Hám lợi bất chấp pháp luật

Đất đai tại Hải Phòng tăng giá kéo theo đó là những vi phạm liên quan đến đê điều, đất công, đất nông nghiệp cũng tăng lên và gần như đã trở thành phổ biến.

Lấn kênh mương làm đường để bán đất

Hơn 1h sau khi về huyện An Dương chụp ảnh về tình trạng người dân tự ý mở rộng đường giao thông lấn ra kênh thủy lợi nội đồng theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã được 1 người phụ nữ tên K gọi điện ‘tạo điều kiện’ cho việc đã làm đường trái phép vào mấy lô đất mà người này đã bán cho người khác.

Điều ngạc nhiên là, quá trình liên hệ làm việc chúng tôi chỉ liên hệ với lãnh đạo xã và chúng tôi xác minh về một vụ vi phạm khác và còn bà K này gọi điện ‘nhờ vả’ lại là một vụ khác.

 Lấn kênh mương làm đường tại xã Đặng Cương, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Lấn kênh mương làm đường tại xã Đặng Cương, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Tìm hiểu sự nhầm lẫn này chúng tôi mới tá hỏa phát hiện, bà L có mua đất để bán nhưng không có đường đi, sau đó không rõ làm như thế nào đã phân mảnh đất đã bán thành 4 lô và có hoàn thiện thêm 1 đoạn đường giao thông để mảnh đất có giá. Sau khi bán 4 lô đất, bà L lãi được hơn 1 tỷ đồng.

Làm việc với Công ty Thủy Lợi An Hải, đây không phải là vụ việc duy nhất và tình trạng xâm phạm công trình thủy lợi để làm đường dân sinh tại các địa phương diễn ra khá phức tạp, nhất là thời điểm đất đai lên giá.

Để bán được các lô đất giá cao, có nhiều lợi nhuận, ‘cò’ đất thường chọn mua những lô đất giá thấp tại những vị trí xấu, không thuận tiện về giao thông rồi sau đó bằng mọi cách ‘phù phép” để nâng giá giá trị mảnh đất lên để bán kiếm lời.

Điều đáng nói là quá trình này diễn ra tại một số địa phương nhưng động thái của chính quyền sở tại nhiều khi mờ nhạt, hoặc mang tính chính ứng phó, không quyết liệt khiến việc xử lý vi phạm gặp khó khăn.

Đơn cử như mới đây, tại xã Đặng Cương, huyện An Dương xảy ra việc người dân làm đường bê tông vào khu đất công ích do xã quản lý, quá trình làm đường người dân đóng cọc bê tông để lấn ra phần kênh mương do Công ty An Hải quản lý. Tìm hiểu sự việc, chúng tôi phát hiện mảnh đất này được quy hoạch thành đất ở, bên trong đã được san gạt để phục vụ cho việc phân lô, bán nền đất.

Ông Bùi Quang Hoạt – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải chia sẻ, việc người dân xâm phạm công trình thủy lợi ngày càng tăng, tuy nhiên lại khó xử lý dứt điểm do đơn vị không có thẩm quyền xử lý, trong khi địa phương còn cả nể, một số nơi phối hợp chưa thật tốt.

“Các vi phạm gần đây liên quan đến công trình thủy lợi chủ yếu là mở rộng đường sá, một số nơi để đi, một số nơi có thể vì mục đích để nâng cao giá trị đất đai rồi bán… có những vi phạm chúng tôi đã có văn bản gửi địa phương nhưng chỉ 1 vài hôm thì đâu đã vào đấy”, ông Hoạt bộc bạch.

Khu thuê đất nuôi trồng thủy sản ven sông Lạch Tray thuộc địa phận xã Đồng Thái mang hình dáng 1 khu nhà vườn sinh thái. Ảnh: Đinh Mười.

Thuê đất nông nghiệp trá hình

Tình trạng sốt đất tại Hải Phòng không phải là mới, trước đây khoảng 10 năm cũng đã từng diễn ra, đoán biết giá trị đất đai tại đây sẽ còn gia tăng giá trị nên nhiều người người có tiền đã dùng mọi cách gom đất nông nghiệp xây biệt phủ, khu vui chơi giải trí, một số cơ sở có sai phạm này lại biến thành mô hình khu du lịch nông thôn. Việc này vừa ‘lách luật’ vừa nganh nhiên có vị trí đẹp sử dụng trong thời gian dài lại không mất quá nhiều tiền khi đất đai tăng giá.

