Bài dự thi giải cờ đỏ: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa: Hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Bài 1

Chương trình hành động số 46 -Ctr/TU ngày 26/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh: Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng khô hạn của cả nước.

Những năm qua công tác bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế, cần nhiều giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Bài 1: Hồ chứa thủy lợi – lợi ích và nguy cơ

Thủy lợi giữ vai trò quyết định cho sự tăng trưởng về diện tích, năng suất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời giữ gìn môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, nguy cơ vỡ đập thủy lợi, nhiều hồ chứa thủy lợi bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng… được ví như những quả “bom nước”, là mối lo ngại thường trực của tất cả mọi người.

Dân hưởng lợi

Huyện Hàm Thuận Nam, thời gian trước đây là một trong những địa phương khô hạn của tỉnh. Hiện nay vào mùa mưa các hồ chứa trên địa bàn cơ bản tích đầy nước, đảm bảo tưới tiêu cho cây thanh long, lúa và cung cấp đảm bảo nguồn nước cho các nhà máy nước, để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Khu vực xung quanh hồ chứa nước Đu Đủ từ ngày nối mạng thủy lợi đã trở thành một màu xanh bạt ngàn của cây thanh long tươi tốt.

Nông dân Hàm Thuận Nam hưởng lợi từ hồ thủy lợi.

Những người nông dân chân chất như ông Huỳnh Văn Kiệt – thôn Phú Thọ, xã Hàm Cường đang hưởng lợi từ nguồn nước hồ Đu Đủ. Gia đình ông Kiệt đang sản xuất hơn 2.000 trụ thanh long gần khu vực hồ chứa vui mừng chia sẻ: Nơi này vốn là một vùng khô hạn, trước đây việc sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương vô cùng khó khăn do thiếu nguồn nước, nhất là vào mùa khô. Từ khi có nguồn nước thủy lợi đến nay, hiệu quả sản xuất thanh long của gia đình được nâng lên đáng kể.

Cắm bảng cấm tại công trình hồ chứa nước Đu Đủ (Hàm Thuận Nam).

Theo ông Kiệt, là một trong nhiều hộ dân được hưởng lợi, ông nhận thức bản thân, gia đình và người dân cần có ý thức bảo vệ an toàn hồ chứa, tiết kiệm nước tưới, không xả rác, không xâm phạm an toàn hành lang hồ chứa để góp phần bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, nhất là vào mùa mưa bão. Từ khi có hồ, người dân luôn có ý thức chung tay bảo vệ công trình thủy lợi cùng đơn vị chức năng. Khi phát hiện thấy dấu hiệu nghi vấn hoặc có người lạ vào xâm phạm, phá hoại ở khu vực công trình, ông lập tức báo ngay cho cán bộ quản lý hồ để kịp thời giải quyết…

Hồ Lòng Sông (Tuy Phong)

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Bình Thuận sau hơn 30 năm tái lập tỉnh (1992), từ một địa phương khô hạn, chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ (gồm 144 công trình, trong đó có 4 hồ chứa, 8 trạm bơm, còn lại là 131 đập dâng và ao bàu nhỏ) với năng lực thiết kế tưới 27.400 ha, tưới chủ động cho 11.000 ha. Nhưng đến nay, toàn tỉnh đã có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực tưới thiết kế 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3, bao gồm 21 hệ thống hồ chứa nước, 35 hệ thống đập dâng, 18 hệ thống trạm bơm, 4 hệ thống kênh nối mạng…

Điểm nổi bật là được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã nỗ lực, dồn sức đầu tư, hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn như hồ Sông Quao, Cà Giây, Sông Lòng Sông, dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, đập dâng Tà Pao, hồ Sông Dinh 3, hồ Sông Móng, hồ Sông Lũy… Đồng thời, ưu tiên đầu tư các kênh chuyển nước đến các vùng khô hạn và bãi ngang ven biển; xây dựng 15 tuyến kênh nối mạng với quy mô chiều dài 265 km, đang phát huy hiệu quả tốt với nhiệm vụ tiếp nước, tưới tăng vụ 19.700 ha và mở rộng khu tưới 18.000 ha… Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay, thủy lợi Bình Thuận đã có 2 sự thay đổi lớn, khi sử dụng nguồn nước ở các lưu vực sông bên ngoài tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao là nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi và Nhà máy thủy điện Đại Ninh…

