Bài cuối: 75 năm - Những dấu mốc tự hào

Quốc hội Việt Nam đã trải qua hành trình phát triển tròn 75 năm. Hành trình 75 năm ấy không chỉ cho thấy một Quốc hội Việt Nam ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, mà trên hết, còn cho thấy những bước phát triển nhảy vọt của nền dân chủ nước nhà.

Bài liên quan

Bài 1: “Đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”

Bài 2: Tưng bừng Ngày hội non sông đầu tiên

Bài 3: Quốc hội đầu tiên và kỳ họp đặc biệt

Bài 4: Hiến pháp 1946 - Bản hiến văn đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ, độc lập

14 lần “quốc dân” đi bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ

Đi bầu cử là thực hiện quyền làm chủ của công dân. 75 năm qua, tính cả cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, đến nay người dân của nước Việt Nam độc lập đã có 14 lần đi bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân, quyền làm chủ của mình.

Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp năm mới 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở về “quyền công dân” này: “Phải hăng hái tham gia cuộc tuyển cử để tổ chức một Quốc hội đủ tinh thần và lực lượng thay mặt cho toàn dân”.

Những năm sau này, Người cũng nhiều lần nhắc lại tầm quan trọng của lá phiếu cử tri và việc thực hiện quyền làm chủ của mỗi công dân: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng, nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng, đã hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và trong kháng chiến mới giành được và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy”, thế nên, theo Người: “đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình, tức là phải nhắc nhủ nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày tổng tuyển cử”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi người công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.

Ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Thực hiện những căn dặn ấy của Người, 75 năm qua, người dân Việt Nam đã có 14 lần được thực hiện quyền thiêng liêng của mình. Tại kỳ bầu cử Khóa I (1946 - 1960), nhân dân đã bầu ra Quốc hội khóa I là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Kỳ bầu cử lần thứ hai năm 1946, các cử tri đã bầu ra Quốc hội Khóa II (1960 - 1964) - Quốc hội đầu tiên hoạt động hoàn toàn trong thời kỳ đất nước bị chia cắt. Kỳ bầu cử thứ III bầu ra Quốc hội Khóa III (1964 - 1971). Tiếp sau đó là các kỳ Quốc hội Khóa IV (1971 - 1975); Khóa V (1975 - 1976); Khóa VI (1976 - 1981); Khóa VII (1981 - 1987); Khóa VIII (1987 - 1992); Khóa IX (1992 - 1997); Khóa X (1997 - 2002); Khóa XI (2002 - 2007); Khóa XII (2007 - 2011); Khóa XIII (2011 - 2016); Khóa XIV (2016 - 2021).

Trong 14 kỳ bầu cử ấy, ngoài cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, còn có rất nhiều kỳ bầu cử đáng nhớ khác. Trong đó, không thể không nhắc tới Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất ngày 25/4/1976. Khó có thể nói hết cảm xúc đặc biệt của những cử tri ngày ấy khi sau hàng thập kỷ kháng chiến trường kỳ, đất nước mới được hưởng một kỳ bầu cử trong không khí của một đất nước thực sự hòa bình và sau 30 năm, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (06/01/1946), cuộc Tổng tuyển cử chung mới lại được tổ chức trên phạm vi cả nước.

Ngày 25/4 ấy, trên 23 triệu cử tri cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Sau ngày Tổng tuyển cử hai tháng, vào sáng ngày 24/6/1976, Quốc hội khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, đã khai mạc Kỳ họp thứ nhất với sự có mặt của 482 đại biểu Quốc hội.

Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, đã nêu rõ: “Kỳ họp Quốc hội lần này là một c520ái mốc trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Từ mấy tháng nay, công nhân, nông dân, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân khác trong cả nước đã phát động phong trào thi đua sôi nổi lấy thành tích chào mừng Quốc hội chung cả nước. Điều đó chứng tỏ nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh Quốc hội mới và đặt nhiều hy vọng vào Quốc hội”.

Không ngừng đổi mới để phát triển, vì lợi ích của nhân dân

14 nhiệm kỳ hoạt động - thời gian không quá dài nếu so với chiều dài lịch sử của đất nước - nhưng có thể nói, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, không ngừng đổi mới về nhiều mặt.

Nổi bật trong số đó là những đổi mới về công tác lập pháp. Từ Quốc hội khóa I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung): Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, trong 75 năm qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành góp phần thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quản lý xã hội theo hiến pháp và pháp luật. Nói như nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - TS. Bùi Ngọc Thanh, đổi mới lập pháp là sự kiện ghi đậm dấu ấn của Quốc hội, “nếu như 7 khóa Quốc hội đầu tiên (từ năm 1946 đến đầu năm 1987), hơn 40 năm Quốc hội chỉ ban hành được 29 đạo luật, thì Quốc hội Khóa VIII (1987-1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, trong 5 năm Quốc hội đã ban hành tới 31 đạo luật. Sang Khóa IX là 41 luật và bộ luật, Khóa X là 35 đạo luật. Sang Khóa XI, Quốc hội đã xây dựng 84 luật, Khóa XII chỉ có 4 năm, Quốc hội cũng đã xây dựng được 67 luật, đến Khóa XIII là 89 luật và Khóa XIV hiện nay, từ 2016 đến cuối 2020 cũng đã thông qua được khoảng 80 đạo luật”.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã có những đổi mới mạnh mẽ cả phương thức hoạt động, cách thức điều hành. Đơn cử như những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng mạnh mẽ, giúp khoảng cách giữa các đại biểu với cử tri ngày càng được thu hẹp. Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Năm 2020, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Quốc hội đã thực hiện đổi mới bằng việc lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng…

75 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng hành cùng dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân. Tự hào về lịch sử vẻ vang đó, nhưng nói như tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội cũng nhận thức rất rõ rằng, đổi mới của Quốc hội là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ. Như Nghị quyết Quốc hội khóa XIV: tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-cuoi-75-nam--nhung-dau-moc-tu-hao-post134449.html