Bài 6: Mong khó khăn được tháo gỡ

Trại giam Vĩnh Quang đã triển khai liên kết với các tổ chức bên ngoài để đưa những phạm nhân có đủ điều kiện về công tác quản lý ra nơi có trụ sở của doanh nghiệp để liên kết phối hợp với doanh nghiệp tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân

Theo Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang, một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, ngoài quản lý giam giữ là tổ chức giáo dục và thực hiện chế độ chính sách; tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Tuy nhiên, đến hiện tại, thực trạng của Trại giam Vĩnh Quang cũng như đa số các trại giam mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ tổ chức lao động cho phạm nhân, còn công tác hướng nghiệp, dạy nghề để phục vụ sau này cho các phạm nhân đủ điều kiện và tạo thuận lợi cho họ tái hòa nhập cộng đồng, tránh các hành vi phạm tội do không có việc làm, còn là vấn đề rất khó khăn.

Thượng tá Nguyễn Đức Phương lý giải, để hướng nghiệp, dạy nghề cho các phạm nhân, những nghề sau này để phạm nhân có thể kiếm được việc làm khi hết án thì cần phải lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội bên ngoài và đòi hỏi đầu tư một cơ sở vật chất với kinh phí rất lớn. Trong tình hình hiện nay, với nguồn kinh phí rất hạn hẹn của ngân sách nhà nước đầu tư cho vấn đề này thì hiện tại, chúng tôi mới chỉ dừng lại ở mức tổ chức lao động cho phạm nhân, lấy lao động làm thước đo để đánh giá quá trình chấp hành án. Còn công tác hướng nghiệp, dạy nghề, thật sự là chúng tôi chưa làm được. Quy định pháp luật cho phép trại giam được liên kết với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để cùng tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, nhưng nếu chỉ tổ chức trên phần đất của trại giam được giao quản lý với các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp rất khó đầu tư một số tiền rất lớn vào xây dựng cơ sở vật chất trên đất của các trại giam vì sợ rủi ro.

"Hiện tại, chúng tôi chỉ chọn được những nghề giá trị ngày công rất thấp, người dân bình thường bên ngoài ít làm. Ví dụ như phân loại rác công nghiệp, đan mây, đan bèo, những nghề mà ngoài xã hội bà con nông dân chỉ tận dụng làm khi nông nhàn. Do giá trị ngày công thấp nên chế độ chính sách để bù đắp lại cho các phạm nhân lao động theo quy định của Nhà nước cũng không đáng gì và phần đầu tư trở lại để phục vụ công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhâncũng rất thấp" - anh chia sẻ.

Ở Trại giam Vĩnh Quang, có 4 phân trại, số nhà xưởng được trích lại từ nguồn lao động đầu tư trở lại chỉ được gần 7, 8 nhà xưởng, không đáp ứng được nhu cầu về tổ chức lao động, và cũng không kêu gọi được những doanh nghiệp có những nghề có thể đào tạo để hướng nghiệp, tạo việc làm cho phạm nhân sau này khi ra ngoài xã hội. Muốn để phạm nhân có chứng chỉ nghề, có công ăn việc làm ngay khi hết án, để phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, không phạm tội nữa thì đòi hỏi phải có sự chung tay của cả xã hội, của các tập thể, các tổ chức cá nhân bên ngoài có tiềm lực, chung tay cùng với nhà nước, với các cơ sở trại giam thì chúng ta mới thực hiện được.

Những năm trước, theo chỉ đạo của lãnh đạo Cục, Trại giam Vĩnh Quang đã triển khai liên kết với các tổ chức bên ngoài để đưa những phạm nhân có đủ điều kiện về công tác quản lý ra nơi có trụ sở của doanh nghiệp để liên kết phối hợp với doanh nghiệp tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Mô hình này, theo Thượng tá Nguyễn Đức Phương, đã đạt hiệu quả cao, tháo gỡ được khó khăn cho trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân.

Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn cho kinh phí của nhà nước khi doanh nghiệp tự đầu tư về cơ sở vật chất. Ngoài ra, trong quá trình phạm nhân ra lao động, hướng nghiệp tại doanh nghiệp, phạm nhân sẽ được hưởng nhiều hơn, có thêm nguồn bồi dưỡng, tái tạo sức lao động, đời sống cũng vì thế được nâng lên, tư tưởng phạm nhân cũng rất thoải mái. Phạm nhân cũng vì thế tự tin hơn, sau này khi hết án, họ có sẵn một cái nghề kiếm sống - Thượng tá Nguyễn Đức Phương chia sẻ rất tâm huyết nỗi niềm của một cán bộ công tác tại lĩnh vực quản lý trại giam nhiều năm.

Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang: "Điều quan trọng là những doanh nghiệp liên kết, hợp tác với trại giam trong tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam cam kết, các phạm nhân sau khi hết án, đã được đào tạo nghề ở cơ sở của họ, nếu có nhu cầu làm việc tại doanh nghiệp, họ sẵn sàng nhận lại. Thực tế bây giờ, công dân bên ngoài, tốt nghiệp các trường đại học, trung cấp kiếm công ăn việc làm còn khó… Ở đây, do doanh nghiệp chung tay với trại giam, trong quá trình đào tạo nghề cho phạm nhân, họ thấy được quá trình phạm nhân chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, mong muốn hoàn lương thì mới dám nhận. Cái đó đã tháo gỡ cho chúng tôi rất nhiều trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân"

Xuân Trường

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-6-mong-kho-khan-duoc-thao-go-post525844.antd