Bài 8: Giúp phạm nhân biết trân quý lao động

'Lúc đầu, các phạm nhân được đưa ra đây lao động họ cũng có mặc cảm đấy, nhưng tôi đã quán triệt cho cán bộ, nhân viên trong công ty, tất cả đều phải đối xử thân thiện như nhau

Cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Tùng Phương, chuyên về lĩnh vực đóng gạch và xây dựng công trình có diện tích rất rộng, nằm trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Có mặt tại khu sản xuất gạch của Công ty TNHH Tùng Phương một sáng cuối tháng 5, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những công nhân đang lao động hăng say trong bộ đồ bảo hộ. Chẳng ai bảo ai, những bàn tay thoăn thoắt di chuyển gạch đã thành phẩm từ các gòng (mỗi gòng khoảng 2.880 viên gạch), trao tay nhau nhịp nhàng, nhuần nhuyễn như một băng chuyền. Ngay cạnh đó, một khu vực khá rộng, được phân thành từng khu riêng với các công đoạn phục vụ sản xuất gạch khác nhau...

Dây chuyền sản xuất gạch tại doanh nghiệp Tùng Phương tiếp nhận phạm nhân sau khi hết án vào làm việc

Dây chuyền sản xuất gạch tại doanh nghiệp Tùng Phương tiếp nhận phạm nhân sau khi hết án vào làm việc

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Phương, dẫn chúng tôi đi tham quan các khâu, điểm sản xuất gạch của doanh nghiệp. Do đã sử dụng “robot” trong một số khâu sản xuất nên hiện tại doanh nghiệp Tùng Phương đã giảm được rất nhiều nhân công trong dây chuyền sản xuất gạch.

“Tuy nhiên, ở các khâu như ra lò, phân loại vẫn phải sử dụng nhân công là con người, không thể sử dụng robot vì cần độ tinh trong phân loại sản phẩm” – bà Phương cho biết.

Khi nói về việc hợp tác, liên kết với trại giam Vĩnh Quang tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, bà Phương cũng có nhiều tâm tư. Bà cho biết, trước đây, cũng đã liên kết với Trại giam Vĩnh Quang đưa khoảng 100 phạm nhân ra lao động tại công ty.

“Lúc đầu, các phạm nhân được đưa ra đây lao động họ cũng có mặc cảm đấy, nhưng tôi đã quán triệt cho cán bộ, nhân viên trong công ty, tất cả đều phải đối xử thân thiện như nhau. Ai cũng có lúc mắc sai lầm, điều quan trọng là giúp họ nhận ra được sai lầm đó và nỗ lực trở thành người tốt. Chúng tôi muốn tạo cho phạm nhân sự trân quý lao động, từ đó họ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, họ thấy xã hội không bỏ rơi họ và khát khao hơn trong việc phấn đấu trở về với cuộc sống đời thường” - ẩn sâu trong sự mạnh mẽ của nữ doanh nhân ấy là một trái tim nhân hậu.

Bà Phương cho biết, các phạm nhân đã từng lao động tại doanh nghiệp của bà hầu hết đều học được một nghề. Ngoài các khâu sản xuất gạch, tại doanh nghiệp còn có nghề cơ khí, sửa chữa máy móc, xây dựng công trình… Sau khi hết thời hạn thi hành án, nếu phạm nhân nào muốn trở lại doanh nghiệp làm việc, doanh nghiệp Tùng Phương sẵn sàng dang tay đón nhận.

Bà Phương hào hứng khoe: “Hiện ở tại doanh nghiệp cũng có 5 người từng là phạm nhân của Trại giam Vĩnh Quang sau khi hết án về doanh nghiệp làm việc. Trong đó có cả người có trình độ cao, họ phấn đấu lên vị trí quản lý trong doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp chúng tôi luôn trân quý sự cống hiến, chúng tôi không hề kỳ thị, mà tạo mọi điều kiện để họ phấn đấu như mọi cán bộ, nhân viên khác trong công ty”.

Khi đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở vật chất của công ty, bà Phương chỉ vào dãy nhà quét sơn màu vàng phía bên trái của khu văn phòng, giới thiệu đó là dãy nhà mà trước kia công ty đã xây dựng cho cán bộ trại giam và phạm nhân của Trại giam Vĩnh Quang ở sau khi hết giờ lao động ở phân xưởng trở về ăn uống, nghỉ ngơi. Dãy nhà có đủ tiện nghi không khác các khu nhà ở của cán bộ, nhân viên trong công ty nhưng được xây dựng biệt lập hơn với rào chắn xung quanh.

“Các khu đó thuộc về Trại giam Vĩnh Quang rồi, vì chúng tôi đã làm thủ tục để chuyển giao cho Trại giam quản lý”- bà Phương nói vui. Bà cũng cho biết đã cho lắp hệ thống camera an ninh ở tất cả các khu vực trong công ty, khu nhà xưởng dành cho phạm nhân cũng đảm bảo đầy đủ điều kiện về an ninh, an toàn theo hướng dẫn của trại giam.

“Với điều kiện vật chất đã sẵn sàng, chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác, liên kết với Trại giam Vĩnh Quang trong việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Đây không chỉ vì việc phát triển doanh nghiệp mà chúng tôi còn mong muốn đồng hành với trại giam trong việc giáo dục cải tạo phạm nhân thông qua lao động hướng nghiệp, từ đó giúp các phạm nhân hướng thiện hơn, trở thành người có ích sau khi hết án, tái hòa nhập cộng đồng”- cũng như các doanh nghiệp từng có sự hợp tác, liên kết với trại giam, bà Phương mong mỏi Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được các đại biểu Quốc hội thông qua.

Việc Bộ Công an vận dụng tổ chức cho phạm nhân đang chấp hành án đi lao động, học nghề tại các tổ chức, cá nhân trong thời gian vừa qua là một trong những biện pháp “đổi mới công tác giáo dục, cải tạo thông qua lao động”, quan tâm hỗ trợ những người lầm lỗi để sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng”.

Hơn nữa, theo quan điểm của một số đoàn đại biểu Quốc hội thì đây là một biện pháp rất tốt, nếu được sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp luật của Quốc hội sẽ tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân có cơ hội tham gia vào công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Đồng thời tạo cơ hội cho phạm nhân yên tâm chấp hành án, tiếp nhận được với môi trường lao động…

(Báo cáo 43/BC-BCA-C10 của Bộ Công an ngày 12/1/2022 tổng kết công tác phối hợp với tổ chức, cá nhân trong tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân của trại giam thuộc Bộ Công an).

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Phương: “Trong quá trình liên kết, hợp tác với trại giam để tổ chức đưa phạm nhân ra trụ sở công ty lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, chúng tôi có thể theo sát và nhận biết được phạm nhân nào có ý thức lao động tốt, có nỗ lực hoàn lương, để khi họ hết án tù và muốn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp thì chúng tôi sẵn sàng đón nhận. Bên cạnh mục đích phát triển kinh tế, chúng tôi cũng mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình, chung tay với Nhà nước trong việc hướng thiện cho phạm nhân, tạo công ăn việc làm cho người sau khi hết án tù, trở về với cộng đồng để giảm thiểu tỉ lệ tái phạm tội, góp phần đem lại sự bình yên cho xã hội”.

Nhật Quang

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-8-giup-pham-nhan-biet-tran-quy-lao-dong-post525846.antd