Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: 'Mùi công nghệ' và những ngăn ký ức

Cái Tết năm nào cũng vẫn đến như một quy luật. Nhưng con người thì khác với tâm thế đón Tết cũng khác.

Ký ức xưa vẫn được xếp gọn ở trong lòng những người trọng quá khứ, hoài cổ, như làng tôi và nhiều ngôi làng xung quanh. Nhưng nó hằn lên lo lắng trong tâm trạng người yêu nền nếp gia phong, yêu cái Tết đậm đà xưa cũ nhưng đầy sự xốn xang đến tươi rói.

Mấy năm qua, mẹ tôi vẫn lắc đầu nhìn mấy đứa cháu, mỗi khi về quê vùng ngoại thành Hà Nội nghỉ Tết mà chẳng chịu đi chơi chợ, ngu ngơ không biết hỏi thăm ai, cứ cắm mặt vào điện thoại, nhắn tin, Facebook. Mà còn ít tuổi đâu, lộc ngộc học đại học cả rồi. Dường như chúng vô cảm. Vô cảm với cái Tết cổ truyền. Chúng đón Tết theo cách của chúng, thích đắm mình vào thế giới ảo, ngại giao tiếp, ngại làng việc nhà, ngại mở lòng ra với những khoảnh vườn đầy nắng, hoa xuân và tiếng chim. Chúng không xôn xao hẹn hò bạn bè cùng giúp gia đình rửa lá dong, gói bánh, chất củi lửa luộc bánh và hồi hộp chờ chín.

Tuổi thơ trên đồng xuân. Ảnh: Nguyễn Văn Học.

Mẹ thở dài: “Bọn trẻ giờ khác quá. Chả biết đong cảm xúc, thưởng thức mùi xuân. Chỉ thích mùi công nghệ”. Tôi thưa: “Bọn trẻ giờ phải “ngửi” mùi Cách mạng công nghiệp 4.0 rồi, nó khác ạ, không còn biết nhớ bao vẻ đẹp giản dị”. Mẹ lại thở dài: “Ừ, mà mẹ cứ nghe trên tivi nhắc mãi đến chuyện trí tuệ nhân tạo nó thay thế bộ óc con người. Chẳng phải sau này máy móc cũng đón Tết thay con người hết hay sao?”.

Nghe tiếng mẹ, tôi như thấy có điều gì quý giá lắm đã mất đi. Vô hình. Thảng thốt. Đúng là cái mới và cái cũ, tâm thế giữa người trẻ và người già đang cách biệt một khoảng lớn, ngày càng rộng. Tôi ngậm ngùi khi thấy mẹ buồn bã. Nhưng càng ngậm ngùi hơn khi thấy bỗng nhiên mẹ nhắc đến công nghệ. Cũng ví von mùi hương Tết cũ của bánh trái, hoa quả và so sánh với mùi công nghệ hiện đại.

Từ mấy năm nay, mấy đứa cháu gọi điện về, nói với mẹ tôi: “Bà ơi, năm nay bà chẳng cần vất vả gói bánh chưng. Chúng cháu có ăn được mấy mà chỉ tội bà vất vả. Quê mình dịch vụ tốt lắm rồi. Bà cứ gọi điện sang mấy bác chuyên kinh doanh, họ mang đến tận nhà”. Mẹ dỗi: “Không được, bà gói bánh là để ôn lại ký ức, là gói cái tấm lòng người, nhắc nhở vẻ đẹp của Tết. Không tự tay làm, cái gì cũng đi đặt, thì còn gì không khí xuân nữa”. Bọn trẻ là vậy. Học và làm việc ở phố, giờ cái gì cũng chỉ cần ngồi một chỗ “nhấn nút” là có người ship đến tận nơi. Nên ý nghĩ của chúng và người lớn tuổi cứ ngày càng cách biệt.

Cũng như mẹ, tôi lo công nghệ tấn công vào ngõ ngách đời sống. Trước mắt, điện thoại thông minh đang “đầu độc” những cái Tết của giới trẻ. Không cần thăm nhau, hỏi han, chúc mừng, mà tất cả đều được làm qua điện thoại. Ngay cả đi chùa, cũng “đi online” (!) Trước đây, làng tôi có tục đụng hoa. Làng chia thành mười xóm. Mỗi năm, một xóm sẽ chịu trách nhiệm dành một ô đất rộng trồng hoa Tết cho cả làng. Năm nào hoa Tết cũng đủ đầy, khoe sắc trong náo nức. Nay nhiều làng hoa chuyên nghiệp lên ngôi, lai tạo, nhân giống nhiều hoa đẹp, hiện đại, chỉ cần ngồi nhà gọi điện là họ mang đến tận làng. Cái đề xuất bỏ tục “đụng hoa” là của đám trai trẻ ngày nay. Người già muốn giữ nhưng không thắng được những lý lẽ của người trẻ. Người già hì hụi tiếc. Vậy là, tục đụng hoa của làng, như tục đụng lợn có từ hàng trăm năm đã không còn nữa, chỉ còn trong ký ức.

Ảnh: Đào Thanh Tuyền.

Ký ức cứ xếp chồng những kỷ niệm cũ, mới, sắc màu của Tết xưa và nay. Nhưng sao tôi bồi hồi đến thế? Công nghệ làm sao trả lại cho làng tôi sự bền chặt ngày xưa? Công nghệ làm sao đưa được mùi vị thật vào đêm giao thừa, vào lối ứng xử văn hóa, nhân văn đầy tình cảm? Không. Không có gì thay thế được. Nhiều nhà văn hóa đồng cảm, sự tiện ích chiếm lĩnh đời sống, khi rô bốt có cảm xúc như con người, thì Tết cổ truyền, tình cảm giữa người với người, tình cảm gia đình sẽ ra sao?

May thay không khí xuân và không gian vườn nhà vẫn đậm đà ấm cúng. Mẹ vẫn cặm cụi gói bánh và cặm cụi làm những món ăn cầu kỳ. Tôi ủng hộ việc làm của mẹ, vì biết đó là niềm vui của mẹ và lòng luôn xốn xang theo tâm thế của người hoài cổ. Mẹ vẫn muốn các thành viên được chạm tay vào nề nếp truyền thống. Lòng người già vẫn thích có dịp để gia đình gắn kết hơn, hiểu hơn về giá trị của Tết. Tiếc là điều đó không chạm được vào lòng bọn trẻ…

NGUYỄN VĂN HỌC
(Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-mui-cong-nghe-va-nhung-ngan-ky-uc-156083.html