Bài cuối: Cho Điện Biên mãi màu xanh, hoa nở

'Cho Điện Biên mãi màu xanh, hoa nở' - câu thơ của người lính Điện Biên hẳn cũng là ý chí, là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi mảnh đất lịch sử này.

Nậm Pồ - như một giấc mơ

Gặp gỡ mấy cựu chiến sĩ Điện Biên ở xã Si Pa Phìn xong đã gần trưa, anh Trịnh, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Nậm Pồ, vẫn nhất quyết bảo “các cô phải đến chỗ này”. “Chỗ này” là khu vực đồi núi khoảng 30ha, từ đỉnh đồi xuống chân đồi là các khu nhà màng, nhà lưới trồng rau, củ, quả. Đây là mô hình quy mô lớn đầu tiên và cũng là duy nhất trên địa bàn huyện Nậm Pồ hiện nay ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật hiện đại trong trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả sạch. Trước năm 2023, khu vực này gần như bỏ hoang, giờ là nơi cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện. Rau xanh từ đây còn được chuyển về TP. Điện Biên Phủ và các huyện lân cận, thậm chí xuống Hà Nội.

Tại sao học sinh ở Nậm Pồ phải ăn rau từ Sơn La chuyển lên, mất nửa ngày, làm sao tươi ngon bằng rau củ tại chỗ? Tại sao đất đai chúng ta nhiều mà lại bỏ hoang? Từ suy nghĩ ấy, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa đã bàn với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Ngô Xuân Chiến hồi sinh vùng đất này. Người dân và cán bộ huyện đóng góp thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn. Vừa làm, vừa lo. “Khó, nhưng phải làm chứ. Bí thư huyện quán triệt rồi, cán bộ không làm gương, không thành công, thì sao nói với nông dân được”, anh Chiến kể.

Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn là một trong nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, ra đời từ thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ về phát triển vùng nguyên liệu cây chanh leo, cây quế và vùng sản xuất rau, củ quả an toàn đến năm 2025. Cán bộ đảng viên tiên phong thực hiện nghị quyết này. Không chỉ cung cấp rau xanh cho học sinh và người dân, mà ý nghĩa hơn, hợp tác xã còn tạo việc làm cho bà con dân tộc thiểu số địa phương, thường xuyên có khoảng 20 người, có thời điểm lên tới 50 - 60 người, thu nhập trung bình 8 triệu đồng/tháng.

Tinh thần Điện Biên Phủ sẽ được tiếp nối. Ảnh: Nhật Bắc

Năm xưa, Điện Biên tái thiết bắt đầu từ nông nghiệp, thì nay Nậm Pồ đặt mục tiêu đưa nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho nhân dân trên địa bàn.

Thành lập năm 2013, Nậm Pồ là huyện “trẻ nhất” Điện Biên nhưng cũng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh và của cả nước, khó khăn chồng chất khó khăn. “Nhưng các thế hệ lãnh đạo của huyện luôn nhắc nhau, vất vả bây giờ thấm vào đâu so với những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của thế hệ đi trước. Các bác, các chú, các cô đã chiến đấu quên mình và làm nên một chiến thắng huyền thoại, giờ là lúc thế hệ đi sau phải chung sức, chung tay phát triển vùng đất này”, ông Lê Khánh Hòa chia sẻ.

Tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn

70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, từ mảnh đất hoang sơ, đổ nát do chiến tranh tàn phá, Điện Biên hôm nay đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, 10/18 mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,77%/năm; năm 2023, thu nhập bình quân ước đạt 42,98 triệu đồng/người/năm. Hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực…

Theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới… Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%…

Trả lời báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết, Điện Biên sẽ phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện; tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại, chú trọng hạ tầng giao thông, cửa khẩu…

“Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954 đánh dấu một mốc son chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc, hướng tới xây dựng một Điện Biên ngày càng phát triển về kinh tế, tiến bộ về văn hóa, giàu bản sắc dân tộc, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước”, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh

Nhật Linh - Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-cuoi-cho-dien-bien-mai-mau-xanh-hoa-no-i370953/