Bài cuối: Buộc chữa bệnh đối với người tâm thần

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc khám và điều trị người tâm thần tại các bệnh viện sức khỏe tâm thần đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định bắt buộc chữa bệnh đối với người tâm thần khiến nhiều gia đình xem nhẹ trách nhiệm này.

Bất cập trong quản lý người tâm thần

Qua những vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra để lại những hậu quả nghiêm trọng, chúng ta có thể nhận thấy, người tâm thần rõ ràng cũng là một người bệnh. Họ “chung sống” với những tổn thương về tâm lý và thậm chí là sống vạ vật, lang thang khắp nơi. Từ đó dẫn đến những nguy cơ khi họ không thể điều khiển hành vi của mình.

Hiện nay, cả Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP đều không quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người tâm thần bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, khi họ có biểu hiện mắc bệnh để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chỉ quy định việc xác định tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thuộc trách nhiệm của cơ quan pháp y. Ở các giai đoạn tố tụng, giai đoạn nào phát hiện được, hoặc người phạm tội yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn đó trưng cầu giám định tình trạng bệnh tật của người phạm tội để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.

Nghị định số 64/2011/NĐ-CP quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người được xác định mắc bệnh tâm thần. Nhưng các biện pháp này chỉ áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng, tức là sau khi các đối tượng đã gây án.

Như vậy, người mắc bệnh tâm thần gây án, sau khi bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định sẽ được trở về gia đình (vì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự), họ sẽ tạo nên sự bất an đối với cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát. Hiện nay chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu đối với người tâm thần trong cộng đồng, chưa có những giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của họ trong khi họ tiếp tục sống trong cộng đồng khi chưa được chữa trị.

Nhiều gia đình có người tâm thần sống chung nhưng thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, để họ sống lang thang, vạ vật. Có gia đình vì thể diện còn che giấu việc người thân có bệnh. Có gia đình không đủ kinh phí đưa người thân đi chữa bệnh; Chính quyền địa phương không có điều kiện theo dõi diễn biến bệnh lý của người bệnh; vướng mắc trong việc thanh toán chi phí điều trị người mắc bệnh tâm thần gây án bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Nhiều trường hợp bệnh nhân đã ổn định bệnh nhưng gia đình không nhận, vì vẫn có nguy cơ tái phát, có thể có lúc gây nên hành vi nguy hiểm. Trong tình huống này, Bệnh viện không thể có nguồn chi nuôi ăn và chữa trị cho họ.

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương điều trị cho một bệnh nhân.

Phát triển ngành công tác xã hội

Theo Thầy thuốc ưu tú TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) thì bệnh tâm thần có nhiều loại. Có những loại tuy biểu hiện bên ngoài nặng như chửi bới, gây gổ, đập phá, đánh người khác… nhưng chưa chắc đã là bệnh nặng và ngược lại. Có thể chỉ là do họ sử dụng ma túy. Sau khi được điều trị dùng thuốc thì bệnh của họ lại qua nhanh. Người bệnh hiểu ra và bỏ sử dụng ma túy. Bản chất của bệnh không nặng nhưng rõ ràng những biểu hiện ra bên ngoài của người tâm thần do sử dụng ma túy thì rất nặng.

Ngược lại, có những người biểu hiện ra bên ngoài nhẹ nhưng chưa chắc bệnh đã nhẹ. Người bệnh vẫn ăn uống, sinh hoạt, nói chuyện với mọi người bình thường nhưng chỉ bị sai sót một trong những thành tố của sức khỏe thâm thần. Sức khỏe tâm thần gồm có 8 thành tố gồm cảm xúc, tư duy, trí nhớ, trí tuệ, ý thức, chú ý, hành vi, tri giác – cảm giác.

Bác sỹ Hùng ví dụ, có những người có biểu hiện rối loạn hoang tưởng ghen tuông nhưng họ che giấu hành vi rất tinh vi, kín đáo. Nhưng đến khi rối loạn ghen tuông phát triển ở mức cao độ có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm như giết người.

Về giải pháp ngăn chặn tình trạng người tâm thần gây án, bác sỹ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đối với người bị bệnh tâm thần, gia đình cần phải đưa đến khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần. Khi đó, người bệnh được uống thuốc đầy đủ. Tất cả các loại bệnh tâm thần nếu được khám và điều trị đầy đủ sẽ được khống chế, bệnh thuyên giảm. Hậu quả đối với xã hội, cộng đồng sẽ giảm hơn.

Đối với các trường hợp mà gia đình có thể quản lý được thì nên để người bệnh hòa nhập với cộng đồng, đồng thời đưa người bệnh đến điều trị tại các bệnh viên chuyên khoa sức khỏe tâm thần. Cần chú ý theo dõi các biểu hiện tái cơn. Còn đối với những người bị tâm thần mà điều trị không có kết quả thì người nhà nên đưa họ đến các cơ sở bệnh viện tâm thần truyền thống để có sự quản lý, đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh và cho xã hội.

Đặc biệt, nên phát triển ngành công tác xã hội để tham gia cùng các bác sỹ trong quá trình điều trị và giúp người tâm thần hòa nhập cộng đồng. Bác sỹ Dũng so sánh, đội ngũ công tác xã hội giống như cánh tay nối dài của các bác sỹ tâm thần. Họ sẽ giúp các bác sỹ, các phòng khám theo dõi chăm sóc người bệnh tâm thần. Bên cạnh đó, cũng cần thành lập các cơ sở làm việc cho người tâm thần ổn định vào làm việc.

Khi gia đình phát hiện người thân có biểu hiện mắc bệnh, cần sớm đưa đến các cơ sở điều trị. Các gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần, cần quản lý chặt người bệnh, tránh gây kích động, hoặc để người bệnh tiếp xúc những công cụ có khả năng gây sát thương. Các cơ sở y tế địa phương cần có những chương trình hỗ trợ gia đình có người thân mắc bệnh; chủ động rà soát các đối tượng mắc bệnh để có phương án vận động, kết hợp gia đình đưa người bệnh đi điều trị kịp thời.

Chính quyền địa phương cần có sự quản lý, giám sát, quan tâm đến các đối tượng mắc bệnh trên địa bàn, hỗ trợ gia đình khó khăn trong việc đưa người thân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần. Cần ban hành các quy định về quản lý, bắt buộc chữa bệnh đối với những người mới bắt đầu có biểu hiện bệnh tâm thần.

Làm thế nào để người nhà phát hiện người thân của họ có dấu hiệu bệnh tâm thần mà đưa đi khám? Theo Thầy thuốc ưu tú TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng, khi phát hiện người thân của mình có những biểu hiện khác lạ như hay đau đầu, mất ngủ, căng thẳng lo câu, sợ hãi, bồn chồn, ăn uống kém, không muốn gặp gỡ ai, không muốn làm việc… trước khi đưa người nhà đi khám bệnh về thể chất nên đưa đến các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần để thăm khám.

Những cú sốc cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như uống rượu, sử dụng ma túy, di truyền…

Mai Hương - Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/bai-cuoi-buoc-chua-benh-doi-voi-nguoi-tam-than-503835/