Bài 6: Thủy điện không phải là 'tội đồ' nhưng phải siết chặt quản lý

Những cơn bão 'nối đuôi' nhau, những đợt mưa lớn kỷ lục kéo dài, kèm theo đó là những đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất liên tục đổ dồn lên 'khúc ruột miền Trung' thời gian qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân ở mảnh đất này. Trước tình trạng này, có nhiều ý kiến cho rằng, thủy điện chính là nguyên nhân gây ra lũ lụt nặng nề. Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV hôm nay (2-11), nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này, cho rằng, không nên 'đổ tội' cho thủy điện mà cần rà soát, quản lý chặt chẽ và khoa học nhằm phát triển tốt nguồn năng lượng quý, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam.

Thủy điện nhỏ vẫn cần thiết nhưng cần quản lý chặt chẽ và khoa học

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, đất nước ta năm nào cũng có bão, lũ, thiên tai thường xuyên xảy ra và để lại những hậu quả rất nặng nề. Nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng chống bão lũ thì tổn thất về vật chất và con người sẽ rất lớn.

Đại biểu nói: Trước những mất mát đau thương như vậy, cũng có thông tin “đổ tội” cho thủy điện. Tôi cho rằng thông tin đó không khách quan. Chúng ta biết rằng, chịu tác động của biến đổi khí hậu, những năm trước, nước ta chịu ảnh hưởng của El nino gây khô hạn; còn năm nay là hiện tượng La Nina gây bão lũ, nước biển dâng, lũ lụt… Với sức nước chứa có khi lên tới cả nghìn mi-li-met thì chúng ta có thể giải phóng nước đó ở đâu? Chúng ta phải hiểu điều đó.

“Sáng nay (2-11), tôi có nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương nói rằng, một cái hồ thủy điện rất lớn ở khu vực Quảng Nam đã có tác dụng cắt lũ rất lớn: Với lượng nước 17.000m3/giây đổ về sẽ gây tổn hại rất lớn; khi cắt lũ được và giảm dần dần, tôi nghĩ điều đó rất tốt”, đại biểu phân tích và cho rằng, trong nhận định đánh giá cũng cần tính lại.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Đoàn Kiên Giang)

Liên quan đến thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo cho thấy, hiện nay chúng ta có trên 400 thủy điện nhỏ đang hoạt động và lượng nước cũng chiếm một tỉ trọng khá lớn trong hệ thống hồ của cả nước. Đại biểu Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh, phát triển thủy điện nhỏ là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh chúng ta chưa bảo đảm đủ an ninh năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, cử tri và mọi người rất lo lắng là việc phát triển thủy điện nhỏ gắn liền với việc tái tạo và bảo vệ phát triển rừng như thế nào; việc quản lý trong phát triển thủy điện nhỏ ở chỗ này, chỗ kia ở một số địa phương chưa tốt, dẫn tới một số thủy điện nhỏ đi vào hoạt động chưa bảo đảm việc trồng rừng, hoặc công tác bồi hoàn lại trong quá trình cải tạo thi công cũng chưa tốt, khiến cử tri bức xúc.

Vấn đề thứ hai cũng đã xảy ra trên thực tế, theo đại biểu Bùi Đặng Dũng, đó là các thủy điện nhỏ trong quá trình xả lũ cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin với chính quyền địa phương và nhân dân biết để phối hợp khoa học và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng như thủy điện Hố Hô, mấy năm trước thông báo trong khoảng thời gian quá gấp nên người dân không biết.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát lại tổng thể toàn bộ tất cả các thủy điện nhỏ hiện nay, kể cả những thủy điện mà trước đây chúng ta đã dừng lại rồi, để công khai, minh bạch, và để người dân có thể giám sát. Việc rà soát cũng làm cơ sở để chúng ta làm tốt hơn việc quản lý và phát triển thủy điện nhỏ trong tương lai.

