Bài cuối: Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc cho Thủ đô

Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng toàn dân. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xung quanh công tác này.

Các chiến sĩ Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội giúp nhân dân chữa cháy xưởng gỗ tại phường Phú Lương (quận Hà Đông). Ảnh: Hoàng Hải

- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa XI) khẳng định quan điểm “Củng cố quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao”. Thưa đồng chí, chủ trương đó đã và đang được lực lượng vũ trang Thủ đô thực hiện như thế nào?

- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) ngày 25-10-2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) ngày 22-9-2008 về “Tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 16-4-2018 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”, Luật Quốc phòng năm 2018, các nghị quyết, chỉ thị, văn bản, hướng dẫn của trên, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Công tác này luôn gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân sát thực tiễn.

Nổi bật là việc quy hoạch, quản lý nhà nước về quốc phòng được chú trọng; quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng, củng cố hệ thống công trình chiến đấu, công trình phòng thủ phù hợp với quy hoạch trên từng địa bàn. Lực lượng vũ trang Thủ đô được xây dựng ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Các ngành, địa phương coi trọng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao khả năng huy động nguồn lực của địa phương; “thế trận lòng dân” được quan tâm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới.

- Vậy kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng khu vực phòng thủ của thành phố Hà Nội là gì, thưa đồng chí?

- Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố ban hành kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng và xây dựng khu vực phòng thủ. Việc phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Thủ đô với các sở, ban, ngành thường xuyên được nâng cao nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quan điểm xây dựng khu vực phòng thủ cho đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân.

Trong xây dựng khu vực phòng thủ, thành phố luôn chú trọng về thế trận quân sự và công trình quốc phòng; tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh toàn diện. Cùng với đó, chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị bộ đội thường trực, dân quân tự vệ và dự bị động viên được chú trọng nâng cao.

- Ngoài lực lượng chính quy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có sự chuẩn bị gì để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc?

- Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân đòi hỏi phải phát huy được tổng lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Do vậy, Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ động tham mưu cho thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số lĩnh vực như: Tuyển quân, động viên quốc phòng, huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng dự bị động viên theo kế hoạch hằng năm.

Trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có chất lượng chính trị cao, gồm lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, có binh chủng chuyên môn kỹ thuật cần thiết, được tổ chức phù hợp với từng địa phương, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, được huấn luyện tốt, có tỷ lệ đúng chuyên môn quân sự cao; bảo đảm khả năng động viên được ngay, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi được huy động.

Bộ Tư lệnh Thủ đô còn chú trọng chỉ đạo việc diễn tập khu vực phòng thủ quận, huyện, thị xã và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, phường, thị trấn sát với tình hình địa phương.

- Thời gian tới, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sẽ tập trung vào những mặt công tác nào để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới?

- Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xác định sẽ luôn chủ động nắm chắc và dự báo sớm tình hình, tham mưu đúng, trúng, kịp thời, đồng bộ, giúp Thành ủy, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, hiệu quả các mặt công tác quân sự, quốc phòng. Tập trung tham mưu cho thành phố ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, hướng dẫn công tác quân sự, quốc phòng địa phương; đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gắn với củng cố thế trận, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh…

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng và toàn dân, nhất là cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, chức sắc, chức việc tôn giáo, học sinh, sinh viên. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, lực lượng thường trực được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm tinh, gọn, mạnh.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyên Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/953510/bai-cuoi-xay-dung-khu-vuc-phong-thu-vung-chac-cho-thu-do