Bài cuối: Chung tay cùng thực hiện

Mặc dù mục tiêu bao phủ 100% nước sạch cho khu vực nông thôn ở Thủ đô vào năm 2020 đang đặt ra những 'bài toán' hết sức khó khăn, nhất là đối với những huyện miền núi, xa trung tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, mục tiêu này vẫn có thể 'cán đích' sớm nếu như doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương cùng chung tay thực hiện.

Người dân và doanh nghiệp cùng vào cuộc

Là địa bàn mới có hơn 10% hộ dân được sử dụng nước sạch, ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, qua khảo sát của UBND huyện, người dân trên địa bàn đang hàng ngày mong sớm triển khai các dự án cung cấp nước sạch, rất ủng hộ khi các doanh nghiệp về triển khai lắp đặt các đường ống cấp nước. Vì thế, UBND huyện sẽ phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các dự án cấp nước trên địa bàn, tuyên truyền vận động người dân trong huyện sử dụng nước sạch.

Sau khi lựa chọn nhà thầu thi công, UBND huyện sẽ họp với các xã có dự án đi qua để vận động nhân dân ủng hộ không chỉ trong quá trình thi công mà trong cả khi sử dụng, bảo vệ đường ống suốt quá trình dự án cấp nước trên địa bàn. “Chúng tôi sẽ đồng hành với doanh nghiệp cấp nước sạch, thậm chí sẽ tổ chức kiểm tra sức khỏe cho người dân vào thời điểm trước và sau quá trình khi sử dụng nước sạch”, ông Quang nhấn mạnh.

Nhà máy nước mặt sông Đuống đang gấp rút hoàn thành sẽ giải “bài toán” nước sạch cho toàn bộ các huyện phía đông bắc và phía nam của Thành phố.

Nhà máy nước mặt sông Đuống đang gấp rút hoàn thành sẽ giải “bài toán” nước sạch cho toàn bộ các huyện phía đông bắc và phía nam của Thành phố.

Tại buổi giám sát của Ban Đô thị HĐND Thành phố với Sở Xây dựng Hà Nội về tình hình triển khai các dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn Thành phố mới đây, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, UBND Thành phố rất quan tâm đến lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn qua việc ban hành 11 thông báo kết luận các cuộc họp từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, việc kêu gọi các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do khả năng thu hồi vốn thấp.

Thực tế khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp đã đầu tư xong các hạng mục, nhưng người dân sử dụng rất ít, nên chủ đầu tư triển khai cầm chừng, chờ chính sách. Cụ thể, xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) được Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam triển khai xong 100% đường ống, nhưng đến nay chỉ có 120 hộ dân dùng nước; các xã, thị trấn: Đông Quang, Tản Lĩnh, Tây Đằng (huyện Ba Vì) được Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây đầu tư bao phủ mạng lưới, các hộ dân đã lắp đặt đồng hồ nhưng sử dụng nước sạch rất ít, có hộ chỉ dùng 1 đến 2 khối nước/tháng. Vấn đề này được lãnh đạo các địa phương lý giải là do chất lượng nước chưa tạo được niềm tin đối với người dân.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, do ở vùng nông thôn, người dân vẫn có thể sử dụng nước giếng khoan, nước mưa cho việc tắm, giặt; nước máy chỉ dùng để nấu ăn và uống nên số lượng dùng ít. Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đề xuất, phải có chính sách khuyến khích, động viên các hộ dân trên địa bàn dùng nước sạch. Bên cạnh đó, cũng cần phải tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, cùng chung tay thực hiện vì lợi ích của chính mình.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Nguyễn Thanh Bình (thành viên Ban Đô thị HĐND Thành phố) cũng nêu lên một tồn tại đó là ở một số địa phương, giá bán nước sạch và giá lắp đặt đồng hồ đo nước không chung một mức giá, dẫn đến người dân so bì, không hợp tác. Ví dụ như việc lắp đồng hồ đo nước, thực tế cũng có quy định cho phép doanh nghiệp thu tiền đồng hồ đo nước lắp cho hộ dân để huy động vốn triển khai dự án, sau đó, số tiền này sẽ được trừ dần vào tiền sử dụng nước hàng tháng. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại áp dụng chính sách này khác nhau.

Có doanh nghiệp lắp miễn phí, có doanh nghiệp thu tiền, mức thu cũng khác nhau, bên cạnh đó, việc chiết khâu vào tiền nước sử dụng hàng tháng của hộ gia đình được thể hiện như thế nào? Vẫn chưa được thể hiện một cách thống nhất, cụ thể. Do đó, ông Bình cho rằng, Sở Tài chính cần sớm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án giá bán nước sạch và giá lắp đặt đồng hồ đo nước nhằm thống nhất thực hiện, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố cho biết, trong những năm qua, công tác đầu tư phát triển các dự án nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân Thủ đô đã được quan tâm và xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền Thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, ngày 21/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 499/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU ngày 29/6/2016, trong đó, xác định chỉ tiêu 100% hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch, 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh; HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 03/6/2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Thành phố, trong đó, xác định tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100% (cả khu vực đô thị và nông thôn); Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 nhằm hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, hỗ trợ bù giá nước sạch ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch.

UBND Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030 và ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện để các cấp chính quyền, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh nước sạch triển khai thực hiện.

Tính đến thời điểm 30/6/2018, UBND Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước, trong đó, có 11 dự án phát triển nguồn (tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3/ngđ) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước.

Dự kiến, đến 31/12/2020, sau khi các dự án này hoàn thành sẽ nâng công suất toàn thành phố lên khoảng 2.350.000m3/ngđ, đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho các hộ gia đình khi có nhu cầu sử dụng, đạt tỷ lệ 94%; đối với các xã trên địa bàn một số huyện chưa có hệ thống nước sạch, UBND Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phấn đấu 100% các xã có nhà đầu tư nghiên cứu triển khai dự án; đối với các khu vực thuộc một số xã vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch tập trung sẽ triển khai mô hình cấp nước theo hộ, cụm hộ sử dụng công nghệ tiên tiến, phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% các hộ dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch.

Để khắc phục việc nhiều hộ dân khu vực nông thôn không dùng nước sạch khi đã có mạng lưới cung cấp, Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Nguyễn Nguyên Quân đề nghị, Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước, các mạng truyền dẫn, phân phối theo đúng kế hoạch đã được UBND Thành phố chấp thuận. Hiện tại, một số xã thuộc các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thạch Thất khó khăn trong kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hệ thống cấp nước.

Do đó, Sở Xây dựng cần sớm chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã rà soát địa bàn chưa có nước sạch, chưa có dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thống cấp nước. Cùng với đó cũng cần phải giám sát chặt chẽ và kịp thời đôn đốc doanh nghiệp thực hiện đúng tiến độ triển khai các dự án. “Tiến độ triển khai dự án nước sạch quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2020.

Nếu chỉ một nhà đầu tư chậm tiến độ, cũng sẽ kéo theo mục tiêu không thể hoàn thành. Do đó, quan điểm của thành phố là tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn, nhất là với những huyện khó khăn song cũng sẽ kiên quyết thay thế các chủ đầu tư thiếu năng lực, không đảm bảo tiến độ thực hiện”, ông Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-cuoi-chung-tay-cung-thuc-hien-80636.html