"Phải khẳng định rằng, đối với chúng ta hiện nay, năng lượng đang thiếu, thủy điện nhỏ vẫn còn cần thiết nhưng vấn đề là cần quản lý bảo đảm chặt chẽ và khoa học, nhằm phát huy tác dụng tốt và quản lý thủy điện nhỏ. Tôi nghĩ nếu làm tốt điều này thì dư luận của cử tri và nhân dân chắc chắn vẫn đồng tình, ủng hộ, mong muốn thủy điện của chúng ta phát triển tốt cùng với các nguồn năng lượng sạch khác nữa để bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam", đại biểu khẳng định.

Để quản lý tốt phải bắt nguồn từ chính quyền sở tại

Để quản lý tốt hơn thủy điện trong thời gian tới, theo đại biểu Bùi Đặng Dũng, ngoài Bộ Công Thương, thì cần bắt đầu từ ngay chính quyền địa phương sở tại. Mong muốn làm thế nào địa phương mình có được những cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt có những thủy điện để đáp ứng nhu cầu của bà con ở địa phương mình, theo tôi biết, là trăn trở của rất nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh. Tuy vậy, không phải bất chấp tất cả để mong có được thủy điện nhỏ, mà cần đáp ứng những yêu cầu tối thiểu liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường và vấn đề xả lũ, bảo vệ trồng rừng.

Nhiều khi chúng tôi biết cũng có chỗ này chỗ kia, vì cả nể nên báo cáo đánh giá tác động môi trường chúng ta làm chưa tốt. “Nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường của tất cả những dự án thủy điện làm tốt, bài bản, khoa học, thì chắc chắn không xảy ra những thảm cảnh do những tác động xấu của những thủy điện”, đại biểu nhấn mạnh.

Không phải bất chấp tất cả để mong có được thủy điện nhỏ, mà cần đáp ứng những yêu cầu tối thiểu liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường và vấn đề xả lũ, bảo vệ trồng rừng...

Bên cạnh đó, cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương, theo đại biểu, về phía cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương đều phải có trách nhiệm chung, kể cả Bộ Công an và Bộ đội Biên phòng.

“Cả hệ thống chính trị của chúng ta đều phải vào cuộc nhưng rõ ràng phải phân rõ vai và trách nhiệm của ai trong lĩnh vực này. Chỉ khi làm tốt điều đó thì mỗi năm khi lũ về, chúng ta yên tâm phòng lũ và không để xảy ra tình trạng đổ lỗi cho nhau hoặc là "mang tiếng hàm oan" cho thủy điện nhỏ”, đại biểu nêu quan điểm.

Xây dựng hồ chứa nước là cần thiết song cần nghiên cứu để xả nước một cách khoa học

Liên quan đến các hồ chứa nước, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá, việc xây dựng các hồ chứa nước có vai trò quan trọng, giải quyết được nhiều vấn đề trong mùa hạn hán, giúp người dân duy trì canh tác nông nghiệp cũng như nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

“Với đặc điểm địa hình của Việt Nam, chúng ta phải giữ nước lại”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh và khẳng định, chuyện tưới nhỏ giọt là vấn đề tiết kiệm nước, còn trữ lại, bảo đảm an ninh nước là một vấn đề chiến lược. Tuy vậy, việc làm hồ cần tính đến cả việc trồng rừng để giữ nước, không để xảy ra sạt lở, bảo đảm môi trường.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội)

Theo đại biểu, việc xây dựng hồ chứa nước là cần thiết và cũng cần chấp nhận những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực của một dự án. Mình làm hồ nhưng làm sao để mặt lợi tăng lên, mặt hại được hạn chế tối đa. Làm hồ giúp trữ nước, cung cấp nước sạch, cung cấp nước cho tưới tiêu cây trồng, giúp giữ môi trường, nhưng hậu quả, đặc biệt là hiện tượng tích nước, xả nước sẽ xảy ra. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực này có thể giải quyết được nếu có tính toán, chiến lược, huy động đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu xác định cao tầng, đập, mức trữ nước, lượng nước tối đa, sau đó phải xả nước. Nếu mình chỉ nói do xả lũ dẫn đến nhân dân chịu lụt là không đúng, điều cần làm và cần quan tâm là xả lũ nhưng không gây ngập lụt. Các cơ quan chức năng cần làm việc với nhân dân, chính quyền địa phương để tạo sự đồng thuận với dự án hồ chứa nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Thủy điện sẽ được quản lý chặt chẽ, bài bản hơn