Nổi lên về vấn đề này tại Hải Phòng như trường hợp ông Trần Văn Quang trú tại thôn Thủy Giang, xã Trường Thành, huyện An Lão được chính quyền cho thuê 3,6 ha đất ven sông làm trang trại nông nghiệp, khu đất này tiếp giáp sông Lạch Tray và dù được chính quyền địa phương yêu cầu không được xâm phạm hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê.

Nhưng sau đó, cơ quan chức năng phát hiện ông Quang xây dựng nhà kiên cố tại bãi sông, khu đất nông nghiệp và đã ít nhất 14 lần lập biên bản vi phạm nhưng sau đó, khu đất nông nghiệp, đất hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê biến thành khu du lịch Trường Thành Farm.

Còn tại huyện An Dương, người dân sau khi thuê 10.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản ven sông Lạch Tray, cạnh đường World Bank trên địa bàn xã Đồng Thái, tuy nhiên hiện nay, đoạn sông dài 200m đã được kè bê tông, đất nông nghiệp ngoài đê xuất hiện dãy nhà kiên cố, hồ thủy đình rộng hàng nghìn m2 được bê tông hóa.

Dù được cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu ngừng thi công, nhưng khu đất nông nghiệp rộng vài ha đã được rào lại bằng lưới B40, có người canh gác, phía trong tiếp tục được san lấp. Ít nhất, hai căn nhà gỗ rộng hàng trăm m2 hết sức bề thế nằm rải rác trong khu đất đang được hoàn thiện.

Một khu thuê đất nuôi trồng thủy sản và trồng cây ven sông Lạch Tray nhìn từ trên cao như 1 đại công trường đang xây dựng. Ảnh: Đinh Mười.

Cũng tương tự như các trường hợp trên, tại quận Hải An, tại khu đất nuôi trồng thủy sản rộng khoảng 10 ha ở phường Tràng Cát, bỗng dưng mọc lên những “lâu đài”, “biệt phủ” nguy nga, tráng lệ.

Việc vi phạm trên đất nông nghiệp được chính quyền phường Tràng Cát đã phát hiện và quyết định dừng thi công, phạt hàng trăm triệu đồng đối với mỗi trường hợp vi phạm, yêu cầu khôi phục hiện trạng nhưng sau đó hoạt động xây dựng vẫn diễn ra.

Có dấu hiệu xí xóa cho sai phạm

Theo thống kê của Sở TNMT Hải Phòng, những năm gần đây, thống kê của các quận, huyện gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, có đến hàng nghìn trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp hàng năm.

Trong đó, tại những địa phương xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trục chính hoặc có dự án, đất đai tăng giá có số vụ vi phạm nhiều hơn như quận Lê Chân, huyện An Lão, quận Hải An, huyện Thủy Nguyên, huyện An Dương….

Thống kê vi phạm trong 1 năm gần đây, riêng quận Đồ Sơn có 252 trường hợp, huyện Thủy Nguyên có 860 trường hợp, quận Hải An có 956 trường hợp, huyện Kiến Thụy có 28, quận Lê Chân có 1.217, quận Hồng Bàng có 4 trường hợp, huyện Tiên Lãng có 463 trường hợp.

Còn tại quận Dương Kinh có 131 trường hợp, huyện Cát Hải có 94 trường hợp, huyện Vĩnh Bảo có 300 trường hợp, quận Kiến An có 323 trường hợp, huyện An Dương có 609 trường hợp, huyện An Lão có 948 trường hợp và quận Ngô Quyền có 9 trường hợp.

Một công trình vi phạm hành lang đê điều ở Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Những vi phạm đang về đất đai, xâm phạm hành lang đê điều, kênh thủy lợi chủ yếu là xây công trình kiên cố, nhà ở hoặc phục vụ cho phân lô bán đất nền thời điểm giá đất đang cao. Liên quan đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 5-7-2017 về rà soát, chấn chỉnh, thực hiện thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố.

Trong đó hướng dẫn các quận, huyện rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình cá nhân, phân loại các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, kiểm tra, thanh tra để xác định các hành vi, xử lý vi phạm.

Còn theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 thì Chủ tịch UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Dù chế tài đã có, tuy nhiên, theo những gì PV ghi nhận được, sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã xử lý theo thẩm quyền tuy nhiên về cơ bản không dứt điểm, 1 số nơi còn có dấu hiệu ‘xí xóa’ cho sai phạm tồn tại, hoặc có nơi xử lý chưa đến nơi đến chốn. Điều này khiến khiến số vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là giai đoạn đất đai ngày càng có giá trị trong khi dân số ngày càng tăng.

ĐINH MƯỜI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bai-6-ham-loi-bat-chap-phap-luat-d288742.html