Bài cuối: Xây dựng khung khổ pháp lý thuận lợi

TS. Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dụcChủ trương, chính sách về đẩy mạnh tự chủ đại học bước đầu đã chứng minh tác dụng tích cực đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học. Tuy nhiên, để có thể phát huy được tối đa những lợi ích do tự chủ đại học mang lại, cần thiết phải xây dựng được một khung khổ pháp lý thuận lợi giúp cho việc thực hiện tự chủ đại học đi vào thực chất, hiệu quả.

Cần đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho giáo dục đại học. Nguồn: vnu.edu.vn

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tự chủ đại học đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới, phát huy được sự chủ động, sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong thực hiện nhiệm vụ, sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển bền vững đất nước là một việc quan trọng và rất khó. Vì thế, cần có quyết tâm cao, tiếp cận đúng hướng, nghiên cứu toàn diện, và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình tự chủ đại học với những bước đi hợp lý, cùng hệ thống giải pháp hợp lý, khả thi.

Thống nhất trong nhận thức, đồng bộ trong hệ thống pháp luật

Thứ nhất, nghiên cứu xác định mô hình tự chủ đại học phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Các quy định pháp luật về thực hiện tự chủ đại học hiện nay ở Việt Nam hiện nay cho thấy, cách tiếp cận về tự chủ đại học của Việt Nam chịu ảnh hưởng của mô hình tự chủ đại học ở châu Âu. Tuy nhiên, việc áp dụng, phát triển mô hình quản trị tự chủ toàn diện như một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến châu Âu là vô cùng khó khi điều kiện thực tiễn ở Việt Nam có những đặc thù riêng cả về thể chế chính trị, văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội.

Vì vậy, rất cần xác định một cơ chế phù hợp để có thể phát huy hiệu quả thực sự của thiết chế Hội đồng trường, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sự phối hợp của các thiết chế quyền lực trong nhà trường đại học; đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa nhà trường với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học. Tự chủ đại học có thực sự đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào các quy định có tính rõ ràng và khả thi của Luật cũng như hệ thống văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành. Vì vậy, trước hết cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật GDĐH phù hợp với điều kiện thực tiễn và có hiệu quả nhất, bảo đảm chính sách, pháp luật về tự chủ đồng bộ và cụ thể. Chẳng hạn, cụ thể hóa điều kiện, thẩm quyền và thủ tục giải thể hội đồng trường; nguyên tắc hoạt động và quan hệ phân cấp, phân quyền giữa hội đồng đại học với hội đồng trường thành viên; quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể về việc thành lập hội đồng trường (hay không) trong cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH thuộc khối quốc phòng, an ninh.

Khung pháp lý về tự chủ đại học không chỉ được điều chỉnh bởi Luật GDĐH mà hoạt động GDĐH còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp trong các luật liên quan, dẫn đến chồng chéo, vướng mắc cho các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ. Chẳng hạn, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không đồng bộ với Luật GDĐH trong việc cho phép cơ sở giáo dục được sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách; Luật Ngân sách Nhà nước không đồng bộ với Luật GDĐH trong việc quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, quyết toán tài chính... Do đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH, cần quan tâm đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong các đạo luật có liên quan nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thay đổi phương thức đầu tư

Thứ ba, đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho GDĐH. Cần nghiên cứu để quy định về cơ chế tài chính phù hợp với thực tiễn của Việt Nam theo hướng tăng phân quyền, giao thêm quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH về tài chính, tài sản và đầu tư. Thay đổi phương thức đầu tư theo hướng chuyển từ đầu tư theo dòng kinh phí - hạng mục sang phân bổ kinh phí theo khoán kinh phí và cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ, linh động sử dụng nguồn kinh phí đó theo nhu cầu phát triển một cách hiệu quả nhất theo khuôn khổ quy định pháp luật.

Đồng thời, xác định chi phí đào tạo bình quân và suất đầu tư của từng nhóm ngành đào tạo làm cơ sở cho việc tính đúng, tính đủ học phí; từ đó xác định mức học phí cần thu (trên cơ sở tổng chi phí đào tạo bình quân trừ đi khoản kinh phí hỗ trợ của Nhà nước) để bảo đảm chất lượng đào tạo. Nhà nước mở rộng phạm vi, đối tượng và giá trị hỗ trợ, cho vay đối với học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, xem xét xây dựng lộ trình nâng tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho GDĐH tính trên GDP bắt kịp với các nước trong khu vực. Đầu tư tập trung cho một số cơ sở GDĐH mạnh, nhất là trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để hình thành một số cơ sở GDĐH đẳng cấp quốc tế, tiên phong có vai trò, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống, tạo động lực dẫn dắt, phát triển khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy quyền chủ động của cơ sở giáo dục đại học

Thứ tư, xây dựng chính sách cải cách tiền lương và đẩy mạnh quá trình tự chủ trong các trường đại học để tạo quyền chủ động cho các cơ sở GDĐH thu hút, giữ chân người tài, chuyên gia đầu ngành. Cùng với việc triển khai thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương, cách chi trả tiền lương theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc; đồng thời có giải pháp đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa quá trình tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH.

Thực tế, mặc dù chính sách tiền lương cho giảng viên thời gian qua có nhiều cải cách, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở GDĐH công lập trong tuyển dụng và giữ chân giảng viên trẻ, nếu các trường không có chính sách hỗ trợ. Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng chính sách phát huy quyền chủ động cho các cơ sở GDĐH trong chi trả tiền lương để có thể thu hút, tuyển dụng đội ngũ giảng viên trẻ, được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến trên thế giới, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế.

Thứ năm, nâng cao năng lực thực hiện tự chủ; đổi mới quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình. Đổi mới quản trị đại học là một tiến trình mang xu thế toàn cầu nhưng việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể của từng quốc gia, cơ sở GDĐH. Vì thế, cần có sự đổi mới về nhận thức và sự đồng thuận về chính trị từ các cơ quan quản lý đến các cơ sở GDĐH về sự cần thiết phải đổi mới quản trị đại học, đặc biệt đối với các cơ sở GDĐH công lập.

Tăng cường, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý và thực hiện đổi mới quản trị đại học gắn với thực hiện tự chủ đại học, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH. Nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát, còn ở cấp trường, Nhà nước giao các cơ sở GDĐH quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình. Nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo quản lý để có những năng lực mới phù hợp với yêu cầu của sự đổi mới.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/bai-cuoi-xay-dung-khung-kho-phap-ly-thuan-loi-i328486/