Bài cuối: Viết tiếp những yêu thương

Dịch Covid-19 đang kiểm soát tốt, TP Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Nhiều địa phương cùng các tổ chức vẫn tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ người nghèo thành thị để không người dân nào bị thiếu ăn, đứt bữa.

Bài 1: Những mảnh đời cần sự sẻ chia

Bài 2: Không để ai bị bỏ sót

Bài 3: Nhiều giáo viên gánh bão

Bài 4: Nhường cơm, sẻ áo với người nghèo

Xây dựng kịch bản hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương thông tin: Cùng với việc tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, Hội đang triển khai mua ủng hộ 400 cái chổi chít và 30.000 gói tăm của Hội Người mù quận Hà Đông. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục kêu gọi tiêu thụ sản phẩm tăm được làm từ nguồn Hội Người mù quận Hà Đông đã nhập để tránh bị ẩm mốc, mối mọt. Đồng thời luôn quan tâm đến hội viên phụ nữ, trẻ em yếu thế, người khuyết tật, người thuê trọ trên địa bàn gặp khó khăn bằng những phần quà, bữa ăn hàng ngày.

Ngoài việc quan tâm tới những người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, UBND các phường thường xuyên đi thăm hỏi, bám sát đối tượng bị tổn thương vì Covid-19 để nắm bắt nhu cầu, từ đó có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời giúp họ giảm bớt khó khăn. Phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) đã chỉ đạo xây dựng kịch bản phương án hỗ trợ với các tình huống khác nhau.

 Công an phường Khương Đình, quận Thanh Xuân phát quà hỗ trợ cho người khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Chiến Công

Công an phường Khương Đình, quận Thanh Xuân phát quà hỗ trợ cho người khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Chiến Công

Mức hỗ trợ sẽ được cân đối theo nguồn quỹ Vì người nghèo và khả năng tham gia của các nhà tài trợ. Nếu các nhà hảo tâm ủng hộ nhiều, mức hỗ trợ đối với gia đình khó khăn là 1 triệu đồng và gạo, dầu ăn, gia vị, mỳ tôm. Các hộ khó khăn đột xuất, phường thống nhất mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ. Hiện nay, phường Cửa Đông đã yêu cầu các tổ trưởng tổ dân phố tiếp tục rà soát, nắm bắt các trường hợp có diễn biến đột xuất, kịp thời báo cáo phường để xử lý.

Không chỉ vậy, cách một ngày, các lãnh đạo, hội, đoàn thể một số phường, xã lại đến Tổng kho chương trình “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19” tại ngõ 43 phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) nhận lương thực thực phẩm, để không người dân nào bị đứt bữa. Các tổ trưởng tổ dân phố sẽ trực tiếp đưa những phần quà đến tận tay người khó khăn một cách nhanh nhất và đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội.

Anh Nguyễn Phan Huy Khôi – Sáng lập viên của chương trình cho nay: "Khi làm việc với Ủy ban MTTQ, đoàn thể và chính quyền các cấp, khớp các số liệu và rà soát đối tượng trên địa bàn, phát hiện rất nhiều người bị ảnh hưởng Covid-19. Có những gia đình trước đây không phải hộ nghèo hay cận nghèo nhưng cũng rất vất vả mưu sinh, tìm nguồn thu nhập trong cuộc sống. Vì thế, chúng tôi kéo dài chương trình hết ngày 30/4 để san sẻ với chính quyền và người dân, cùng nhau vượt qua đại dịch".

Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng

Khi tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH rà soát, khảo sát tình hình lao động tại các DN và trên địa bàn TP bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có văn bản gửi 30 quận, huyện, thị xã đề nghị khảo sát theo từng loại đối tượng.

Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42-CP/NĐ ngày 9/4/2020 về các giải pháp hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ rất cao của các ban, ngành, tổ chức, người dân. Bởi đây là chính sách nhân văn, thiết thực, kịp thời và đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều người dân, nhất là những hộ bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, kể cả những hộ kinh doanh cá thể, các DN vừa và nhỏ.

Để nhanh chóng triển khai Nghị quyết 42, trong khi chờ đợi Thủ tướng ký ban hành Quyết định thực hiện, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã yêu cầu các Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, UBND 30 quận, huyện và thị xã rà soát, báo cáo các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo các biểu mẫu. Khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương tiếp tục rà soát lại, áp vào từng đối tượng và triển khai. Như vậy, đồng tiền hỗ trợ sẽ đến được với các đối tượng nhanh, kịp thời, đúng, đủ.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân, các đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo được các xã, phường, thị trấn xác định ngay. Bởi đã có sự tổng hợp thống kê, báo cáo hàng năm, không có biến động lớn. Vì thế, khi các bộ, ngành có hướng dẫn, UBND TP có chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện thì 4 đối tượng này được thụ hưởng chính sách ngay...

“Đây là chính sách chưa có tiền lệ, vì vậy chúng tôi đề nghị các quận, huyện, thị xã phải rà soát nhanh, tập trung nguồn lực về con người, phương tiện, điều kiện để phân công phân nhiệm cụ thể, rõ ràng xác định các đối tượng một cách nhanh nhất. Từ số liệu các quận, huyện, thị xã báo cáo, chúng tôi tập hợp số liệu báo cáo UBND TP để cân đối nguồn lực và có quyết định hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết 42” – ông Dân cho hay.

Đối với những trường hợp khác không thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị quyết 42 như: Giáo viên, người lao động làm trong các trường ngoài công lập, TP đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, rà soát để có chính sách hỗ trợ đặc thù. Hiện nay, các sở, ngành đã rà soát, thống kê giáo viên và người lao động ở các trường ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thành ủy và UBND TP đã có chủ trương xem xét hỗ trợ cho đối tượng người lao động trong các đơn vị sự nghiệp của TP tự chủ tài chính, đang phải tạm dừng việc. Sở Tài chính sẽ tham mưu cho TP mức hỗ trợ các đối tượng, có thể được lấy từ ngân sách TP và các nguồn lực khác. Theo kế hoạch, từ tháng 4 đến tháng 6/2020, sẽ thực hiện chi trả cho các đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định tại Nghị quyết 42...

Hy vọng, Nghị quyết 42 với trên 62.000 tỷ đồng với trên 20 triệu người được thụ hưởng, cộng với những sự giúp đỡ, sẻ chia “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, mọi người dân trong xã hội không ai bị đói cơm lạt muối. Qua đó, Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng sẽ vẽ nên bức tranh tuyệt vời trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như luôn sự yêu thương, san sẻ với nhau, để những truyền thống tốt đẹp vẫn mãi được lưu truyền.

Trước 30/4, hai đối tượng sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân thông tin, theo Nghị quyết 42/NĐ-CP, Sở LĐTB&XH và Sở Tài chính trình UBND TP Hà Nội, 2 đối tượng có thể xem xét và ra quyết định được hưởng hỗ trợ trước ngày 30/4. Đó là, gần 78.000 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và gần 185.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Các đối tượng khác, hiện nay các quận, huyện đã có rà soát bước đầu và báo cáo về Sở LĐTB&XH Hà Nội. Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ căn cứ về tiêu chí, điều kiện được nêu trong Quyết định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, để xác định một cách cụ thể, tránh trường hợp bỏ sót đối tượng, hiện tượng tiêu cực sau này.

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cuoc-chien-chong-covid-19-dan-ngheo-thanh-thi-khong-don-doc-bai-cuoi-viet-tiep-nhung-yeu-thuong-382630.html