Bài cuối: Khơi thông những điểm nghẽn, tạo đà bứt phá

Bên cạnh những mặt thuận lợi, các HTX nông nghiệp kiểu mới cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời, hiệu quả.

Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới -- “Luồng gió mới” phát triển kinh tế tập thể

Các sản phẩm rau an toàn do HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Hợp sản xuất được bày bán trên các kệ hàng của Siêu thị BigC Thanh Hóa. Ảnh: Hương Thảo

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và thực hiện việc chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; với sự nỗ lực, quyết tâm của các HTX cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhìn chung, HTX nông nghiệp kiểu mới có bước phát triển rõ rệt, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, phát huy hiệu quả vai trò “bà đỡ”, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, các HTX nông nghiệp kiểu mới cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Những khó khăn của HTX vẫn xoay quanh các điểm mấu chốt: Chất lượng nguồn nhân lực, nguồn vốn, cơ sở vật chất, “đầu ra” cho sản phẩm”.

Lý giải cho điều này, ông Hải phân tích: Bên cạnh những nguyên nhân nội tại của HTX như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết thị trường, chất lượng dịch vụ chưa tốt; trình độ, năng lực cán bộ quản lý HTX hạn chế thì công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể còn hạn chế, chưa tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ, khuyến khích và phát triển HTX. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX tuy được ban hành tương đối đầy đủ từ Trung ương đến địa phương song do nguồn lực thực hiện còn ít, chưa hỗ trợ được nhiều cho các HTX. Số lượng HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là hỗ trợ tín dụng, chính sách giao đất, cho thuê đất còn hạn chế. Mặt khác, thủ tục vay vốn còn phức tạp nên nhiều HTX vẫn khó tiếp cận để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Điều này trả lời cho câu hỏi vì sao vốn là đơn vị có “thâm niên” hoạt động, một trong những HTX tiên phong trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, được đánh giá là mô hình HTX nông nghiệp điển hình của tỉnh Thanh Hóa, đến nay bài toán cho sự phát triển HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Hợp (DVNN&ĐN Hoằng Hợp) vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc HTX DVNN&ĐN Hoằng Hợp cho biết: “Hiện nay, phần lớn các HTX vẫn phải chịu cảnh “tạm bợ”, “vay mượn” trụ sở làm việc hoặc nếu có trụ sở cũng đã cũ kỹ, xuống cấp”. Ông Vinh thẳng thắn chia sẻ: “Nhà nước cũng đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn nhưng rất ít HTX có đủ điều kiện tiếp cận được”. Ví như trong trường hợp HTX muốn tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng cũng là cả một nỗi khó khăn. Bởi lẽ, phần lớn các HTX không có tài sản thế chấp; một số HTX có tài sản nhưng vẫn không đảm bảo điều kiện vay vốn của ngân hàng vì đó là tài sản tập thể, trong trường hợp rủi ro sẽ khó khăn cho việc thanh lý tài sản. Do đó, nếu HTX muốn tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thì phải chấp nhận thế chấp tài sản cá nhân, chịu lãi suất thương mại trong khi mức vay thấp. Ngay cả khi Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp thì nhiều HTX vẫn “chịu chết”, “đứng vòng ngoài thòm thèm nhìn vào” vì năng lực tài chính có hạn, không đáp ứng đủ điều kiện xét hỗ trợ là phải “góp vốn đối ứng theo dự án được phê duyệt nhưng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư”. Ngoài ra, hạn chế về trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin... là “rào cản” lớn đối với sự phát triển của HTX.

Cũng như phần lớn các HTX khác, tuy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những năm qua đạt kết quả tốt nhưng HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản xã Quảng Chính phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Phạm Bá Thảo, Giám đốc HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản xã Quảng Chính trăn trở, lo toan: “Xã Quảng Chính (Quảng Xương) từ lâu đã được biết đến là vùng có truyền thống nuôi trồng thủy sản với khoảng 176,3 ha nuôi nước lợ ven đê sông Yên và nội đê sông Hoàng; trong đó có 126 ha nội đê sông Hoàng đã được quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP”. Tầm quan trọng là thế nhưng ngần ấy năm trôi qua, “toàn bộ vùng quy hoạch 126 ha này không có điện sản xuất. Đây chính là bất cập, cản trở lớn nhất đối với sự phát triển nghề”. Bên cạnh đó, vùng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP được quy hoạch từ năm 2006. Sau 14 năm khai thác, sử dụng, đến nay, toàn bộ tuyến mương cấp thoát nước, tuyến đê nội đồng bị xuống cấp hoàn toàn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên HTX và Nhân dân”. Như để minh chứng thêm cho những khó khăn, trở ngại của các hộ nuôi trồng thủy sản trong điều kiện không có lưới điện sản xuất, hạ tầng xuống cấp, ông Thảo cho biết thêm: “Khoảng 40, 50% thành viên trong HTX có đủ điều kiện về năng lực tài chính, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm để đầu tư phát triển nghề từ phương thức quảng canh sang thâm canh nhưng cơ sở hạ tầng xuống cấp lại không có điện sản xuất nên người dân đành chịu”.