Điều tiết nước qua tràn.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nhờ được đầu tư tốt các công trình, đặc biệt là sáng kiến làm kênh nối “mạng” thủy lợi, đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm. Đồng thời cung cấp nước đáp ứng, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Cũng nhờ có thủy lợi mà ngành nông nghiệp của tỉnh đã phát triển nhanh, đã thật sự tạo niềm tin sâu sắc trong nhân dân về chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước. Dấu ấn thủy lợi đã góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tăng nhanh số hộ nông dân làm giàu chính đáng, nhiều vùng nông thôn đã khởi sắc, người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Đây là một thành quả rất lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, huyện, ngành mang tính quyết định, đầy ý nghĩa cho một tỉnh khô hạn như Bình Thuận.

Lũ về khu vực đập dâng Tà Pao vào cuối tháng 7/2023.

Thách thức trước biến đổi khí hậu

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, nguy cơ vỡ đập thủy lợi, nhiều hồ chứa thủy lợi bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng… Đó là những thông tin thời sự được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông vào cao điểm mùa mưa bão năm 2023. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, sau các đợt mưa lũ kéo dài, nhiều hồ thủy lợi ở Tây nguyên đã bị sụt lún, sạt trượt, hư hỏng nghiêm trọng.

Riêng tại Bình Thuận, để tính toán tích trữ, cân đối nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân vào mùa khô cũng không hề dễ dàng. Ngược lại vào mùa mưa, việc đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn vùng hạ du càng đòi hỏi sự chủ động và góp sức của không riêng gì đơn vị chủ quản. Vào thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8/2023, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng do ngập lụt nhà cửa, cây trồng, công trình đường giao thông nội đồng…

Kênh chuyển nước hạ du hồ Đu Đủ.

Thời điểm ấy, các hồ chứa trong tỉnh hầu hết đã tích đầy nước, một số hồ chứa lớn như hồ Phan Dũng, Lòng Sông, Sông Móng… đều phải điều chỉnh tăng lượng nước điều tiết nước qua tràn để đảm bảo an toàn hồ chứa. Cùng với đó, đơn vị chủ quản đã kịp thời thông báo cho các địa phương và nhân dân vùng hạ lưu chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại do xả lũ.

Đơn cử tại huyện Hàm Thuận Nam, hiện trạng công trình đa số tuyến kênh, nhất là kênh Sông Móng – Đu Đủ, Đu Đủ - Tân Lập – Tà Mon là công trình kênh đất, nên quá trình điều tiết gặp nhiều khó khăn. Cá biệt, có những đoạn đang là điểm yếu, xì nước gây thất thoát.

Theo ông Phạm Văn Nghĩa – Trưởng Trạm quản lý hồ Đu Đủ - Tân Lập cho biết: Trước và trong mùa mưa bão 2023, Công ty Khai thác công trình thủy lợi – Chi nhánh Hàm Thuận Nam đã chủ động ứng phó với tình hình thời tiết, kiểm tra hiện trạng các công trình và tổ chức phân công phòng, trạm trực mưa bão 24/24 giờ tại các hồ chứa. Đối với công tác chống hạn vào mùa nắng phải trực vận hành, điều tiết phân chia nước cho người dân sản xuất, sinh hoạt hợp lý, chống lãng phí.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 49 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 442 triệu m3. Nhiệm vụ cấp nước tưới ổn định 3 vụ/năm cho hơn 41.000 ha đất canh tác, đồng thời cấp nước thô cho các nhà máy nước sinh hoạt khoảng 124.000 m3/ngày đêm. Đến nay tỉnh thực hiện đầu tư nâng cấp được 17 hồ, còn lại 14 hồ chứa xuống cấp chưa được sửa chữa, trong đó 7 hồ đã có kế hoạch vốn nâng cấp.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bai-du-thi-giai-co-do-bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-va-an-toan-dap-ho-chua-hai-hoa-loi-ich-kinh-te-xa-hoi-va-moi-truong-bai-1-111312.html