Bài cuối: Huy động sức mạnh tổng hợp và quyết tâm hành động

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về 'Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' là 'kim chỉ nam' cho con đường xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Tất cả đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô nêu cao tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý chí, huy động sức mạnh tổng hợp và quyết tâm hành động vì một Hà Nội 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'.

Tâm điểm sức mạnh văn hóa

Thay mặt Bộ Chính trị phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đặc biệt là Hà Nội phải hết sức coi trọng, tập trung quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết. Ngay sau Hội nghị phải tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và lộ trình để thực hiện Nghị quyết; phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đã đề ra; tạo bước chuyển biến rõ rệt về sự phát triển của Thủ đô; định kỳ hằng năm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã làm việc nghiêm túc, công phu để triển khai thực hiện. Ngày 26-8-2022, Chương trình hành động số 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được ban hành.

Điểm nổi bật của Chương trình hành động là tính “hành động” bằng các công trình, dự án cụ thể hóa 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra. Đây là cẩm nang để thành phố tổ chức thực hiện; các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở căn cứ để xây dựng kế hoạch, dự án, công trình đưa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ trở thành hiện thực sinh động trong đời sống Thủ đô. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngay thời điểm này là bắt tay vào hành động.

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là phải tăng cường công tác quy hoạch, sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch trên nền những giá trị trường tồn là “Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị” và kho tàng di sản vô giá với 5.922 di tích trải rộng khắp thành phố. Chất văn hóa, văn hiến phải thấm vào trong các quy hoạch quan trọng của Thủ đô, như: Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cũng như trong mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); quy hoạch, khai thác hiệu quả không gian, quỹ đất các khu vực tiềm năng như hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, các tuyến đường vành đai, nhất là Vành đai 4... Thành phố sẽ bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Từ những nội dung của Chương trình hành động, có thể thấy rằng, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải tập trung triển khai thực hiện thật sự có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, một vấn đề có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả là thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa; khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, triển lãm và phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế.

Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Do đó, nhiệm vụ của mỗi cấp mỗi ngành và mỗi địa phương là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội, cụ thể hóa những đặc điểm, tiêu chí của người Hà Nội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, đó là: “Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự ("Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An").

Các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn cần phát huy các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa; tăng cường nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng...

Dự án động lực Vành đai 4 và 3 lĩnh vực đầu tư trọng tâm

Song song với thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chương trình hành động, nhiệm vụ có tính cấp thiết, cấp bách đối với các cấp, các ngành thành phố là thực hiện những dự án, công trình quan trọng mà Trung ương đã giao và thành phố đã ban hành chủ trương, nghị quyết chỉ đạo vừa qua.

Cụ thể, nhiệm vụ số một lúc này là triển khai các nhiệm vụ xây dựng đường Vành đai 4, hoàn thành trước năm 2027. Trước mắt, tất cả phải tập trung thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, là khâu mở đầu quan trọng nhất, quyết tâm phấn đấu đến tháng 6-2023 phải hoàn thành 70% công việc và bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 12-2023 để kịp khởi công dự án vào tháng 6-2024.

Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, mà trước tiên là nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ thành phố xuống cơ sở. Đặc biệt, cần lưu ý rằng, dự án muốn thành công thì sự đồng thuận của người dân, của dư luận xã hội có ý nghĩa quyết định. Do đó, dù thực hiện khâu nào, công đoạn nào cũng phải quan tâm tuyên truyền, vận động để người dân, dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Muốn làm được điều đó, phải thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch; phải vận dụng tối đa các chính sách vì quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đặc biệt, phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân. Khi xảy ra vướng mắc, phải tiến hành ngay việc đối thoại để tìm tiếng nói chung.

Cùng với đó, nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt từ nay đến năm 2025 đối với các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở là phải thực hiện thành công Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Các dự án này không chỉ chăm lo cho những lĩnh vực dân sinh cần thiết nhất đối với mỗi người dân, mà còn chuyển hóa những tiềm năng văn hóa lịch sử rất to lớn của Hà Nội thành giá trị kinh tế, góp phần cải thiện diện mạo đô thị, nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Trong đó, về văn hóa, nhiệm vụ của cả thành phố là tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị. Những công trình trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia như: Hoàng thành Thăng Long, điện Kính Thiên, Cổ Loa, đền thờ Ngô Quyền... và 5.922 di tích đã được xếp hạng.

Về giáo dục, nhiệm vụ của chúng ta là đưa Hà Nội trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030, trong đó phấn đấu khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2; đến năm 2025, đầu tư xây dựng một số trường liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) có diện tích tối thiểu 5ha và có cơ sở vật chất ngang tầm các nước phát triển trong khu vực.

Về y tế, thành phố phải tập trung xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Trước hết, chúng ta phải ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ của Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30-35 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2025; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; phát triển y tế phổ cập, mô hình bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân. Năm 2025, hoàn thành xây dựng, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, 100% người dân Thủ đô được khám sức khỏe định kỳ hằng năm.

Quyết tâm của thành phố trong nhiệm kỳ này còn là phải thực hiện được Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô. Dẫu đây là việc rất khó khăn, nhiều thách thức, nhưng không thể không làm vì sự an toàn của người dân và diện mạo đô thị văn minh. 15 quận, huyện liên quan cần tiếp tục hoàn thiện đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn theo hướng bảo đảm tính khả thi, nhất là việc thực hiện các chính sách liên quan đến người dân và lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện. Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần chỉ đạo hoàn thiện và ban hành quy định của thành phố về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; hướng dẫn quy trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn thành phố...

Thực hiện bằng ý chí quyết tâm hành động cao nhất

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, trách nhiệm trước tiên và hàng đầu là của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Nhưng đồng thời, trong quá trình đó, không thể thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các bộ, ban, ngành trung ương; sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ, sẻ chia của các tỉnh, thành phố và đồng bào cả nước với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Đối với thành phố Hà Nội, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm và một ý chí khát vọng cao nhất. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải gương mẫu đi đầu, là những “đầu tàu” thực sự trong suốt quá trình thực hiện, càng về sau càng phải giữ vững sự kiên định và quyết tâm. Để làm được điều đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu. Trước mắt cần thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các đề án, kế hoạch củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng công tác đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên; nghiên cứu triển khai mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, bản lĩnh, đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô...

Cùng với yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, nội chính, tuyên giáo, tổ chức cán bộ, điểm quan trọng mà các cấp ủy, tổ chức Đảng phải quan tâm thực hiện tốt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo; đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, tăng tính chủ động, sáng tạo; chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; khắc phục bệnh bảo thủ, quan liêu, trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân...

Mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đặt ra rất nặng nề, khó khăn, nhiều thách thức, song đây cũng chính là cơ hội, là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đi lên, mà đích đến là xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một nơi đáng sống.

Quốc Bình

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nghi-quyet-doi-song/1040997/bai-cuoi-huy-dong-suc-manh-tong-hop-va-quyet-tam-hanh-dong