Nói về quy hoạch phát triển các nhà máy thủy điện trong buổi thảo luận tại tổ vào sáng nay (2-11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cả nước hiện có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích 56 tỉ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước. Số thủy điện này có đầy đủ quy định quản lý Nhà nước về bảo đảm an toàn đập hồ thủy điện, về vận hành của các công trình hồ thủy điện, liên hồ, đơn hồ.

Liên quan đến tình hình bão lũ, thiên tai năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, vừa qua, Thủ tướng trực tiếp tổ chức các đoàn đi kiểm tra, làm việc với các địa phương tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, một số tỉnh Trung Trung Bộ. Qua kiểm tra thực tế, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều bảo đảm an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Theo Bộ trưởng, có một số thông tin có nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương là chưa chính xác. Thực tế qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28-10, lượng nước về hồ tới 17.000 m3/giây, nhưng chính nhờ dung tích của Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%; nếu không, đỉnh lũ về ngày 28-10 sẽ gây ngập trắng toàn vùng hạ lưu. Tuy nhiên, chúng ta duy trì kéo dài xả lũ sang ngày 29 đến 30-10, xả nước ở mức thấp hơn lượng nước về hồ nên góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ lưu...

Song Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường, tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ.

Do đó, chắc chắn Tổng sơ đồ Điện VIII sẽ cập nhật và quy định rất rõ: Cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa.

Thủ tướng phân tích chuyện thủy điện và lũ lụt, sạt lở

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành khá nhiều thời gian để nói về vấn đề lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Theo Thủ tướng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Đánh giá nguyên nhân xảy ra lũ lụt, thiên tai, sạt lở đất xảy ra ở miền Trung, theo Thủ tướng, nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất ở khu vực này chủ yếu là đất sét. Mưa lớn trong nhiều ngày, lượng mưa lớn đã phá hỏng kết cấu, gây ra sạt lở. "Rừng già nhiều nơi còn nhiều, khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80-90%, nhưng mưa “thối đất” thì không còn kết cấu nào chịu đựng được. Ở khu vực miền Trung, phía đông Trường Sơn, núi dựng đứng dốc 40 - 50 độ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng cũng nêu rõ: Khu vực Trà Leng (Quảng Nam) không có thủy điện nào cả. Hay ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - nơi hơn 20 cán bộ, chiến sĩ hy sinh thì núi cách đó 1,6km chứ không phải núi tại chỗ. Do đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. Trong đó có một số biện pháp chúng ta đã nói như tăng trưởng xanh, hạn chế thủy điện tốt hơn nữa để không được lấy đất rừng.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội, ví dụ trình Quốc hội việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng hai công trình ở Ninh Thuận và Nghệ An tới đây. Các công trình này lấy một ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn trong giải quyết đời sống, nước uống, nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực đó. Nếu chứng minh được thì Quốc hội mới thông qua. "Còn những công trình thủy điện nhỏ, tôi đồng ý với các đồng chí là nên rất hạn chế", Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không cho phép thủy điện dùng dù chỉ 1m2 đất rừng tự nhiên

Tổng sơ đồ Điện VIII sẽ cập nhật và quy định rất rõ: Cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khu vực Trà Leng (Quảng Nam) không có thủy điện nào cả. Hay ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - nơi hơn 20 cán bộ, chiến sĩ hy sinh thì núi cách đó 1,6km chứ không phải núi tại chỗ... Do đó, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. Trong đó có một số biện pháp chúng ta đã nói như tăng trưởng xanh, hạn chế thủy điện tốt hơn nữa để không được lấy đất rừng.

Thảo Nguyên - báo qdnd.vn xuất bản ngày 02/11/2020

Thảo Nguyên

www.qdnd.vn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-6-thuy-dien-khong-phai-la-toi-do-nhung-phai-siet-chat-quan-ly-155206.html