Bài cuối: Hãy yêu thương con trẻ!

Chúng ta phải thừa nhận rằng có vấn đề về sức khỏe tâm thần của học sinh, và cần có cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn để đưa ra giải pháp cả trước mắt cũng như lâu dài. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN THỊ MAI HOA, đây không còn là trách nhiệm của một bộ, ngành, một cơ quan, một tổ chức, một nhà trường hay một gia đình, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. 'Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương con trẻ và giúp con trẻ biết yêu thương chính mình'.

Quan tâm chưa đủ độ, chưa đúng cách

- Từ một số vụ việc đau lòng xảy ra gần đây cũng như qua ý kiến các chuyên gia, bà nhìn nhận thế nào về sức khỏe tâm thần học sinh hiện nay?

Ảnh: Thái Bình

- Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh là có thật và ngày càng hiện hữu. Đây là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm về “Giải pháp đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức; cũng là ghi nhận của chúng tôi qua khảo sát hoạt động dạy học trong bối cảnh Covid-19.

Thực ra, chúng ta luôn xác định sự cần thiết phải quan tâm tới trẻ em; nhưng sự quan tâm ấy dường như chưa đủ, hoặc chưa đúng cách, nên không nhận ra được những biểu hiện tổn thương tâm lý của trẻ. Cần nói thêm, đối với người làm bố làm mẹ, thật không dễ chấp nhận con mình đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần; để rồi hậu quả đáng tiếc là những câu chuyện đau lòng đã liên tiếp xảy ra như trong thời gian qua.

Vì vậy, thay vì né tránh, hãy đối diện sự thật rằng đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở học sinh. Thay vì quy kết trách nhiệm, đổ lỗi cho ai đó trong từng vụ việc cụ thể, hãy có cái nhìn đầy đủ hơn, để tìm ra căn nguyên cũng như giải pháp khắc phục tình trạng này. Đối với vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh, phòng ngừa là chính, cần phát hiện sớm, can thiệp ngay trước khi quá muộn.

- Vừa qua, trên các diễn đàn đề cập nhiều nguyên nhân tác động tới sức khe tâm thần của học sinh, bao gồm nguyên nhân từ gia đình, nhà trường, xã hội. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, tôi cho rằng việc xác định nguyên nhân tác động tới sức khỏe tâm thần của học sinh là cần thiết, nhưng phải cẩn trọng. Tránh sa vào nguyên cớ, bởi đôi khi nguyên cớ chỉ là giọt nước tràn ly, phải tìm được nguyên nhân chính mới hy vọng có giải pháp căn cơ. Tránh tâm lý “đổ lỗi”, bởi dễ sa vào quy chụp, có thể làm tổn thương thêm “tổ ấm gia đình” vốn đang có nhiều bất an.

Thứ hai, tôi đồng tình với ý kiến nhiều chuyên gia khi xem xét nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của học sinh trên cả 3 mối quan hệ: gia đình, nhà trường và xã hội; trong đó, chủ yếu là vấn đề quá nhiều áp lực học hành. Những kỳ vọng của người lớn và căn bệnh bệnh thành tích dường như luôn là áp lực khiến học sinh quay cuồng trước điểm số, các cuộc thi, giải thưởng... Đành rằng trong cuộc sống không thể không có áp lực, thậm chí đôi khi cần áp lực để tạo thành động lực, nhưng nếu áp lực vượt quá sức chịu đựng của mỗi người thì sẽ không có được kết quả, mà là hậu quả.

Thứ ba là kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ. Nhiều bố mẹ hạn chế về kỹ năng, nên không nhận biết, phát hiện sớm, can thiệp ngay những biểu hiện rối loạn tâm lý ban đầu của trẻ. Trong các cơ sở giáo dục công lập, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh chưa được quan tâm đúng mức do thiếu vị trí tư vấn tâm lý, và hầu hết giáo viên ít được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng này. Trẻ em thì hầu như được bao bọc quá, nên thiếu kỹ năng ứng phó với áp lực cuộc sống, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm lý.

