An thực hiện "siêu tốc" theo Nghị quyết số 10 ngày 27/4/2018 đã được Đại hội cổ đông thông qua. Nhưng gần đây qua tìm hiểu tôi biết “ai đó” đã giả chữ ký của cổ đông ông Phạm Văn Duy và bà Huỳnh Thanh Thảo… Và bản thân cũng không tham dự ĐHCĐ 2018 nhưng không hiểu từ đâu chữ ký và ủy quyền vẫn xuất hiện trong hòm phiếu Đại hội”.

Qua tìm hiểu, số cổ đông bị giả chữ ký không chỉ dừng lại ở đó mà có khả năng sẽ còn nhiều cổ đông tố giác về hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tỷ lệ biểu quyết tại ĐHCĐ? Chính vì dựa trên sự gian dối này nên việc ban hành Nghị quyết số 10 ngày 27/4/2018 của ĐHCĐ 2018 của DIC Hội An có dấu hiệu trái với quy định pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cổ đông hiện hữu.

Giấy ủy quyền của cổ đông tham gia ĐHCĐ được cho là giả chữ ký

Theo bà Mai, bất thường của đợt phát hành cổ phiếu này không chỉ dừng lại ở việc loại một số cổ đông hiện hữu nhằm giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại DIC Hội An, mà còn nằm ở danh sách những người mua cổ phiếu là người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè của ông Trần Đình Lợi (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc), các thành viên của HĐQT và Ban kiểm soát DIC Hội An. Cụ thể, Trần Đình Dũng – Thành viên Ban Kiểm Soát được mua thêm 7.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 22.307 cổ phiếu. Ngoài ra các thành viên khác của Ban kiểm soát cũng được mua 7.000 cổ phiếu là Nguyễn Hoàn Phương, Phạm Anh Thi.

Đáng chú ý, cổ đông này còn cho rằng HĐQT DIC Hội An đã mượn danh nghĩa phát hành riêng lẻ để phát hành cổ phiếu dưới dạng ESOP trá hình. Phát hành số lượng cổ phiếu trên 5% với giá ưu đãi nội bộ, HĐQT DIC Hội An làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu.

“Mặc khác giá bán cổ phiếu cho cán bộ công nhân đúng bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá cổ phiếu đóng cửa bình quân của 15 phiên gần nhất là 14.393 đồng/cổ phiếu. Như vậy DIC Hội An và các cổ đông chiến lược bị thiệt hại 692 triệu đồng (4.393 đồng x 157.686 cổ phiếu). Từ những căn cứ trên cho thấy trong đợt phát hành đợt cổ phiếu mới bán riêng lẻ của DIC Hội An không đúng theo quy định của pháp luật, danh sách các nhà đầu tư khác không có gì chứng minh là các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và tiềm lực về tài chính để hỗ trợ DIC Hội An phát triển”- cổ đông này phân tích trong đơn khởi kiện.

Bản tường trình của người được HĐQT DIC Hội An "dựng lên" làm đại diện cho các cổ đông vắng mặt

Ở một diễn biến khác, sau khi các cổ đông chiến lược nỗ lực ngăn chặn đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ này bất thành do cách làm việc bất nhất của TAND tỉnh Quảng Nam, mới đây hàng loạt cổ đông chiến lược đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp lên Chánh án TAND Tối cao. Các cổ đông bức xúc, TAND tỉnh Quảng Nam thay đổi quan điểm như… trở bàn tay: Ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời – rồi ra hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời – rồi lại đề nghị tạm dừng việc xem xét hồ sơ phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Cty DIC Hội An để đảm bảo việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật… Quyền lợi của các cổ đông được cân nhắc là vậy nhưng UBCK vẫn lạnh lùng phớt lờ để cho Cty DIC Hội An tiến hành chào bán nhanh chóng đến mức khó hiểu.

Hiện vụ việc tiếp tục khiến dư luận xôn xao và giới đầu tư hoang mang khi quyền lợi nhà đầu tư dễ dàng bị xâm phạm bởi hình thức phát hành tăng vốn. Đáng lo hơn còn ở sự thay đổi tới chóng mặt của TAND tỉnh Quảng Nam và những quyết định cho phép tăng vốn 1 cách bất thường của UBCK Nhà nước.

Theo Luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp - Đoàn luật sư TP.HCM): Mục đích phát hành cổ phần riêng lẻ là để tìm nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, thế mạnh và tiềm lực tài chính để đóng góp vào sự phát triển của công ty. Tuy nhiên, HĐQT Cty DIC Hội An lại không tìm những nhà đầu tư chiến lược để chào bán mà lại chào bán cho cán bộ công nhân viên và chỉ một số cổ đông hiện hữu. Điều này làm cho mục đích chào bán riêng lẻ không đạt được, giá bán thấp 20%-30% so với giá thị trường đã gây thiệt hại cho DIC Hội An và các cổ đông hiện hữu. Điều này cho thấy HĐQT DIC Hội An đang thực hiện nghĩa vụ không vì lợi ích hợp pháp tối đa của công ty. Còn đơn vị duyệt hồ sơ chào bán riêng lẻ của DIC Hội An, nếu tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư riêng lẻ không rõ ràng, phương án phát hành gây thiệt hại cho nhà đầu tư hiện hữu, có khiếu nại mà vẫn thông qua hồ sơ đăng ký chào bán của DIC Hội An thì UBCKNN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Thanh Hải

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/bai-5-buc-xuc-leo-thang-tai-dic-hoi-an-49250