Bài cuối: Phát huy vai trò quần chúng, vạch mặt những kẻ lợi dụng tôn giáo để trục lợi

Những ngày đi thực tế tại Lai Châu, như nhóm phóng viên đã đề cập ở bài trước, trong các loại đạo lạ xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian gần đây, ngoài 'Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ' phải kể tới đạo lạ 'Bà Cô Dợ' và đạo' 'Âm thanh và ánh sáng'; đạo 'Con đường đổi mới'...

Công an tỉnh Lai Châu đã tăng cường các lực lượng xuống địa bàn trọng điểm, vừa đảm báo an ninh, trật tự tại cơ sở, vừa giúp dân làm kinh tế, ổn định cuộc sống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những đạo lạ ở Lai Châu không có giáo lý, giáo luật và tổ chức rõ ràng, chủ yếu vay mượn và mượn danh gắn với các tôn giáo lớn được Nhà nước công nhận hoặc dựa vào các tín ngưỡng dân gian để lôi kéo tín đồ, thậm chí mang nhiều yếu tố phản tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để lừa bịp, kiếm lợi bất chính.

Nhưng những đạo lạ này cũng đã thu hút rất nhiều người dân, mà đa phần là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế trong nhận thức, cả tin tham gia.

Từ các tài liệu mà cơ quan chức năng thu được và lời khai ban đầu của nhóm người tuyên truyền về đạo lạ cho thấy, đạo "Bà cô Dợ" viện dẫn lý lẽ: "Bà cô Dợ" được chúa trời chọn sinh ra Chúa tái lâm lần thứ hai, Chúa tái lâm sẽ cai quản thế giới trong 1.000 năm tới, Chúa tái lâm tiên đoán được nhiều sự việc ở trên thế giới và đem lại hòa bình cho thế giới.

Một số người theo đạo lạ đang được cán bộ Công an tỉnh Lai Châu phân tích về những âm mưu và luận điệu sai trái.

Ở lý lẽ tuyên truyền đạo trái pháp luật này, chúng ta phần nào bắt gặp lý lẽ của "Hội Thánh Đức Chúa trời" trong thời gian gần đây.

Thứ nữa, nhóm người này còn rỉ tai một số người rằng: Sắp tới có chiến tranh xảy ra, trời sẽ tối 3 năm 6 tháng, Chúa dạy cần tích nước, làm bếp ở trong nhà để đốt nhưng không được để lộ ánh sáng ra bên ngoài. Nếu để lộ ánh sáng ra bên ngoài thì chiến tranh sẽ đến nhà...

Mới nghe tưởng thật nực cười và khó lòng có ai có thể đi theo những lý lẽ đó, thế nhưng đã có nhiều người dân tại địa bàn các huyện Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ của tỉnh Lai Châu đã tin và theo "Bà cô Dợ".

Đã có những hộ dân chuẩn bị cả cá hộp, bếp than tổ ong với lượng tích trữ hơn 1.300 viên than, cộng củi khô, 3 tấn gạo, bún khô và hàng chục kg lạc để sẵn sàng sống trong những ngày "chiến tranh" mà "Bà cô Dợ" vẽ ra.

Công an tỉnh Lai Châu xác định, số người theo đạo "Bà cô Dợ" bị 2 người là Thào A Vềnh và Thào A Thề (đều trú tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) lôi kéo, dụ dỗ. Vềnh và Thề có quan hệ với một số đối tượng ở nước ngoài tuyên truyền để về dụ dỗ bà con trong bản chuyển từ đạo Tin Lành sang đạo mới có tên "Bà cô Dợ".

Số đối tượng ở nước ngoài đã “bơm” cho Vềnh, Thề và một số người khác ở địa bàn tỉnh Lai Châu số tiền khoảng 16.000 USD để cho nhóm này có kinh phí hoạt động, mua điện thoại di động cảm ứng để lên các trang mạng xã hội nghe các đối tượng từ nước ngoài trực tiếp tuyên truyền...

Khác với "Bà cô Dợ", một số người truyền đạo lạ lại nhắm vào người dân tộc thiểu số đang theo đạo Tin lành ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Chúng bám vào kinh thánh rồi soạn thảo ra tài liệu tuyên truyền mới có nội dung "Con đường đổi mới" và đã rủ rê được hơn 20 người theo đạo Tin lành ở một số bản cùng hẹn nhau lên rừng tụ tập cầu nguyện.

Các đối tượng cầm đầu được xác định là Thào A Chinh và Thào A Căn (trú tại 2 bản nói trên). Thậm chí 2 đối tượng này còn bắt người dân làm lễ nhịn ăn, tế thần linh và tổ tiên để cầu cho có đất và nước...

