Bài 5 - Vững vị thế 'đầu tàu', khẳng định tầm phát triển

Với kết quả tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt tới 13,41%, đứng thứ 3 cả nước, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khẳng định sự sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế. Trong thành quả đáng trân trọng này, vai trò dẫn dắt, vị thế 'đầu tàu' của Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được khẳng định và dự báo vươn xa.

Để kinh tế tăng trưởng cao, phát triển bền vững

Sản xuất phụ tùng ô tô tại Công ty Seil M Tech (Khu Công nghiệp Bỉm Sơn). Ảnh: Minh Hằng

Những ngày đầu tháng 6-2022, Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn rộn ràng hơn bởi từng đoàn xe chở mặt hàng phôi thép thương hiệu VAS của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đi chinh phục thị trường mới - quốc gia Guatemala tại khu vực Trung Mỹ. Được biết, Guatemala là một thị trường khó tính. Vị trí địa lý lại cách trở tận nơi bên kia bán cầu nên ngành thép Việt Nam trước đó chưa có cơ hội tiếp cận. Sự kiện thương hiệu thép VAS chính thức chinh phục thị trường này đã đặt dấu ấn thép Việt Nam đầu tiên tại khu vực. Đồng thời, cũng là minh chứng thể hiện rõ năng lực sản xuất cũng như tiềm năng xuất khẩu to lớn của thương hiệu thép VAS.

Ông Trịnh Thế Dũng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn VAS Nghi Sơn, cho biết: Để trở thành đối tác của Guatemala, sản phẩm của công ty đã trải qua nhiều quy định xuất xứ nghiêm ngặt, quy trình kiểm định gắt gao, yêu cầu chất lượng chuẩn quốc tế và thời gian giao hàng đúng hạn. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và phát triển sản phẩm đạt chất lượng ưu việt nhằm giữ vững uy tín đối với khách hàng trong nước và quốc tế.

Còn tại Công ty TNHH Lionas MeTals, chuyên sản phẩm hợp kim Ferro silicon xuất khẩu, từ năm 2021 trong nhiều thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì sản xuất ổn định, với gần 20.000 tấn hợp kim tiêu thụ trên thị trường. Đại diện DN này cho biết: Tin tưởng vào công tác chỉ đạo, điều hành thích ứng sản xuất tại tỉnh Thanh Hóa, nhất là những cơ chế hỗ trợ thuận lợi cho các DN FDI về chính sách lao động, chuyên gia, trong năm 2022, DN đã mạnh dạn lên kế hoạch rót thêm 5 triệu USD vốn đầu tư để mở rộng nhà xưởng và mua sắm dây chuyền, thiết bị mới phục vụ sản xuất. 6 tháng đầu năm, sản lượng thành phẩm của đơn vị đưa ra thị trường tiếp tục tăng khoảng 15%.

Trong những tháng đầu năm 2022, không chỉ nhiều DN tại KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh và chinh phục thêm các thị trường mới, một số dự án sản xuất công nghiệp lớn cũng được hoàn thiện đi vào hoạt động, góp phần gia tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 cung cấp thêm khoảng 3,9 tỷ kWh điện mỗi năm, giúp gia tăng năng lực sản xuất điện của tỉnh trong 6 tháng đầu năm thêm gần 50% so với cùng kỳ. Và chỉ trong khoảng trung tuần tháng 7 này, tổ máy số 2 của nhà máy cũng sẽ chính thức vận hành thương mại, hòa lưới điện trên đường dây 500 KV Bắc - Nam. Việc đưa vào vận hành thương mại toàn bộ dự án FDI lớn thứ 2 tại KKTNS sẽ đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn tại khu vực miền Bắc, đồng thời được kỳ vọng tạo sức lan tỏa lớn cho tăng trưởng kinh tế và đầu tư tại KKTNS nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung trong giai đoạn tới.

Ngoài KKTNS, nhiều nhà máy tại CKCN khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh về thị trường và khẳng định sự phát triển bền vững. Tại KCN Bỉm Sơn, hiện nay đã có 52 dự án đầu tư đi vào hoạt động. Nhiều nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí, ô tô đã hoạt động ổn định. Điển hình như: Nhà máy Sản xuất dây điện ô tô của Công ty Ds Hitech (Hàn Quốc) chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp bộ dây điện (Wire harness) dùng cho các loại xe ô tô, được thành lập từ năm 2019, sau 3 năm hoạt động, công ty đã thu hút hơn 300 lao động, với thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng; Nhà máy Sản xuất lắp ráp phụ tùng ô tô, ghế, khung ghế, bộ phận ghế xe của Công ty Seil M Tech (Hàn Quốc), tạo việc làm cho hơn 200 lao động, với thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp tại KCN Bỉm Sơn đã khôi phục hoạt động sản xuất và đi vào giai đoạn thích ứng tốt với dịch COVID-19.

Thông tin từ Ban Quản lý KKTNS&CKCN, cho biết: Để tạo thuận lợi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của các DN, những tháng đầu năm, đơn vị đã tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình hoạt động tại các nhà máy, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các DN thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất, kinh doanh của các DN tại KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh đạt 94.089 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước của các DN đạt 12.114 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu tại các DN được đẩy mạnh, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,256 tỷ USD.

Để tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư mới, trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý KKTNS&CKCN cũng đã tổ chức đón tiếp, làm việc và trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho các đoàn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến làm việc và nghiên cứu đầu tư, như: Tập đoàn Ramky tới để tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN; đoàn Italia khảo sát, tham quan KKTNS và nghiên cứu đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng và sản phẩm đầu ra của lọc hóa dầu; đoàn các nhà đầu tư Ấn Độ khảo sát KCN 20, 21 - KKTNS để đầu tư dự án sản xuất dược phẩm; Ngân hàng Nhật Bản khảo sát, tham quan KKTNS và nghiên cứu đầu tư trạm xử lý nước thải của KKTNS; đoàn nhà đầu tư Hàn Quốc khảo sát, tham quan KKTNS, nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất ô tô điện mini. Đơn vị cũng chủ động đấu mối và liên tục hỗ trợ các nhà đầu tư qua công văn, email, điện thoại để cung cấp thông tin về quy hoạch, địa điểm đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư tại KKTNS&CKCN; xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2022; hỗ trợ, đôn đốc, nắm bắt và báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư để đẩy nhanh tiến độ hợp tác, đầu tư trong giai đoạn tới.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm, tại KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh đã khởi công thêm nhiều dự án mới, như: Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn 2, Nhà máy Lốp COFO Việt Nam... Nhiều dự án cũng bước vào các giai đoạn nước rút hoàn thiện để đi vào vận hành, như: Nhà máy Xi măng Đại Dương 1; các dự án may mặc, giày da... Tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành, Ban Quản lý KKTNS&CKCN cũng đang triển khai nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt trong công tác đầu tư, hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất của các DN, tiếp tục đưa hoạt động của KKTNS&CKCN - “đầu tàu” kinh tế của tỉnh ghi những dấu mốc tăng trưởng mới.

Bài cuối: Dấu ấn thu ngân sách Nhà nước.

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/bai-5-vung-vi-the-dau-tau-khang-dinh-tam-phat-trien/162898.htm