Bài cuối: Khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí MinhCùng với triển khai các phong trào thi đua và đạt hiệu quả mạnh mẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên thực hiện việc tuyên dương, khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, qua đó động viên mạnh mẽ toàn dân, toàn quân trong mọi chặng đường phát triển của đất nước.

Động viên mạnh mẽ toàn dân, toàn quân

Công tác thi đua được thực hiện liên tục nhưng chia thành từng đợt dài ngắn khác nhau, có thi đua định kỳ và thi đua đột xuất, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của tình hình đất nước, của kháng chiến và của các ngành, các cấp, các địa phương trong từng thời kỳ cụ thể. Mỗi đợt thi đua đều triển khai vận động, tuyên truyền, khuyến khích, kêu gọi và đặt ra nhiệm vụ, mục đích thi đua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, tháng 5.1952. Ảnh: TTXVN

Trong quá trình thi đua và sau mỗi đợt thi đua đều có kiểm tra, tổng kết, đánh giá và khen thưởng thành tích. Bên cạnh các hình thức, biện pháp như tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, các hình thức khen thưởng phong phú, là những phần thưởng có tính chất tượng trưng, như tặng cờ thi đua để thưởng cho các đơn vị hay cá nhân cán bộ chiến sĩ có thành tích tốt trong thi đua, hay đặt ra các giải thưởng danh dự, những danh hiệu: “Chiến sĩ thi đua”, “Anh hùng thi đua”, “chiến sĩ xung phong”… là sự động viên, thúc đẩy tinh thần thi đua của nhân dân.

Đồng thời với tổ chức phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo triển khai tổ chức Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc nhằm động viên toàn thể nhân dân tiếp tục hăng hái phấn đấu. Đây là một hình thức đẩy mạnh hiệu quả công tác thi đua trên toàn quốc.

Đại hội lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 5.1952 tại chiến khu Việt Bắc với sự có mặt của 154 chiến sĩ thi đua đại diện cho phong trào thi đua, lao động của các bộ, ngành đoàn thể từ Liên Khu 5 trở ra. Đại hội tuyên dương 7 anh hùng tiêu biểu cho công, nông, binh và lao động trí óc: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa và đề nghị Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. Đại hội đã đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm; động viên toàn dân, toàn quân ta tiếp tục lập nhiều thành tích, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Sau đó, Đại hội lần thứ hai vào tháng 7.1958 tại Hà Nộiđánh dấu những thành tích to lớn của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, động viên nhân dân phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa. Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, tháng 5.1962,biểu dương những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ thống nhất đất nước. Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ IV, tháng 12.1966,biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Hiệu quả thực chất, thiết thực

Các phong trào thi đua sôi nổi đã cổ vũ, khơi dậy, phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước, chung sức vượt mọi khó khăn, đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo đà vững chắc để nước ta bước vào hội nhập và phát triển. Những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 75 năm qua đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp Nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Có thể khẳng định, Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước. Đó cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng vẫn đang được Đảng, Nhà nước ta vận dụng hiệu quả phù hợp với tình hình mới cũng như nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân. Đến nay, các phong trào thi đua được thực hiện gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo động lực, niềm tin cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai công tác thi đua, cần lưu ý một số vấn đề để việc thi đua thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát động tinh thần thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân. Trong vấn đề này, cần phát huy vai trò của báo chí và các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền, quảng bá các tấm gương điển hình, tiên tiến.

Thứ hai, cần xây dựng nội dung, mục tiêu thi đua một cách thiết thực, khoa học, có kế hoạch và biện pháp cụ thể, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi đua. Vì các phong trào thi đua, các cuộc vận động đều nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết của các tổ chức trong một thời gian nhất định, nên nội dung phải cụ thể, tiêu chí rõ ràng, tránh chung chung dễ dẫn đến phong trào mang tính hình thức.

Thứ ba, phải đưa ra các hình thức khen thưởng về vật chất và tinh thần một cách kịp thời và hợp lý nhằm ghi nhận những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thi đua. Tuy nhiên, cũng cần tránh xu hướng tuyệt đối hóa việc thi đua để tránh gây nên bệnh thành tích trong các ngành nghề, lĩnh vực.

Thứ tư, cần coi trọng công tác tổng kết thi đua, rút ra những kinh nghiệm cần thiết từ việc thành công của các thi đua, những bài học từ những thiếu sót, sai lầm. Đó là cách tổng kết thực tiễn để bổ sung thêm lý luận, gắn lý luận với thực tiễn như lời Bác từng căn dặn.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-cuoi-khen-thuong-kip-thoi-dung-nguoi-dung-viec-i332128/