Bãi cọc nghìn năm tuổi bước đầu hé mở phần sự thật còn giữ lại ở chiến trận Bạch Đằng

Chiều nay (20/12), lãnh đạo thành phố Hải Phòng, cùng các nhà khảo cổ học, khoa học, sử học đã đến thăm thực địa bãi cọc quý có niên đại hàng nghìn năm tuổi được phát lộ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng cùng các nhà khoa học thăm bãi cọc nghìn năm tuổi được phát hiện tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng

Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng cùng các nhà khoa học thăm bãi cọc nghìn năm tuổi được phát hiện tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng

Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận định về công tác khảo cổ học và ý nghĩa việc phát lộ bãi cọc nghìn năm tuổi

Qua khảo sát, Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận định: Công tác khai quật bãi cọc làm đúng phương pháp khảo cổ. Chúng ta có những cột địa tầng từ đó xác định được nguồn gốc đất, niên đại của những lớp đất. Kỹ thuật về mặt cắt, đỉnh, đáy và cả những địa tầng xung quanh được giữ nguyên hiện trạng. Như vậy, các nhà khoa học có căn cứ đánh giá khách quan, ai cần phản biện, cần suy nghĩ thêm đều có cơ sở.

Sự phát lộ bãi cọc này thật diệu kỳ, xuất hiện đúng cuối năm Kỷ Hợi, ngay tại huyện Thủy Nguyên gần khu di tích Bạch Đằng Giang. Nó tạo giá trị cho khu di tích ấy, tạo thành một quần thể di tích Bạch Đằng Giang và nhân danh Hải Phòng để đóng góp vào cho lịch sử dân tộc, lịch sử đại võ công sông Bạch Đằng năm 1288”, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết.

27 cọc được phát hiện có kích thước khác nhau, cọc dài nhất là 2,7m

GS, TS khoa học Vũ Minh Giang Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Trước đây, nhận thức của mình về chiến thắng Bạch Đằng nó hạn chế. Đầu tiên chúng ta chỉ phát hiện bãi cọc bên Quảng Yên. Những nghiên cứu chiến trận chỉ xung quanh bãi cọc đó thôi. Khi biết tin có bãi cọc bên Thủy Nguyên, Hải Phòng, chúng ta có hình dung mới về chiến trận quy mô lớn. Các cụ đã giăng thiên la địa võng ở trên cả hai bên bờ sông Bạch Đằng, đó là chiến công vĩ đại của ông cha ta thế kỷ XIII.

Từng chiếc cọc được đánh số hiệu

Cá nhân tôi trước đây đã từng dự đoán bãi cọc tìm thấy Quảng Yên (Quảng Ninh) chỉ là một phần nhỏ, không tương xứng với quy mô của một trận đánh. Khi nhận được báo cáo phát hiện bãi cọc ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) tôi nghĩ đây có lẽ hé mở ra một phần nào đó sự thật còn giữ lại ở chiến trận Bạch Đằng.

Thân cọc có "ngoàm" dùng để buộc dây

Bên cạnh đó, GS, TS khoa học Vũ Minh Giang Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội trăn trở: Vấn đề bảo tồn và phát huy ý nghĩa của chiến trận Bạch Đằng này như thế nào sau khi tìm được di tích là vấn đề cần bàn bạc tìm hướng. Những chiếc cọc ngâm hàng nghìn năm trong lòng đất có thể giữ được nhưng khi phát lộ, dưới ánh nắng mặt trời nó sẽ bị phá hủy nhanh.

Đoàn lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm thực địa bãi cọc

Tôi từng có ý tưởng làm bảo tàng tái hiện lại trận chiến với sự góp sức của công nghệ và tài năng của họa sỹ. Chúng tôi đang làm thì đúng dịp phát hiện bãi cọc, rất trùng hợp.

Trước đó, đầu tháng 10/2019, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên phát hiện được 9 cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ. Các cọc gỗ này đã gãy phần đầu, màu đỏ sẫm, rắn chắc, phân bố không thẳng hàng, nằm cách nhau theo chiều Đông Tây khoảng 5-7 m, chiều Bắc Nam 3,5 – 5m. Đường kính cọc khá lớn 26 – 46 cm, một cọc đường kính 14 cm. Trong đó có 4 cọc nằm nghiêng từ 20 – 45 độ theo các hướng tây, nam.

Bãi cọc rộng lớn với những chiếc cọc nghìn năm tuổi

Sau đó, Bảo tàng Hải Phòng xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra và lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học giám định niên đại.

Sau khi giám định niên đại cọc, bước đầu Viện Khảo cổ nhận định, các cọc có niên đại tuyệt đối C14 là từ năm 1.270 - 1.430 sau công nguyên (AD).

Khi nghe tin, nhiều người dân đã đến tận bãi cọc để tận mắt chứng kiến

Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288). Bãi cọc là nơi ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.

Theo các nhà khoa học, lớp địa tầng sẽ cho biết nguồn gốc và niên đại đất để có thêm dữ liệu đánh giá

Ngày 27/11/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Ngày mai (21/12), UBND TP. Hải Phòng sẽ tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan. Các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu sẽ đưa ra đánh giá, đề xuất đối với bãi cọc quý hàng nghìn năm tuổi này.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bai-coc-nghin-nam-tuoi-buoc-dau-he-mo-phan-su-that-con-giu-lai-o-chien-tran-bach-dang-4054085-v.html