Bài cuối: Động lực mới cho sự phát triển

Sau thời gian dài chờ đợi, Dự án cấp điện lưới cho 2 xã biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã hoàn thành và đóng điện ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2024, mang đến mạch nguồn năng lượng cho sự phát triển trên vùng biên cương Tổ quốc.

Dấu mốc mới ở vùng biên

Ngày 6.2.2024 (tức ngày 27 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) đã trở thành dấu mốc đặc biệt đối với gần 100 hộ dân ở xã Tân Trạch, Khu Di tích Lịch sử đền tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng và trung tâm xã Thượng Trạch khi lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia. Đối với 318 hộ thuộc 8 bản vùng xa của xã Thượng Trạch, do điều kiện nguồn vốn dự án còn hạn chế, địa hình đồi núi phức tạp và dân cư phân bố cách xa nhau, sẽ được chủ đầu tư triển khai cấp điện trong tháng 4 tới.

Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu cho biết, việc đóng điện ngay trước thềm Tết cổ truyền đã mang đến niềm vui lớn cho đồng bào cũng như khí thế mới trong các cơ quan, đơn vị. “Dịp Tết này, người dân các thôn, bản đã tụ tập và quây quần để cùng ăn bữa cơm tất niên, chúc mừng năm mới và gắn kết tình làng nghĩa xóm, tình cảm quân dân dưới ánh điện lưới sáng bừng”, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch chia sẻ.

Đối với hoạt động của Đảng ủy, chính quyền địa phương, việc đóng điện lưới hỗ trợ nhiều trong quá trình triển khai các công việc bảo đảm thông suốt. Được biết, trước đó với việc sử dụng điện mặt trời hoặc máy nổ, nếu thiết bị có trục trặc hoặc hư hỏng, hoạt động hành chính cũng sẽ bị gián đoạn theo. Nay, sự ổn định của điện lưới quốc gia sẽ giúp các thủ tục hành chính được diễn ra suôn sẻ, cập nhật thông tin và xử lý văn bản hiệu quả cũng như kết nối mật thiết với các cấp, các ngành.

Các bản làng vùng biên sẵn sàng cho sự phát triển mới sau khi có điện lưới quốc gia. Ảnh: Khánh Trinh

Để sẵn sàng cho việc đóng, cấp điện tại các bản, chính quyền địa phương đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn sử dụng điện trong hộ gia đình. Trong đó, cán bộ UBND xã lưu ý với người dân, để việc sử dụng điện an toàn và mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đang xây dựng các phương án để hỗ trợ số lượng lớn aptomat cho người dân trên toàn xã được hòa lưới điện trong dịp tới.

Không giấu được niềm vui khi được sử dụng điện lưới quốc gia, anh Đinh Thị, người dân tộc Ma Coong (bản Khe Rung, xã Thượng Trạch) cho biết: có điện về tận nhà khiến anh và người dân trong bản hết sức vui mừng. Sắp tới, ngoài việc có thể xem ti vi, người dân trong bản sẽ chăm chỉ lao động, mua sắm máy móc để việc sản xuất nông nghiệp năng suất, hiệu quả hơn.

Kỳ vọng những đổi thay toàn diện

Ngay từ khi hệ thống điện lưới được kéo về với hai xã, người dân cùng chính quyền địa phương đã phấn khởi, nghĩ về những kế hoạch phát triển mới trong tương lai. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Nguyễn Trường Chinh, địa phương hiện đang có 1 sản phẩm OCOP 3 sao là măng khô. Với việc dự kiến sẽ đóng điện tại 8 bản còn lại trong tháng 4 tới, mục tiêu phát triển chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng sẽ trở nên khả thi hơn rất nhiều. "Nếu như trước đây măng rừng chỉ có thể chế biến ở dạng thành phẩm khô thì khi có điện lưới ổn định, các đơn vị thu mua có thể phát triển thêm khâu chế biến, đầu tư tủ lạnh để bảo quản măng tươi hoặc làm măng chua”, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết.

Bên cạnh sản phẩm măng rừng, chính quyền xã cũng đang xây dựng kế hoạch cho sản phẩm nếp than, các sản phẩm mây tre đan, tiểu thủ công nghiệp... Địa phương cũng kỳ vọng, điện lưới quốc gia sẽ mang lại sự đổi thay đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần của người dân. “Ngày 21.2 vừa qua, trường mầm non xã đã được đóng điện. Có thêm sự hỗ trợ của ti vi để dạy học nhạc, học múa… sẽ giúp các em tiếp thu và phát triển nhanh hơn”, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu cho biết.

Tại Trạm Y tế xã Thượng Trạch, dù đang trong quá trình chờ kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia, song các y, bác sĩ ở đây cũng hết sức vui mừng, kỳ vọng. “Tôi công tác tại đây gần 6 năm và cũng ngần ấy thời gian mong mỏi ngày điện lưới về bản. Trước đây, nguồn điện không ổn định khiến việc vận hành một số trang thiết bị y tế rất khó khăn. Có điện lưới chắc chắn sẽ giúp công tác khám, chữa bệnh cho người dân thuận lợi hơn rất nhiều”, Bác sĩ Phan Văn Ngụy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch chia sẻ.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong 10 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tỉnh Quảng Bình đầu tư, hoàn thành dự án cấp điện lưới cho 2 xã vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mang ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của địa phương trong thời gian sắp tới. Cùng với định hướng phát triển chung của các cấp chính quyền, sự chung tay đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, mạch nguồn năng lượng từ điện lưới sẽ tạo đà tăng trưởng để mảnh đất vùng biên giới Việt - Lào sớm khoác lên màu áo mới.

Khánh Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-cuoi-dong-luc-moi-cho-su-phat-trien-i362243/