Một vấn đề nữa là tình yêu thương dành cho con trẻ. Hiện nay, người lớn bị cuốn vào guồng quay công việc, tiền tài, danh vọng, nên thiếu thời gian dành cho gia đình, không còn gần gũi con trẻ để biết con cần gì, nghĩ gì. Đáng sợ nhất là trẻ em bị cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Và từ đó, không ít học sinh đã chạy trốn cuộc sống thực, lang thang tìm cuộc sống ảo trên không gian mạng. Việc sử dụng không gian mạng khi chưa đến tuổi trưởng thành và không có sự đồng hành của người lớn khiến trẻ phải đối diện không ít nguy cơ, hiểm họa.

Việc học trực tuyến kéo dài do Covid-19 ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của học sinh

Nguồn: https://vtc.vn/

Xây dựng hệ sinh thái gia đình - nhà trường - xã hội

- Vậy giải pháp căn cơ cho tình trạng này là gì, thưa bà?

- Có nhiều giải pháp, song tôi tâm đắc với việc xây dựng hệ sinh thái gia đình - nhà trường - xã hội, bởi sức khỏe tâm thần của trẻ em không phải trách nhiệm của một bộ ngành, một tổ chức, một nhà trường hay một gia đình, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Gia đình cần dành nhiều thời gian và sự quan tâm hơn tới con trẻ, gần gũi, chia sẻ, đồng hành với quá trình trưởng thành của các con; nhận biết, phát hiện sớm những bất ổn trong tâm lý con trẻ để can thiệp kịp thời. Thậm chí phải dũng cảm chấp nhận tình trạng sức khỏe tâm thần của con mình để có giải pháp chữa trị đúng; vì thực tế cho thấy, việc bố mẹ không dám công nhận điều ấy có thể gây hại cho con. Muốn vậy, đòi hỏi bố mẹ cần có kiến thức về sức khỏe tâm thần và kỹ năng hỗ trợ, tức là phải được học, được bồi dưỡng, tập huấn.

Với ngành giáo dục, cần có sự quan tâm đúng mức tới công tác tư vấn tâm lý học đường trong trường học, xây dựng văn hóa học đường để có môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đặc biệt, hiện nay, khi học sinh các cấp trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến, nhà trường phải vừa củng cố kiến thức để bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa quan tâm sức khỏe tâm thần, hạn chế áp lực đối với học sinh. Về lâu dài, chú trọng trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em thích ứng và vượt qua những khó khăn trong học tập và trong cuộc sống.

Dù giải pháp nào thì điều mà mỗi gia đình, mỗi nhà trường và toàn xã hội cần quan tâm nhất chính là hãy yêu thương con trẻ, giúp con trẻ biết tự yêu thương chính mình.

- Với vai trò là cơ quan phụ trách lĩnh vực giáo dục và trẻ em của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ làm gì để góp phần cải thiện tình trạng này?

- Nhiệm vụ của Ủy ban là sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan tới trẻ em, đặc biệt là Nghị quyết 121 của Quốc hội Khóa XIV Về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó có giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em. Từ Hội thảo Giáo dục về “Văn hóa học đường” (2021), Ủy ban cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về văn hóa học đường để hướng tới môi trường học đường lành mạnh, an toàn cho học sinh. Được biết, Chỉ thị đang trong quá trình xây dựng và sẽ sớm được ban hành.

Trước mắt, trên cơ sở tọa đàm vừa qua, Ủy ban sẽ tổng hợp ý kiến, kiến nghị nào mang tính cấp bách sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý ngay; vấn đề nào cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động thì sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia. Đồng thời, sẽ đồng hành với Chính phủ trong sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý để giải quyết căn nguyên các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần trẻ em.

- Xin cảm ơn bà!

Hương Linh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-hay-yeu-thuong-con-tre-g06aaer4io-82270