Bài dự thi “Biển, đảo Việt Nam”: Tất cả đều nói lời cảm ơn!

Thời gian qua, ngư dân Cà Mau trong khi hoạt động đánh bắt trên biển đã phát hiện và cứu sống được nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau khi họ đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Gần đây nhất, ngày 2-6-2009, tàu cá KG 9386 TS, do anh Nguyễn Hữu Vũ làm thuyền trưởng cứu vớt 1 người nước ngoài đang trôi dạt trên biển và đưa vào bàn giao cho Đồn BP Sông Đốc.

Tại Đồn BP Sông Đốc, qua điều tra xác minh được biết, nạn nhân tên là Mi Phô Cung Sóc, SN 1969, quê ở ấp Tà Pen, xã Băng Priêu, huyện Sệ Ấm Bul, tỉnh Kok Công, Cam-pu-chia. Theo lời anh Cung Sóc kể lại, cách đây khoảng 3 tháng, anh lên tỉnh lỵ Kok Công tìm việc làm thì gặp 1 người bạn tên Ni, hai người rủ nhau sang Thái Lan làm thuê. Ngày 10-5-2009, họ đến đất Thái và xin được việc làm dưới 1 tàu đánh cá của ông chủ tên Tò Ke. Sau đó, ông Tò Ke lại gửi 2 người sang tàu khác, nhưng khi lên tàu ra biển thì chỉ còn 1 mình Cung Sóc, Ni được chuyển đi đâu không rõ. Trên hành trình của mình, con tàu nhỏ bé cứ thẳng hướng biển mênh mông mà chạy, Cung Sóc không hề “định vị” được mình đang đi đâu, về đâu. Trong đêm tối, trên tàu khó ngủ, một người bạn tàu đã kể cho anh nghe về tương lai của một thuyền viên trên tàu. Qua lời kể của bạn, Cung Sóc biết được lao động trên tàu vô cùng cực khổ, chủ tàu sẽ không cho vào bờ về thăm gia đình nếu chưa làm được từ 3- 5 năm trên biển. Hình dung ra một “viễn cảnh” không tốt đẹp, Cung Sóc nảy sinh ý định phải thoát khỏi con tàu này. Tàu chạy liên tục 3 ngày đêm mới đến vùng đánh bắt. Quan sát thấy có tàu cá của Việt Nam, lợi dụng sơ hở của thuyền trưởng, Cung Sóc nhảy xuống biển và bơi về phía tàu cá của Việt Nam. Sự liều lĩnh “vượt ngục” thành công khi anh được tàu cá KG 9836 TS cứu vớt đưa lên tàu chăm sóc và cho ăn uống. Anh Nguyễn Hữu Vũ, thuyền trưởng tàu KG 9836 kể lại: “Ngày 18-5-2009, khi tàu anh đang câu mực ở 7o15’ vĩ Bắc, 103o19’ kinh Đông, thì phát hiện thấy có người đang ngoi ngóp lúc nổi, lúc chìm ở cách tàu khoảng 100m. Lập tức, anh tổ chức cho anh em ngư dân cứu người. Sau 1 ngày chăm sóc, cho ăn uống, nghỉ ngơi, nạn nhân khỏe trở lại. Thấy sức khỏe của nạn nhân ổn định, anh cho tàu tiếp tục hoạt động cho đến ngày 2-6 đưa vào trình báo và bàn giao cho Đồn BP Sông Đốc. Vừa qua, tại Tây Ninh, Cung Sóc được BĐBP Cà Mau và các cơ quan hữu trách bàn giao cho đại diện Nhà nước Cam-pu-chia để về đoàn tụ với gia đình. Cách đây chưa lâu, BĐBP Cà Mau cũng đã tiếp nhận một người nước ngoài, tên Vôn Đăm Xỉ Ma, quốc tịch Lào, bị nạn trên biển được tàu cá của ngư dân ở cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau cứu sống. Người trực tiếp cứu sống nạn nhân là anh Phạm Văn Liệt, nhà ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Anh Liệt kể lại, tàu của anh đang hoạt động nghề lưới trên biển thì phát hiện một người đang trôi vật vờ theo sóng. Khi vớt lên thì nạn nhân gần như bất động, người lạnh ngắt chỉ còn thở thoi thóp. Thấy vậy, anh lập tức lệnh cho anh em thu lưới và chở nạn nhân vào bờ báo cho Đồn BP Khánh Hội. Đồn tiếp nhận và tổ chức hồi sức cấp cứu cho nạn nhân. Sau mấy ngày được chăm sóc, nạn nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh và ngay sau đó được chuyển về Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau. Tại đây, anh cho biết tên là Vôn Đâm Xỉ Ma, SN 1981, quê ở Pặc Nguồn, Viên Chăn, Lào. Xỉ Ma và 4 người bạn rủ nhau sang Thái Lan tìm việc và anh được nhận làm thuyền viên trên một chiếc tàu đánh cá tư nhân. Trên tàu có khoảng 50 người nhưng chỉ có 6 người Thái Lan, số còn lại đều từ Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia. Xỉ Ma cho biết: Đã 7 năm anh và các bạn tàu không được vào bờ, không được liên lạc với gia đình. Làm việc cực khổ, lại thường xuyên bị ngược đãi nên anh nhảy xuống biển với hy vọng mong manh được tàu khác cứu sống. Hy vọng của anh đã thành hiện thực. Không riêng gì Cung Sóc và Xỉ Ma, trong thời gian qua, ngư dân và BĐBP Cà Mau còn cứu sống hàng chục người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau khi họ đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Như các nạn nhân tên Na-va-pol, SN 1966; Rom Chăn Non Phên, SN 1962; Xay Xa Phon đều mang quốc tịch Thái Lan; Shai Fuezani Bin Mo Ha Mad, quốc tịch Ma-lai-xi-a. Sau khi được cứu vớt và chăm sóc, rời khỏi Việt Nam về nước, họ đều bịn rịn, lưu luyến. Tất cả đều nói lời cảm ơn người Việt Nam hiền lành, nhân hậu./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=351206&co_id=30179