Bài cuối: Gìn giữ nét đẹp văn hóa ứng xử

Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng ra đời và được dư luận xã hội đón nhận. Sau một năm thực hiện đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề đặt ra là: Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng là đòi hỏi cấp bách từ thực tế, nhưng mức độ thành công đến đâu còn tùy thuộc vào sự chuyển biến trong ý thức và hành động của mỗi người.

Hay nói cách khác, ứng xử văn minh nơi công cộng chỉ có thể được hình thành và duy trì lâu bền khi được xây dựng trên nền tảng của nhận thức, trách nhiệm và hành động của mỗi người dân Thủ đô trong việc giữ gìn nét văn hóa Hà Nội.

Người dân đã ý thức giữ gìn vẻ đẹp chung nơi lễ hội, du lịch

Người dân đã ý thức giữ gìn vẻ đẹp chung nơi lễ hội, du lịch

Tích cực triển khai

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên toàn thành phố đã niêm yết công khai Quy tắc ứng xử tại các địa điểm từ phường xã đến những điểm du lịch công cộng.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc : Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của cả nước; là biểu tượng của đất nước trong mở rộng quan hệ xã hội; Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh với giá trị nhân văn sâu sắc để văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn là việc làm quan trọng của Thu đô và cả nước.

Cụ thể, huyện Đông Anh có 31 thôn, làng thuốc 6 xã lắp đặt niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng; quận Nam Từ Liêm treo 274 bảng niêm yết Quy tắc tại trụ sở ủy ban Nhân dân, cơ quan, đơn vị, trường học, di tích lịch sử, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng và niêm yết quy tắc trên cổng thông tin điện tử của quận, phường… Đồng thời, Nam Từ Liêm cũng tổ chức 40 Hội nghị tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng, in cấp phát 40.000 tờ gấp tới tay nhân dân.

Quận Bắc Từ Liêm cũng đáng được ghi nhận với 25.000 tờ gấp tuyên truyền đến hộ gia đình; quận Hai Bà Trưng 75.000 tờ gấp và 800 cuốn Quy tắc ứng xử nơi công cộng phát đến từng hộ gia đình; quận Hoàng Mai tổ chức Hội nghị tuyên truyền Quy tắc ứng xử với 700 đại biểu tham dự; quận Cầu Giấy ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống loa phường còn tổ chức mỗi phường có 2 xe đạp có gắn hệ thống loa đi tuyên truyền trong các ngõ ngách tổ dân phố về các nội dung thực hiện ứng xử văn minh đô thị, đặc biệt là nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai, Long Biên, Bắc Từ Liêm đã tiến hành phối hợp với các phòng, ban chức năng xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện đối với cấp xã, thị trấn về việc rà soát, bổ sung quy định “nên làm”, “không nên làm” vào các hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố sao cho phù hợp với các quy định của địa phương, triển khai tuyên truyền để nhân dân thực hiện.

Sau một năm tích cực tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của người dân thành phố, kết quả thật đáng khích lệ. Tại các vỉa hè, lòng đường Hà Nội đã tương đối phong quang.

Người dân thực hiện đổ rác đúng ngườ, đúng nơi quy định, duy trì vệ sinh thường xuyên, không đun nấu, đốt lửa trên vỉa hè; tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên, người dân đã dần ý thức hơn trong việc không hái hoa bẻ cành; tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, người dân chấp hành quy định hướng dẫn tại nơi thờ tự, tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn vệ sinh chung, không còn trường hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; một số di tích đã cho du khách mượn áo choàng miễn phí để thoải mái khi thăm vãn cảnh đền chùa mà không bị ảnh hưởng bởi trang phục phản cảm, như Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban quản lý Di tích đền Ngọc Sơn..

Tại bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa.. người dân cũng có ý thức hơn trong việc dùng điện thoại di động hoặc không làm hư hại, sai lệch hiện vật, không mang theo vật liệu nổ, dễ cháy. Tại các trung tâm thương mại, chợ, nhà hàng, quán ăn đã niêm yết giá và nguồn gốc sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Khách mua hàng cũng đã trật tự xếp hàng khi mua bán…

Ông Tô Văn Động Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: Đối với bộ Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng, 30/30 quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai, phổ biến quy tắc bằng nhiều hình thức khác nhau đến tất cả các ban, ngành, đoàn thể, thành viên ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp, trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cử, các tổ trưởng tổ dân phố nắm rõ chủ trương.

Các địa phương đã tăng cường thời lượng tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên hệ thống truyền thông của cơ sở tới nhân dân trên địa bàn; Tuyên truyền quy tắc trên trang thông tin điện tử, đài truyền thanh của quận, huyện, xã, phường; bổ sung tài liệu Quy tắc ứng xử vào thư viện, tủ sách pháp luật đặc biệt là tủ sách của nhà văn hóa thôn, xóm, khu phố.

Còn nhiều hành vi ứng xử chưa đẹp

Nơi công cộng là ngoài công sở, có đặc điểm là đông người đến từ nhiều nền văn hóa tổ chức, cộng đồng khác nhau, thường khác nhau về lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, học vấn, nghề nghiệp, giàu nghèo, có cả khác nhau về ngôn ngữ, dân tộc, quốc gia… Vì vậy, văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng có nhiều điểm khác, có đối tượng phức tạp hơn so với văn hóa ứng xử nơi công sở.

Đã một thời gian dài, dù là Thủ đô nghìn năm văn hiến, phong cách ứng xử của người dân mang đậm dấu ấn riêng, song những nét đẹp trong lối sống, giao tiếp của người dân Hà Nội có phần bị ảnh hưởng từ sự thay đổi từ môi trường sống hiện đại.

Từ lâu, Hà Nội đã ý thức rõ sự cần thiết của việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, với nòng cốt là xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa. Bởi vậy, một loạt chương trình xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh lịch sự đã được thành phố phát động.

Thực tế cho thấy, vẫn còn hành vi ứng xử thiếu văn hóa không chỉ ở việc nói tục, chửi bậy, mà nó còn thể hiện qua nhiều cách ứng xử khác như viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng, chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng tham gia các dịch vụ công cộng, sẵn sàng gây gổ, sử dụng lời nói tục tĩu khi xảy ra mâu thuẫn cá nhân...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng có điểm chung là do một số môi trường xã hội thiếu lành mạnh đã tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách, thể hiện qua hành vi ứng xử, lối sống của một số cá nhân. Những hành vi ứng xử như vậy, không chỉ làm suy giảm đạo đức của cá nhân, truyền thống tương thân tương ái, mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của Thủ đô.

Theo ông Tô Văn Động, vẫn còn hành vi chưa đẹp, chưa nhân văn. Thậm chí, có hành vi vi phạm gây mất trật tự xã hội, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Thủ đô.

Vẫn biết, Bộ Quy tắc ứng xử không thể một sớm một chiều đi vào cuộc sống, nhưng người dân Hà Nội vẫn đang rất nỗ lực để phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết, có lối sống lành mạnh, tinh thần tương thân tương ái, làm những việc có ích. Đó cũng là nhân tố bảo đảm cho Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội nhanh chóng phát huy giá trị trong cuộc sống.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-cuoi-gin-giu-net-dep-van-hoa-ung-xu-72187.html