Bài 5: Những di tích triều Nguyễn ở Huế đang 'rẻ hóa' thành nhà hàng, cà phê

Trong suốt một thời gian dài, một số di tích của triều Nguyễn đã được TTBTDTCĐ cho tư nhân thuê để làm quán cà phê, nhà hàng. Và điều này cũng gây ra những phản ứng từ các nhà nghiên cứu và dư luận.

Trong bài “Du lịch Huế: Nhiều lợi thế nhưng phát triển chưa xứng tiềm năng”, chúng tôi đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến du lịch Huế hiện nay, số liệu thống kê và kênh du lịch di sản, di tích mà Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ) hiện đang quản lý hơn 40 cụm/điểm di tích nhưng hiện tại chỉ mới khai thác và mở cửa bán vé cho 7 điểm tham quan.

Trong suốt một thời gian dài, một số di tích của triều Nguyễn đã được TTBTDTCĐ cho tư nhân thuê để làm quán cà phê, nhà hàng. Và điều này cũng gây ra những phản ứng từ những nhà nghiên cứu, nhà sử học, những người yêu Huế… Phương tiện truyền thông, báo chí cũng vào cuộc. Nhưng đến hiện nay, mọi việc vẫn không thay đổi và số phận những di tích này vẫn chưa có lối thoát để phục hưng.

Bình An Đường thành cà phê không bình an!

Trong tất cả các triều đại phong kiến, duy nhất ở cố đô Huế có Bình An Đường là nhà an dưỡng và khám, chữa bệnh đặc biệt chỉ dành riêng cho các cung nữ (thời vua nhà Nguyễn), được xây dựng vào năm 1823.

Bình An Đường chỉ là một di tích có giá trị kiến trúc khiêm nhường nếu so sánh với các cung điện, lăng tẩm nguy nga và đồ sộ… Tuy nhiên, nó vẫn có một giá trị nhất định đối với các nhà nghiên cứu y học cổ truyền thời Nguyễn. Sự độc đáo của Bình An Đường chính là một “bệnh viện cung đình” đặc biệt, chỉ dành riêng cho các cung tần, mỹ nữ các triều vua nhà Nguyễn.

Bình An Đường được xây dựng sát bên cửa hậu của hoàng thành Huế (hiện nay là đường Đặng Thái Thân, TP.Huế). Bình An Đường chia thành hai phần: nhà khám, bốc thuốc, châm cứu.. để chữa bệnh. Và nhà an dưỡng dành cho những bệnh nhân già, yếu không thể đi lại được. Phía Bắc của Bình An Đường có riêng một tòa Cung Giám Viện- nơi ngày xưa các thái giám ăn ở, chờ đợi được khám, chữa bệnh (theo phong tục vẫn phải tách rời các thái giám (á nam) với phụ nữ). Và theo tài liệu ghi lại thì lúc đó có lệ cấm sinh và tử trong Đại nội.

Tháng 3.2012, Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho thuê điểm di tích này làm nơi trưng bày, quảng bá các loại sản phẩm đông dược, khám chữa bệnh bằng Đông y cho khách đoàn có đặt trước và một số dịch vụ giải khát… kết hợp trưng bày những gì liên quan đến cuộc sống của cung nữ.

Trong ngày khai trương, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm BTDT (nay là Giám đốc) có trao đổi với báo chí rằng, sau khi khai trương dịch vụ tại Bình An Đường sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu một số loại dược phẩm, thực phẩm chức năng truyền thống, như rượu Minh Mạng thang, thuốc ngâm rượu Minh Mạng thang, trà cung đình… để phục vụ du khách. Đồng thời, trưng bày những hình ảnh, hiện vật, sách vở, các bài thuốc Đông y… liên quan đến đời sống các cung nữ xưa, cũng như Thái y viện triều Nguyễn…

Nếu được như vậy thì di tích này được phát huy giá trị gốc và sẽ là điểm tham quan thú vị, hấp dẫn du khách với đặc trưng độc đáo của Huế. Nhưng cho đến giờ, Bình An Đường chỉ là một quán cà phê bình thường.

