Bài 5: Phải xứng đáng là 'đuốc sáng', 'cờ hồng'

'... Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân'.

Theo Người, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) có thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng thì mới xứng đáng là người lãnh đạo, được dân tin, dân phục, dân yêu. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định sức mạnh của Đảng và thắng lợi của cách mạng; minh chứng sinh động của một đảng là đạo đức, là văn minh.

“Đảng viên thì yên tâm rồi”

Đề cập đến bản chất đạo đức, văn minh của Đảng, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cho rằng: Đạo đức và văn minh có mối quan hệ biện chứng với nhau, nhưng suy cho cùng thì đạo đức chính là văn minh. Sinh thời, Bác Hồ đã đúc kết rất ngắn gọn: “Đạo đức là gốc của người cách mạng”. Đạo đức, văn minh của Đảng phải được thể hiện trước hết ở mỗi CB, ĐV. Người có đạo đức, có gương mẫu hy sinh lợi ích riêng thì mới lãnh đạo được quần chúng. Bằng chứng thuyết phục nhất là trước Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta mới có khoảng 5.000 đảng viên. Thế nhưng với đường lối khoa học và đặc biệt là bằng uy tín tuyệt đối trước nhân dân, Đảng đã tập hợp được mọi lực lượng đứng lên làm cách mạng. Thời điểm ấy, đất nước ta chìm trong bóng đêm nô lệ nhưng mỗi đảng viên thực sự là ngọn đuốc sáng, là lá cờ hồng. Cứ đảng viên nói là nhân dân tin, đảng viên hô là nhân dân tiến. Chính vì thế, khi Đảng phát lệnh tổng khởi nghĩa là toàn dân tộc náo nức xông lên, vượt mọi hiểm nguy, tạo thành sức mạnh vô địch, đánh đổ chính quyền phong kiến-thực dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Thành công của Cách mạng Tháng Tám và thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã để lại nhiều bài học quý, nhưng bài học quý giá nhất chính là Đảng phải có uy tín tuyệt đối trước nhân dân. Mặc dù thời kỳ đó số lượng đảng viên chưa nhiều, trình độ văn hóa còn hạn chế, nhưng CB, ĐV đã hết lòng vì dân và vô cùng mẫu mực về mọi phương diện. Đây là lý do quan trọng nhất để nhân dân tin yêu Đảng, một lòng một dạ theo Đảng, dù có phải gian khổ, hy sinh.

Quá trình tìm hiểu để viết loạt bài này, chúng tôi đã hỏi chuyện rất nhiều người thuộc mọi thành phần, lứa tuổi. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định rằng, từ trước đến nay, đại đa số CB, ĐV là những người tiên phong gương mẫu, được dân mến, dân tin. Thực tế trong đời sống hằng ngày, mỗi khi tìm hiểu về một người nào đó, nhất là khi tuyển dụng nhân sự, chọn người phụ trách công việc gì, hay chọn dâu, chọn rể, đối tác làm ăn… nếu người được chọn là đảng viên thì càng tăng thêm niềm tin của mọi người. Câu nói “đảng viên thì yên tâm rồi” đã trở thành quen thuộc, thể hiện sự tin tưởng vào phẩm chất, năng lực, trước hết là về đạo đức của đảng viên nói riêng và toàn Đảng nói chung. Mỗi chúng ta cũng đều biết rất nhiều CB, ĐV thực sự mẫu mực, xứng đáng là gương sáng để mọi người học tập.

Quyết không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Chính vì có đường lối lãnh đạo đúng đắn, cùng tuyệt đại đa số CB, ĐV mẫu mực, tiên phong trong mọi hoàn cảnh mà Đảng ta đã giành được tình cảm và tín nhiệm tuyệt đối để lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn thử thách trong suốt 90 năm qua. Đây là thực tế không thể phủ nhận.

Nhưng “nhân vô thập toàn”! Một người dù cố gắng phấn đấu cũng không thể tránh hết những sơ suất, khuyết điểm; một tổ chức gồm cả triệu người, dù được lựa chọn kỹ và thường xuyên giáo dục, rèn luyện vẫn sẽ có người nọ người kia, lúc này lúc khác... Nhận thức được điều đó, kể từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn đề cao tự phê bình và phê bình, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và phát huy vai trò giám sát của các tầng lớp nhân dân để xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh (TSVM).

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho CB, ĐV và Người luôn nêu cao quyết tâm làm thanh sạch Đảng, kiên quyết loại bỏ những “con sâu”. Vụ án Trần Dụ Châu tham nhũng bị xử bắn năm 1950 là một ví dụ điển hình. Vì thế, dư luận rất đồng tình với quyết tâm “tuyên chiến” với những “con sâu làm rầu nồi canh”, với tinh thần “không có vùng cấm” như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Việc vừa qua Đảng, Nhà nước ta xử lý nghiêm nhiều CB, ĐV có vi phạm, kể cả những cán bộ cấp cao, đã củng cố niềm tin của nhân dân. Mong thời gian tới Đảng tiếp tục “diệt sâu” thật kiên quyết và hiệu quả hơn nữa”.

Ông Phan Mạnh Hà là cán bộ nghỉ hưu ở phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “CB, ĐV là những người trực tiếp thể hiện đạo đức, văn minh của Đảng. Mỗi lời nói, việc làm của họ là đại diện cho Đảng và chính quyền, nên họ phải thực sự tiên phong, gương mẫu. Đáng buồn là có không ít CB, ĐV chưa thực hiện được điều này, thậm chí còn cậy thế cậy quyền, gây khó dễ với nhân dân… Mấy năm nay, Đảng, Nhà nước tăng cường chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp như vậy nên CB, ĐV vi phạm đã giảm nhiều. Vừa qua, nhân dân rất đồng tình khi Trung ương quyết liệt chỉ đạo đưa nhiều vụ án có liên quan đến vi phạm của cán bộ cấp cao ra xử lý đúng pháp luật, không có ngoại lệ. Ở cấp cơ sở thì các bộ, ngành, địa phương cũng đã nghiêm túc xử lý, thậm chí đuổi việc những CB, ĐV, công chức có hành vi vô văn hóa, coi thường quần chúng. Có nghiêm minh như vậy mới răn đe, diệt trừ được những “con sâu” để Đảng ta thực sự thanh sạch”.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng xác định: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; CB, ĐV vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”.

Cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm qua đã có sự tiến bộ rõ nét, được nhân dân ghi nhận, song, Hội nghị Trung ương 4, khóa XII vẫn thẳng thắn chỉ rõ: Nhiều CB, ĐV chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB, ĐV chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng… làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Để phòng tránh nguy cơ nêu trên, Đảng ta đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là quy định rõ những điều đảng viên không được làm; quy định về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV; nêu rõ các biểu hiện cụ thể để nhận diện CB, ĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ngày càng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và mở rộng dân chủ, công khai minh bạch; phát huy vai trò của nhân dân và báo chí tham gia xây dựng Đảng.

Qua trao đổi với nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí và người dân, chúng tôi thấy ai cũng phấn khởi, tin tưởng khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các giải pháp đồng bộ nhằm “nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế” và để CB, ĐV "không thể, không dám, không muốn tham nhũng”, phải thực sự nêu gương, trước hết là về đạo đức. Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra ngày 30-12-2019, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo: Toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...; làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng…

Quyết tâm chính trị của Trung ương về xây dựng đội ngũ CB, ĐV thực sự đức-tài, xây dựng Đảng và toàn hệ thống chính trị TSVM là nhất quán, xuyên suốt với nhiều biện pháp đang triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết với mong muốn góp phần xây dựng Đảng nói chung, đội ngũ CB, ĐV nói riêng ngày càng tiêu biểu về đạo đức, văn minh.

Lương y Phạm Thọ Tầng (nguyên Viện trưởng Viện Điều dưỡng-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề xuất: “Đảng cần khắc phục ngay tình trạng nhiều nơi kết nạp đảng viên chạy theo số lượng dẫn đến lọt cả những người có phẩm chất đạo đức không tốt, vào Đảng chỉ để vụ lợi cá nhân, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng. Bên cạnh đó, phải có biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt và vai trò kiểm tra, giám sát của chi bộ, cấp ủy cơ sở, bởi vì CB, ĐV vi phạm gì thì tổ chức đảng ở cơ sở biết rõ nhất; vấn đề là có thẳng thắn góp ý, phê bình hay lại lờ đi, thậm chí đồng lõa, bao che. Đảng cũng cần có quy định công khai về quy hoạch cán bộ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể để nhân dân giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp không xứng đáng và báo cáo, kiến nghị với tổ chức xem xét. Nếu để người thiếu đức-tài chui sâu leo cao, nhất là người giữ vị trí lãnh đạo mà lại “đạo đức giả” thì vô cùng nguy hại cho Đảng”.

Từ thực tế công tác, nhiều CB, ĐV tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước cần đổi mới cách đánh giá, phân loại CB, ĐV vì cách làm hiện nay dễ dẫn đến bình quân chủ nghĩa. Những năm qua, đại đa số CB, ĐV đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, rất hiếm người ở mức hoàn thành nhiệm vụ và càng hiếm trường hợp không hoàn thành. Nhưng thực tế, trong số CB, ĐV cùng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ lại có sự chênh lệch khá lớn về đức và tài cũng như kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do đó, để đánh giá khách quan, chính xác hơn thì cần chấm điểm theo thang điểm 10 trên từng nội dung, như: Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ, ý thức tổ chức kỷ luật… Đồng thời, phải có cơ chế khuyến khích các tổ chức đảng đánh giá thực chất về phẩm chất, năng lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ của CB, ĐV bằng cách xếp thứ tự phân loại từ tốt nhất đến yếu nhất; công khai minh bạch kết quả bình xét. Làm như vậy sẽ bảo đảm khoa học, công bằng, văn minh, tạo động lực để CB, ĐV phấn đấu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến mong muốn Đảng ban hành cơ chế lấy phiếu tín nhiệm CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo mỗi năm một lần để tránh tình trạng sau khi được bầu thì tha hóa biến chất; trước khi bầu cử, các ứng cử viên phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình và trình bày chương trình hành động nếu trúng cử; mỗi chức vụ lãnh đạo cần có ít nhất hai ứng cử viên, hoặc tổ chức thi tuyển để tăng tính cạnh tranh lành mạnh nhằm lựa chọn được người tốt hơn... Với các giải pháp đồng bộ như vậy, chắc chắn Đảng ta sẽ càng TSVM để lãnh đạo đất nước phát triển hơn nữa.

LỜI KẾT: Qua thực tiễn 90 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với đường lối đúng đắn và tuyệt đại đa số CB, ĐV tiên phong, gương mẫu, chúng ta tự hào khẳng định Đảng ta thực sự là đạo đức-văn minh. Chính vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam là ngọn cờ chính trị duy nhất đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong điều kiện mới, trước những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng, đòi hỏi Đảng và mỗi CB, ĐV phải nỗ lực tự chỉnh đốn, tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện, xứng đáng với vai trò lãnh đạo; để Đảng ta luôn TSVM, thực sự là đạo đức-văn minh.

Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.

HOÀNG TIẾN, HUY QUANG, NGUYỄN TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-csvn-3-2-1930-3-2-2020/vung-buoc-duoi-co-dang-quang-vinh/bai-5-phai-xung-dang-la-duoc-sang-co-hong-607993