Ngoài ra, do đặc thù của nghề nuôi trồng thủy sản, tất cả các loại hình dịch vụ (giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, tiêu thụ sản phẩm...) đều phải thực hiện trực tiếp tại vùng nuôi. Trong khi đó, do những vướng mắc, khó khăn trong quá trình làm thủ tục cho thuê đất nên nhiều năm qua, mặc dù năng lực tài chính vững vàng nhưng HTX không có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng (trụ sở làm việc, nhà kho, nhà sơ chế, cửa hàng giới thiệu sản phẩm...). Vì vậy, để tạo điều kiện tốt nhất cho HTX phát triển, ông Thảo bày tỏ nguyện vọng: “Mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện đầu tư lưới điện sản xuất; phê duyệt cho HTX thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ nạo vét, tu bổ các tuyến mương, đê nội đồng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”.

Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, đảm bảo thực hiện mục tiêu mỗi xã phải có 1 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tăng cường năng lực của các HTX nông nghiệp để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tập trung phát triển các HTX chuyên ngành gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Đó là định hướng phát triển HTX nông nghiệp mà tỉnh Thanh Hóa hướng đến. Để “hiện thực hóa” điều đó, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về vai trò, hiệu quả của kinh tế tập thể, mô hình HTX kiểu mới; tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nhằm đổi mới, phát triển khu vực kinh tế hợp tác, HTX và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Theo đó, các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại HTX theo 3 mức độ hoạt động: Hiệu quả, trung bình, yếu kém; từ đó đề ra biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể, phù hợp với từng HTX trong việc thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng cơ cấu bộ máy quản lý gọn, linh hoạt và năng động. Khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển đa dạng hóa các dịch vụ; kiên quyết giải thể HTX hoạt động kém hiệu quả kéo dài, tạo dư địa cho thành lập HTX kiểu mới. Duy trì, củng cố, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX đang hoạt động hiệu quả và các HTX mới thành lập theo hướng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các HTX nâng cao chất lượng phương án sản xuất, kinh doanh, tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, vốn vay tín dụng; đào tạo tập huấn nâng cao năng lực trình độ; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX hoạt động chưa hiệu quả để đạt tiêu chí có hiệu quả... Tạo điều kiện cho các HTX tham gia hoạt động một số dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới như: Quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nước sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường, chợ nông thôn, ngành nghề nông thôn để các HTX tăng thêm việc làm và thu nhập cho các thành viên. Trong đó, tỉnh tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội để hỗ trợ các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm thông qua việc thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế tập thể với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết. Huy động các nguồn lực của ngành, địa phương tham gia hỗ trợ phát triển HTX. Tranh thủ sự tài trợ, hỗ trợ nguồn lực về tài chính và cơ sở vật chất của các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế, các nguồn tài chính hợp pháp khác, đặc biệt từ nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX...

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định 4752/QĐ-UBND ngày 29-12-2014 của Chủ tịch UBND tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo. Đề án xác định rõ việc tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới với mục tiêu: Giai đoạn 2021–2025, hỗ trợ xây dựng 80 mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới (mỗi huyện lựa chọn từ 2-4 HTX) với mục tiêu mở rộng loại hình dịch vụ kinh doanh của HTX, gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm giữa thành viên - HTX - doanh nghiệp. Ưu tiên thực hiện các mô hình HTX nông nghiệp gắn với sản phẩm đặc trưng làng, xã theo lợi thế của từng địa phương để hình thành các HTX nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP của địa phương; các HTX áp dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao, mô hình sản xuất cây, con đặc sản... theo hướng tạo giá trị gia tăng cao trong sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết bền vững. Đồng thời, tỉnh sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển mạnh mẽ, nhất là cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, đất đai, tài chính, tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực...

Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khat-vong-thanh-hoa/bai-cuoi-khoi-thong-nhung-diem-nghen-tao-da-but-pha/123814.htm