Bài cuối: Cần có chiến lược dài hơi

BÀI 1: Vấn đề cũ, thách thức mới

BÀI 2: Bắt kịp với xu thế

BÀI 3: "Bước đệm" khởi sắc

BÀI 4: Tạo sức bật mới

Để giải quyết những thách thức, tàn dư của ngành Nông nghiệp, tất yếu phải có một mô hình kinh tế phù hợp, hướng đến nền sản xuất bền vững, cho năng suất cao nhưng vẫn đảm bảo duy trì các lợi ích cho xã hội. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được kỳ vọng là một giải pháp hữu hiệu đối với lĩnh vực nông nghiệp ở Tiền Giang.

Tuy nhiên, vấn đề áp dụng mô hình KTTH trong trồng trọt như thế nào và hiệu quả ra sao, các chỉ tiêu đánh giá để thể hiện mức độ là những nội dung cần quan tâm để có định hướng phát triển, khung chính sách và các giải pháp hợp lý.

* GIÁM ĐỐC SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH TIỀN GIANG LÊ QUANG KHÔI:

Thách thức

Nhận thức về KTTH và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình KTTH còn hạn chế. Mô hình KTTH đã xuất hiện ở Tiền Giang, trước hết là ở trong nông nghiệp hoặc trong nông - công nghiệp kết hợp, song thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” mới được đề cập. Vì vậy, vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ, thậm chí chưa có, dẫn đến nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhất là nông dân về KTTH trong nông nghiệp còn mơ hồ, chưa đầy đủ. Đây là một trong những rào cản cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Công ty TNHH Phát triển trang trại sạch (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi nhận thức và phát triển sản xuất theo hướng KTTH tại Tiền Giang. Ảnh: HUỲNH VĂN XĨ

Công ty TNHH Phát triển trang trại sạch (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi nhận thức và phát triển sản xuất theo hướng KTTH tại Tiền Giang. Ảnh: HUỲNH VĂN XĨ

Nhận thức đúng về tầm quan trọng và bản chất, yêu cầu của KTTH được thực hiện từ việc thiết kế tới triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý đến từng doanh nghiệp và người dân.

Các hoạt động tái chế và tận thu phế, phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển. Một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp đang chưa được xử lý, thải ra môi trường vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản còn thấp. Không chỉ tỷ lệ thu gom thấp, việc sử dụng phụ phẩm vẫn còn đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao.

Tỷ lệ các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ hiện vẫn ở mức khá thấp. Một lượng đáng kể rơm rạ được đốt ngay tại ruộng đã gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Ngành chế biến phụ phẩm thủy sản chưa khai thác hết nguồn phụ phẩm thủy sản bằng các công nghệ cao để chế biến thành các thực phẩm chức năng. Khối lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp là nguồn nguyên liệu quý nếu được sử dụng tốt sẽ tạo ra một nền KTTH trong nông nghiệp, đầu ra của quy trình sản xuất này sẽ là đầu vào của quy trình sản xuất khác, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trách nhiệm của doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, nông dân trong việc xử lý rác thải, tận dụng phế, phụ phẩm còn thấp. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của nông dân, các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp còn hạn chế do còn thiếu các quy định và các chế tài xử phạt nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong xử lý rác thải và phế, phụ phẩm trong nông nghiệp cũng như thiếu các hướng dẫn cụ thể trong việc thu gom các bao bì hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng trong nông nghiệp, xử lý chất thải rắn và chất lỏng từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương mới dừng ở mức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân, do vậy trách nhiệm của các đối tượng sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp còn tùy vào nhận thức của từng đối tượng. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ cho phát triển KTTH còn hạn chế. KTTH phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Hiện nay, ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học - công nghệ chỉ chiếm 0,6% tổng chi ngân sách, trong khi tại tỉnh Tiền Giang chỉ chiếm khoảng 0,45% tổng chi ngân sách của tỉnh. Đầu tư còn dàn trải và thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc xã hội hóa nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học còn chậm, tỷ lệ đầu tư ngoài ngân sách cho nông nghiệp còn thấp, chưa có giải pháp hữu hiệu để huy động được các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ, các phương thức canh tác trong các mô hình KTTH còn hạn chế, do vậy chưa tạo được sức lan tỏa trong nền kinh tế.

Năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ trong các mô hình KTTH còn yếu. Phát triển KTTH trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải hình thành nền kinh tế tri thức và năng lực nghiên cứu và phát triển cao.

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp còn ít, sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu và phát triển với các trường đại học và các doanh nghiệp lỏng lẻo. Các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.

Đặc biệt, Tiền Giang còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn.

Chất lượng lao động trong tỉnh còn thấp, bao gồm cả các ngành có đặc thù KTTH. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo ở nông thôn còn thấp. Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu chưa phù hợp. Bên cạnh đó, thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi để phát triển, giải quyết tốt các vấn đề KTTH. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp cũng còn rất hạn chế.

* TS. NGUYỄN THÀNH HIẾU VÀ CÁC CỘNG SỰ TẠI VIỆN CÂY ĂN QUẢ MIỀN NAM:

Định hướng

Cần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân về KTTH trong nông nghiệp. Cần xây dựng chiến lược truyền thông về mô hình KTTH trong nông nghiệp, bao gồm: Vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí đến cách thức thực hiện…

Công ty TNHH Phát triển trang trại sạch (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi nhận thức và phát triển sản xuất theo hướng KTTH tại Tiền Giang.

Công ty TNHH Phát triển trang trại sạch (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi nhận thức và phát triển sản xuất theo hướng KTTH tại Tiền Giang.

Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình đào tạo từ các cấp phổ thông đến bậc đại học, các lớp tập huấn nông nghiệp, chương trình khuyến nông. Tùy từng đối tượng, địa bàn mà có biện pháp khác nhau cho phù hợp như: Cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, doanh nghiệp đi tham quan, nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia hay doanh nghiệp trong nước đã thực hiện thành công KTTH, từ đó học hỏi, vận dụng vào điều kiện cụ thể; hướng dẫn nông dân tùy địa bàn lựa chọn các mô hình tận dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp phù hợp, hiệu quả.

Hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường và hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị của từng chu trình: Sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế; sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất).

 Đại diện Công ty TNHH Phát triển trang trại sạch Nguyễn Công Vinh, người với nhiều sáng kiến trong phát triển KTTH tại Tiền Giang.

Đại diện Công ty TNHH Phát triển trang trại sạch Nguyễn Công Vinh, người với nhiều sáng kiến trong phát triển KTTH tại Tiền Giang.

Đẩy mạnh triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phẩm nông nghiệp vào trồng nấm, đậu tương, ngô, khoai tây…; khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; khuyến cáo, thậm chí cấm đốt rơm rạ, đốt nương rẫy, cấm các cơ sở chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm…

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp. Đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, nhất là ở các địa phương có diện tích trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn. Khuyến cáo và hỗ trợ mặt bằng, vốn, công nghệ cho các chủ thể sản xuất nông nghiệp để họ chú trọng thu gom, phân loại phụ, phế phẩm nông nghiệp cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế.

Khuyến khích các địa phương trên cả nước, dựa vào các mô hình đã có và điều kiện cụ thể của mình phát triển các mô hình KTTH trong nông nghiệp cho phù hợp. Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực lớn đầu tư khai thác, chế biến phụ, phế phẩm nông nghiệp để tạo phân bón và giá thể hữu cơ; đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Để thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp phát triển, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, các tổ chức ngành nghề, người dân tham gia; trong đó, xác định doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là hạt nhân nòng cốt.

Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thông qua cơ chế, chính sách phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế ở cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế một số phụ phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

Có thể nói, để phát triển KTTH trong nông nghiệp, mặc dù nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học đóng vai trò quan trọng nhưng chưa đủ, cần có sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước và sự vào cuộc của toàn xã hội. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu với Chính phủ có chủ trương, chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong ưu tiên phát triển KTTH phù hợp với đặc điểm riêng của nông nghiệp Việt Nam.

LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202308/bai-toan-kinh-te-tuan-hoan-kien-tao-nen-nong-nghiep-ben-vung-bai-cuoi-can-co-chien-luoc-dai-hoi-987724/