Nhà lưu niệm hoàng thái hậu Từ Cung (145 Phan Đình Phùng, TP.Huế) hiện do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý bỗng dưng bị biến thành quán cà phê, nhà hàng vào năm 2015 đã làm cho nhiều người không khỏi bất ngờ.

Đây vốn là nơi sống thời trai trẻ của vua Khải Định, rồi đến vua Bảo Đại. Trong biệt cung này, riêng lầu Khải Tường đã có ba tầng gồm 21 phòng lớn nhỏ khác nhau. Bà Từ Cung, vợ vua Khải Định, mẹ của vua Bảo Đại từng sống ở đây trong nhiều năm.

Nhà xây theo kiểu Pháp rất khang trang, diện tích 220m2 nằm trong khuôn viên rộng 1.709m2 . Đối với nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu, ngôi nhà là điểm tham quan thú vị, một nơi tìm hiểu bổ ích vì nó đang lưu giữ không ít những giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Năm 1980, bà Từ Cung qua đời, được thờ tại ngôi nhà này. Trước khi mất, Bà đã có di nguyện giao lại khu nhà này cho chính quyền địa phương. Năm 1997, vua Bảo Đại mất ở Pháp, bàn thờ vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng được đặt trong tòa nhà này.

Khi dọn đến ở, bà Từ Cung đã cho di chuyển hàng trăm hiện vật quý báu từ cung An Định sang và trưng bày như một bảo tàng nhỏ: đồ ngự dụng, đồ tự khí, tủ, bàn, ghế dựa, trường kỷ, đồ gỗ, án thờ, sập gụ, sơn son thiếp vàng hoặc khảm cẩn, đồ sành sứ, đồ đồng thời nhà Thanh và nhà Nguyễn. Trong đó, một số đồ gỗ có chạm hai chữ Hán “An Định”.

Theo một bản kiểm kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, vào năm 1997, ở cơ sở di tích này còn bảo lưu được 171 hiện vật quý với nhiều loại chất liệu khác nhau. Hai loại hiện vật có giá trị đặc biệt nhất về lịch sử và nghệ thuật là những hình ảnh và những pho tượng của một số hoàng đế, hoàng hậu, hoàng tử và hoàng nữ của triều Nguyễn.

Trước đây, có khá nhiều du khách, đặc biệt khách nước ngoài quan tâm và tới thăm di tích này vì có thể biết thêm được những thông tin cụ thể về bà hoàng thái hậu cuối cùng của Việt Nam và gia đình vua Bảo Đại. Vậy nên, việc di tích biến thành quán cà phê mang tên Nền Cũ và khiến nhiều người cảm thấy tiếc. Kinh doanh được một thời gian, chủ quán nâng cấp để khai trương Nhà hàng cơm niêu Dấu Xưa trước sự phản ứng của du khách và người dân...

Cà phê nhà hàng Dấu Xưa

Và hiện tại, di tích này vẫn với hình thức kinh doanh này nhưng mang một tên mới rất “Tây hóa” là Queen Mother House!

Cà phê và nhà hàng Queen Mother House mọc ngay trong nhà lưu niệm Từ Cung hiện nay

Tại thời điểm đó, sự việc này không những gây nên những bất bình của dư luận mà còn gây nên phản ứng của người trong cuộc. Ông Thái Công Nguyên, nguyên Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho rằng đó là việc làm không thể chấp nhận được. Cho thuê mặt bằng di tích để kinh doanh ăn uống là việc làm tùy tiện, tắc trách”.

“Không thể hiểu nổi khi Nhà lưu niệm mẹ vua Bảo Đại, điểm tham quan thu hút du khách lâu nay bây giờ lại biến thành quán cơm niêu. Làm gì và làm như thế nào để ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của một gia đình hoàng tộc trong những ngày trở về cuộc sống đời thường của người dân mới là việc làm có trách nhiệm của ngành quản lý di tích”, ông Nguyên nói.

Còn ông Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cũng lên tiếng cho rằng ngay trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt gọi là khu vực 1, còn cho thuê mặt bằng để xây dựng bát nháo và sau này tiếp tục hành xử như thế đối với Nhà lưu niệm bà Từ Cung. Ông Phu nêu câu hỏi, làm như vậy có vi phạm Luật Di sản không?... Đề nghị các cơ quan liên quan cần nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh để công tác bảo vệ các di tích Huế được tốt hơn…

Trùng tu Lầu Tứ Phương Vô Sự rồi mở cà phê!

Lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình kiến trúc hai tầng được xây dựng vào năm 1923, ở vị trí của đình Tứ Thông trên Bắc Khuyết Đài, xây dựng năm 1804, thời vua Gia Long, rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật.

Được xây dựng và khánh thành năm 1923 để chuẩn bị cho lễ mừng thọ "Tứ tuần đại khánh tiết" của vua Khải Định vào năm 1924. Sau đó, lầu Tứ Phương Vô Sự trở thành nơi cho nhà vua và hoàng gia hóng mát, cũng là nơi học tập hàng ngày của các vị hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối triều Nguyễn.

Với phong cách kiến trúc thuộc địa, giao thoa kiến trúc Á - Âu, gồm hai tầng. Đây là công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử và văn hóa nghệ thuật của Huế, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Lầu Tứ phương vô sự với góc nhìn từ bên ngoài

Sau khi nhà Nguyễn cáo chung năm 1945, chịu tác động khắc nghiệt của thiên nhiên và hai cuộc chiến tranh tàn phá ác liệt, đặc biệt là sự kiện Tết Mậu Thân 1968, lầu bị hư hỏng nặng nề và xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12 năm 2008, dự án trùng tu lầu Tứ Phương Vô Sự được khởi công và khánh thành ngày 6 tháng 10 năm 2010 nhân kỉ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tổng mức hơn 9,3 tỷ đồng.

Khu vực bên trong Lầu Tứ Phương Vô Sự

Nhưng vào tháng 5.2011, lầu Tứ phương vô sự biến thành quán cà phê giải khát. Trước sự việc này, người dân Huế, du khách và nhất là các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế; bà con Hoàng tộc, báo giới, văn nghệ sỹ lên tiếng phản ứng. Nhưng Trung tâm BTDT Cố đô Huế giải thích rằng, đây không chỉ là quán cà phê giải khát mà còn là nơi trưng bày sách vở, thư tịch cổ… nhằm giới thiệu cho du khách khi tham quan Đại nội Huế.

Ông Nguyễn Xuân Hoa - nguyên GĐ Sở VHTT Thừa Thiên - Huế trong thời điểm này đã phản ứng và đưa ý kiến của mình: “Riêng lầu Tứ phương vô sự nên trả về đúng công năng mà sử sách triều Nguyễn đã ghi. Tức là trước đây, khu vực Bắc khuyết đài nguyên là một vọng canh, vào năm 1923, dưới thời Khải Định, lầu Tứ phương vô sự được xây làm nơi hóng mát cho hoàng gia, rồi sau được xem là nơi học tập hằng ngày của các hoàng tử, hoàng nữ. Không biết mấy vị học giả xứ Huế, hay nhiều người dân nơi đây có quá “khó tính” không? Trước đây tại lầu này, thành viên hoàng gia đứng hóng mát được, thì việc trung tâm di tích cho đấu thầu mở quán, để khách thập phương ngắm cảnh, lại có cà phê, nước hoa quả, hăng lên làm mấy chai bia Festival cho “mát ruột”… lỡ có hăng hái văng tục, hay ói mửa ra đấy, cũng nên thông cảm chứ!!! “

Với giá cho thuê 200 triệu đồng/năm so với chi phí trùng tu hơn 9,3 tỉ đồng vào thời điểm đó liệu có xứng đáng với một di tích thuộc hàng bậc nhất Huế hay không? Và cho đến nay, giá cho thuê có sự thay đổi như thế nào, dư luận vẫn chưa biết!

Tứ Phương Vô Sự mang ý nghĩa bốn phương yên ổn, an lành, kinh sử, là trung tâm giáo dục khoa cử liệu bây giờ có còn theo ý nghĩa của nó hay không khi tư tưởng cốt lõi của di tích bị quên lãng? Và những gì ông Nguyễn Xuân Hoa đề cập đối với di tích này là điều hoàn toàn có thể xảy ra!

Phù Nam

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/du-lich-c-82/bai-5-nhung-di-tich-trieu-nguyen-o-hue-dang-re-hoa-thanh-nha-hang-ca-phe-93762.html