Bãi bỏ để tránh rủi ro pháp lý!

Theo báo cáo của Bộ Công thương gửi Thường trực Chính phủ mới đây, phương án phát triển nguồn điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát sẽ giảm tối đa điện than, từ 25 - 31% vào năm 2030 về còn xấp xỉ 10% vào năm 2045. Bên cạnh đó, dự án điện than mới sẽ không được phát triển sau năm 2030; xem xét chuyển một số dự án dùng nhiên liệu than sang sử dụng LNG và phát triển điện khí LNG ở quy mô phù hợp.

Lý do là nhằm đạt mục tiêu cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 về trung hòa carbon vào năm 2050. Cụ thể, sau rà soát các dự án điện than, Bộ đề xuất Quy hoạch điện VIII loại bỏ 14.120MW nhiệt điện than, trong đó có 8.420MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao 3.600MW; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư dự án Long Phú 3, công suất 1.980MW; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840MW. Các dự án đầu tư theo hình thức BOT khoảng 4.500MW và chưa giao nhà đầu tư 1.200MW. Với 3 dự án đầu tư theo hình hức BOT, chủ đầu tư đã có văn bản xin rút và được Thủ tướng đồng ý...

Theo đánh giá của Bộ Công thương, các dự án do các tập đoàn nhà nước làm chủ đầu tư không có rủi ro pháp lý, các chi phí phát triển do các tập đoàn đã bỏ ra không lớn, sẽ được xử lý. Do đó, Bộ xin ý kiến Thường trực Chính phủ bỏ các dự án điện than không còn phù hợp. Dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ tính toán và đưa ra phương án thay thế công suất điện than bằng 12.000 - 15.000MW điện năng lượng tái tạo và khoảng 14.000MW điện khí LNG...

Cần nhắc lại rằng, tại Tọa đàm trực tuyến Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại Lộ trình chuyển dịch xanh do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức hồi thàng 9.2021, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá chú trọng vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021 - 2030) và tiếp tục kéo dài sang giai đoạn 2035 - 2045.

Theo phân tích của đại diện VSEA, đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi. Cụ thể, từ phân loại 30.000MW điện than theo hiện trạng tiếp cận vốn có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 10 dự án điện than đã thu xếp được vốn và đang xây dựng với công suất 10.800MW nhưng có tới 15 dự án đang ở bước đàm phán, chưa huy động được vốn, công suất khoảng 16.400MW. Hơn nữa, với những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính, tương đương khoảng 16.400MW cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm phương án thay thế...

Đặc biệt, trong khi nước ta đang nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính nên việc tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo có thể sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy. Hơn nữa việc xây dựng dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần bám sát Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Phát triển năng lượng là cần thiết nhưng phải bền vững. Vậy nên, dù đến thời điểm này, Bộ Công thương mới xin ý kiến Thường trực Chính phủ bỏ các dự án điện than không còn phù hợp - cũng vẫn chưa muộn. Bởi phát triển nguồn điện này sẽ phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu than, đồng thời có thể gây ra những hệ lụy về môi trường - chứ không chỉ đơn thuần là tránh rủi ro pháp lý.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/bai-bo-de-tranh-rui-ro-phap-ly-i296962/