Còn về đạo "Pháp môn diệu âm" hay còn gọi là đạo "Âm thanh và ánh sáng", hiện chưa được công nhận là tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Những người dân theo đạo này có vẻ "ăn chơi" hơn các đạo lạ khác, khi được nhóm người cầm đầu đưa sang nước ngoài để nghe thuyết giảng và ngồi thiền.

Họ thường tổ chức sinh hoạt từ 20h đến 23h hàng ngày, với nội dung sinh hoạt chủ yếu núp dưới vỏ bọc là ngồi thiền, tĩnh tâm để cho cơ thể khỏe mạnh, không bị bệnh tật, nhưng sau đó mở đĩa CD của nước ngoài để cùng xem.

Đến nay, Công an tỉnh Lai Châu đã xác định, có gần khoảng 20 người tại địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đang bị dụ dỗ đi theo đạo này.

Cụ thể, vào khoảng tháng 9-2015, bà Vương Thị L. (60 tuổi, trú tại tỉnh Thái Bình) có quen biết với bà Phạm Thị Nh. (56 tuổi) là người trông trẻ cho một gia đình trên địa bàn xã Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu).

Bà L. được bà Nh. tuyên truyền và đưa cho một số sách và đĩa CD nói về giáo phái lạ ở nước ngoài. Đến ngày 18-11-2015, bà L., bà Nh. và khoảng 5 người khác đã xuất cảnh sang Thái Lan và đến tháng 12-2015 mới quay về.

Khi trở về, những người này cho biết, họ đã sang Thái Lan để dự khóa Thiền thất thứ 29 tại Chiềng Mai, do Minh sư của giáo phái này chủ trì.

Trở về Lai Châu vào những ngày đầu tháng 5-2018, phóng viên Báo CAND đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao, Lai Châu lại được chọn là địa điểm để các loại đạo lạ này "rủ nhau" nổi lên thời gian qua?".

Lai Châu nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, chỉ có diện tích hơn 9.000km² và dân số vào khoảng 425 nghìn người. Tuy nhiên, Lai Châu lại có tới 265km đường biên giới và có tới 20 dân tộc cùng sinh sống, trải dài trên những dãy núi cao trùng trùng điệp điệp, với dân trí còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nên dễ bị lôi kéo và gây khó cho lực lượng chức năng để phát hiện ngăn chặn.

Hơn nữa, phương thức truyền đạo của các hiện tượng đạo lạ này thường thô sơ theo hình thức “thế tục” bí mật và nửa công khai. Kết hợp với các hình thức lôi kéo, dụ dỗ, những người nhẹ dạ, cả tin, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nên rất khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng.

Thiếu tướng Lê Văn Bảy, Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Lò Văn Bích, Phó Giám đốc phụ trách công tác an ninh đã nhiều lần xuống các địa bàn cơ sở để nắm tình hình và chỉ đạo công tác ngăn chặn, xử lý các đạo lạ xâm nhập vào địa bàn.

Thiếu tướng Lê Văn Bảy cho biết, thời gian qua, các lực lượng Công an tỉnh, đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân và quần chúng có đạo được Nhà nước công nhận chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Qua phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nếp sống mới, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu, thế lực thù địch, người dân đã nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo luận điệu xấu của các đối tượng; đồng thời phát hiện, tố giác hoạt động của nhóm người có biểu hiện hoạt động trái pháp luật trên địa bàn với cơ quan chức năng.

Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác tôn giáo của tỉnh thành lập các tổ công tác, mở các cuộc vận động tuyên truyền, phản bác các luận điệu sai trái của đối tượng xấu; vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không tin, nghe theo đạo lạ…

Bên cạnh đó, lực lượng Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, sâu sát cơ sở, kịp thời phát hiện, răn đe, giáo dục các đối tượng từ nơi khác đến tuyên truyền đạo trái pháp luật, xử lý hành chính, yêu cầu cam kết không tái phạm và rời địa bàn…

Những ngày ở Lai Châu, chúng tôi nhận thấy, nhờ phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, có được sự ủng hộ của nhân dân, phát huy truyền thống của người dân có đạo sống “tốt đời, đẹp đạo” để họ trở thành nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cùng với việc Công an tỉnh Lai Châu chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tuyên truyền và ngăn chặn kịp thời số đạo lạ này khi mới chỉ "nhen nhóm" nên tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã cơ bản ổn định.

Người dân đã tránh được những hệ lụy xấu và những xáo trộn đến đời sống sinh hoạt, bà con an tâm sản xuất, góp công sức mình cùng phát triển đời sống kinh tế lâu bền và xây dựng quê hương Tây Bắc thân yêu…

Anh Hiếu - Trần Xuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/bai-cuoi-phat-huy-vai-tro-quan-chung-vach-mat-nhung-ke-loi-dung-ton-giao-de-truc-loi-494285/