Bài 5: Để Tây Nguyên phát triển xứng tầm (tiếp theo và hết)

Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI (Kết luận 12) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 xác định: 'Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước…'.

Gần 10 năm qua, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã cụ thể hóa thành chương trình hành động để lãnh đạo, tổ chức thực hiện Kết luận 12 đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả. Cùng với đó, các ban, bộ, ngành, địa phương… cần tổng kết, đánh giá thành tựu đạt được, chỉ rõ những khó khăn, tồn tại và có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh, để Tây Nguyên tiếp tục phát triển xứng tầm, bền vững.

Giữ ổn định chính trị-xã hội để tạo đà phát triển

Quá trình trao đổi, tìm hiểu thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên và một số đơn vị quân đội, công an trên địa bàn, chúng tôi ghi nhận, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, LLVT… đều xác định: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trọng yếu mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Do vậy, điều kiện tiên quyết bảo đảm sự ổn định về chính trị-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở từng địa phương, cũng như toàn vùng, là phải tăng cường củng cố QP-AN, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

 Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai ngày một phát triển.

Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai ngày một phát triển.

Theo Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5, những năm qua, mặc dù điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp, các ngành trên địa bàn Tây Nguyên thường xuyên chăm lo xây dựng tiềm lực và thế trận của nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng khu vực phòng thủ “cơ bản, toàn diện, liên hoàn, vững chắc”; chú trọng xây dựng, phát triển các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) ở địa bàn trọng điểm, gắn với phát triển KT-XH vùng biên giới; xây dựng LLVT vững mạnh, làm nòng cốt trong xây dựng nền QPTD và giữ vững an ninh trật tự (ANTT). LLVT chủ động tham mưu thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QP-AN. Trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, các địa phương đặc biệt chú trọng tăng cường tiềm lực chính trị-tinh thần, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động quốc phòng, quân sự, các địa phương vùng Tây Nguyên coi trọng lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị, nhất là tổ chức Đảng, chính quyền, chỉ huy trong LLVT vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao.

Là tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QP,QS) địa phương, xây dựng LLVT vững mạnh, những năm qua, Tỉnh ủy Gia Lai quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chi bộ quân sự (CBQS) xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả. Đến cuối năm 2019, có 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh thành lập CBQS, trong đó hơn 89% chi bộ có chi ủy. Theo đồng chí Châu Ngọc Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Hầu hết các CBQS trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, triển khai thực hiện công tác QP,QS địa phương ở cơ có nhiều chuyển biến; năng lực, trách nhiệm, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ quân sự cấp xã có sự đổi mới, sâu sát địa bàn, cơ sở. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của CBQS được nâng cao, thực sự là hạt nhân lãnh đạo mọi hoạt động của ban CHQS cấp xã; lãnh đạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về nhiệm vụ QS,QP địa phương ở cơ sở, xây dựng lực lượng dân quân, quản lý lực lượng dự bị động viên có độ tin cậy về chính trị, khả năng SSCĐ cao.

Qua trao đổi và tìm hiểu thực tế, lãnh đạo các cấp ở tỉnh Gia Lai và nhiều địa phương vùng Tây Nguyên đều cho rằng, việc thành lập CBQS cấp xã là thực sự cần thiết; cần tiếp tục duy trì mô hình này để bảo đảm sự lãnh đạo chuyên sâu, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ QP,QS địa phương và lực lượng dân quân, dự bị động viên ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Vùng Tây Nguyên có tổng số gần 7.800 buôn, làng, tổ dân phố, trong đó hơn 2.800 buôn, làng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Buôn làng là địa bàn chủ yếu cấp cơ sở ở Tây Nguyên và cũng là nơi các đối tượng phản động thường móc nối xây dựng lực lượng, tuyên truyền xuyên tạc, kích động người dân, gây rối trật tự, nhất là người DTTS nhẹ dạ, nhận thức hạn chế. Để giữ vững an ANTT từ cơ sở, các địa phương vùng chú trọng phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, các chức sắc các tôn giáo… trong công tác vận động quần chúng, nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc từ cơ sở.

Lãnh đạo huyện Cư M’ Gar, tỉnh Đắc Lắc trao đổi với trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS về phát triển kinh tế gia đình và vận động quần chúng ở cơ sở.

Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 55% dân số, những năm qua, tỉnh Kon Tum có nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong công tác này. Cùng với chính sách chung của Đảng, Nhà nước dành cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Kon Tum đã triển khai một số chính sách đặc thù, sáng tạo của địa phương, nhằm phát huy cao nhất vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giữ vững ANTT, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Theo đó, trong các năm 2013-2019, tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên, biểu dương đối với hơn 3.300 hộ và cá nhân người DTTS tiêu biểu, với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cũng định kỳ tổ chức gặp mặt các già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng để thông tin về tình hình KT-XH, QP-AN, mong muốn các già làng, người có uy tín trong DTTS, chức sắc các tôn giáo tích cực tham gia tuyên truyền vận động bà con nâng cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: Điểm nổi bật là Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở các địa phương vùng DTTS nói chung, trong đó có vùng Tây Nguyên là đã phát triển rộng khắp các mô hình nhân dân tự quản, xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu; tích cực lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con tham gia giữ gìn ANTT, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường…

Gặp chúng tôi, già làng A Nher, 82 tuổi, dân tộc Bana, ở làng Mút, xã Đăk Mar, huyện Đắk Hà, Kon Tum rất vui khi nói về những kinh nghiệm của bản thân trong vận động con cháu, dòng họ chấp hành nghiêm pháp luật, hương ước, không tham gia các tà đạo, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Còn ông A Nam, dân tộc Xê đăng, là người có uy tín ở xã Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã cùng chính quyền tuyên truyền, giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong nhân dân, không để phát sinh “điểm nóng”. Ông A Nam nói: “Được dân làng tín nhiệm bầu chọn và ủng hộ, mình phải gương mẫu, gắng làm cho tốt, đồng thời phải nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của bà con để tham mưu với các cấp chính quyền giải quyết có lý, có tình. Buôn, làng có bình yên, thì bà con mới yên tâm làm ăn, đoàn kết xây dựng cuộc sống”.

Để tăng cường thế trận QP-AN, giữ vững ANTT từ cơ sở, theo Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc, yếu tố quan trọng là phải nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong nắm, dự báo, đánh giá đúng tình hình, trao đổi thông tin; thống nhất chủ trương, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; thực hiện phân cấp trách nhiệm trong tham mưu, chỉ đạo, điều hành và chủ trì xử lý các tình huống về QP-AN. Cùng với tập trung nâng cao năng lực của các đơn vị chuyên trách trong nghiên cứu, tham mưu dự báo chiến lược, cần chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, công an cơ sở, làm nòng cốt bám nắm địa bàn, chủ động ứng phó kịp thời các tình huống.

Thời gian qua, công an các tỉnh Tây Nguyên đã tăng cường đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn, bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt. Sự phối hợp giữa các lực lượng công an, quân sự, biên phòng ở các xã, huyện biên giới trên địa bàn chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn. So với lực lượng công an bán chuyên trách, công an xã chính quy về xã đã nâng cao hiệu quả giải quyết công việc từ cơ sở, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng và phòng ngừa nghiệp vụ, nên tình hình tội phạm giảm, ANTT có chuyển biến tích cực.

Để Tây Nguyên phát triển bền vững, xứng tầm

Xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về QP-AN và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước; phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc… là chủ trương nhất quán, là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước. Tháng 1-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010. Tháng 7-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Trong 15 năm hoạt động (2002-2017), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị… vùng Tây Nguyên; đã cùng các tỉnh trong vùng phát huy sức mạnh đoàn kết và nội lực, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được nhiều hộ gia đình thực hiện.

Thực hiện Kết luận 12, gần 10 năm qua, với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhất là sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án về phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ an sinh xã hội…, vùng Tây Nguyên đã có những đổi thay to lớn. Từ một vùng khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự, những năm qua, KT-XH vùng Tây Nguyên phát triển khá nhanh, QP-AN được giữ vững, trình độ dân trí được nâng cao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt…

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc cho biết: Để xây dựng tỉnh Đắc Lắc trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên, tỉnh tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển, như: Sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, năng lượng tái tạo, du lịch; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa các quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông, thông tin, hiện đại, sẵn sàng kết nối; thu hút và liên kết các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp về kỹ thuật cao, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Tháng 12-2019, Bộ Chính trị có Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở Kết luận số 67-KL/TW, tỉnh tăng cường chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng TP Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị vùng của Tây Nguyên.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng phát triển chưa được khơi dậy, phát huy cao, để thực sự trở thành thế mạnh thu hút đầu tư phát triển. Tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa phát huy được thế mạnh về đất đai, nông lâm nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo, về tài nguyên về khoáng sản… Sự phát triển của vùng còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung…

Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng: Để Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên phát triển toàn diện, bền vững theo tinh thần Kết luận 12, cần tập trung giải quyết một số vấn đề bức thiết, như: Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên kết vùng; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS thiếu đất; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, nhất là ở vùng có dân di cư tự do; tổ chức lại sản xuất, đời sống cho đồng bào theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa…

Vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Đỗ Nhung rộng 6 ha tại làng Bàng, xã Bình Giáo, huyện Chư Prong, tỉnh Gia Lai, thu tiền tỷ mỗi năm.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, Tây Nguyên rất cần có chiến lược tái cơ cấu kinh tế chung toàn vùng thay vì tái cơ cấu kinh tế từng tỉnh, nhằm tăng liên kết vùng trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giải quyết các vấn đề về QP-AN ở địa bàn chiến lược. Để tăng cường thu hút đầu tư, các địa phương trong vùng cần khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, như trình độ dân trí, giáo dục, vấn đề di dân tự do... Về việc giải quyết tình trạng dân di cư tự do đến Tây Nguyên, đồng chí Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cho rằng: Cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ cả ở nơi người dân đi (giúp họ yên tâm ở lại quê để làm ăn, xóa đói giảm nghèo) và nơi đến, tức là chủ động quản lý, kiểm soát và giải quyết các điều kiện về ăn ở, đất canh tác, giúp bà con ổn định cuộc sống, sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết: Bộ đã chủ trì, phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, miền núi nói chung, trong đó có vùng Tây Nguyên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, như: Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách ổn định dân cư; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững… Các chính sách đó tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS phát triển KT-XH, nâng cao đời sống, tuy nhiên cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, miền núi, trong đó có vùng Tây Nguyên đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới...

Lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên đề nghị Trung ương sớm đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi toàn vùng, đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về sử dụng đất; đánh giá thực trạng đất đai, trong đó có đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, để có giải pháp căn cơ, lâu dài, bởi nếu từng tỉnh tiến hành đơn lẻ, sẽ khó thực hiện và hiệu quả không cao. Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững, cần chú trọng lồng ghép, tích hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030… Cần đầu tư nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, khắc phục tình trạng dàn trải, cào bằng, phân tán nguồn lực...

Tây Nguyên là địa bàn có DTTS chiếm gần 40% tổng dân số; nguồn nhân lực là người DTTS chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng đây vẫn là một trong các "vùng trũng" về phát triển nguồn nhân lực. Theo đồng chí Nay HNan, Phó bí thư Huyện ủy CưM’Gar, tỉnh Đắc Lắc: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS ở Tây Nguyên được đề cập cụ thể trong Kết luận 12. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài. Thực tế địa phương, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cần duy trì tỷ lệ phù hợp, bảo đảm cơ cấu cán bộ người DTTS trong bộ máy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên quan tâm quy hoạch, tạo nguồn cán bộ người DTTS đủ phẩm chất, năng lực, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, cơ sở.

Các tuyến đường trên Tây Nguyên được nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trao đổi với chúng tôi về kết quả thực hiện Kết luận 12, đồng chí Lê Năng Hảo, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc lại đề cập trước tiên đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bởi theo đồng chí, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, trong đó có việc cụ thể hóa Kết luận 12 thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy, cùng với sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, những thành tựu, kết quả thực hiện Kết luận 12 ở Đắc Lắc cũng như các địa phương khác trong vùng Tây Nguyên phụ thuộc rất lớn vào vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là có các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện sát đúng, có tính đột phá, phù hợp với thực tế địa phương, tập trung vào những khâu quan trọng có tính quyết định.

Kết luận 12 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 là chủ trương đúng đắn, kịp thời, mang tầm chiến lược, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với Tây Nguyên - địa bàn chiến lược trọng yếu, "nóc nhà" của Đông Dương, vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, kháng chiến, nơi có hơn 50 đồng bào các dân tộc chung sống. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đầu tư lớn của Trung ương và nỗ lực của các địa phương trong vùng, đã tạo động lực mạnh mẽ để Tây Nguyên vươn lên, đạt nhiều thành tựu nổi bật, đáng tự hào, là dấu mốc quan trọng sau 45 năm Tây Nguyên được giải phóng. Đó cũng là góp phần thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và mong muốn của Người lúc sinh thời: “Phải đưa miền núi nhanh chóng tiến kịp với miền xuôi”.

Thay cho lời kết loạt bài viết này, chúng tôi xin nêu ý kiến, đề xuất của một số cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên: Các bộ, ban, ngành có liên quan cần báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 12, nhằm đánh giá toàn diện kết quả lãnh đạo phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên… Trên cơ sở đó để điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn, nhằm tiếp tục đưa Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm; chính trị-xã hội và QP-AN của vùng ổn định vững chắc.

Bài và ảnh: QUÂN THỦY-TIẾN DŨNG-TRỊNH DŨNG-HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/bai-5-de-tay-nguyen-phat-trien-xung-tam-tiep-theo-va-het-616150