Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Nhớ Tết tuổi thơ nơi núi rừng Ngàn Hống

Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ vùng trung du của miền Trung nắng gió. Nhà tôi ở nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, dãy núi điệp trùng chín mươi chín ngọn, ngày hè nghe tiếng thông reo, mùa xuân tha hồ ngắm hoa rừng nở.

Mùa nào rừng núi cũng đẹp. Mỗi mùa là một thế giới màu sắc khác nhau. Hè đến, lá thông khô rụng vàng ươm như trải thảm cả rừng núi. Hoa bìm bìm, hoa bươm bướm trắng mộng mơ khắp các bụi cây, leo lên cả những ngọn thông cao ngất. Hoa sim, hoa mua, hoa móc, tím ngát nơi nơi, trái chín mọng, múp rụp, ăn vào ngọt ngay, cái miệng đứa nào đứa nấy đen nhánh nhựa trái cây rừng. Dâu đất (hay còn gọi là trái mâm xôi) đỏ mọng, tươi rói, chỉ nhìn thôi là nước miếng cứ chực tuôn ra, ăn vào ngọt, thanh và thơm đến lạ.

Lễ hội bắt cá cầu may dưới chân núi Ngàn Hống - tên gọi khác của núi Hồng Lĩnh. Ảnh: IT.

Mùa thu, cây thông khẳng khiu, các loài cây bụi thi nhau thay lá. Cả núi rừng vàng mơ như khu vườn cổ tích. Đông về, thông xanh rì, căng đầy nhựa sống. Cây cối đều khoác lên mình chiếc áo xanh thẩm. Tất cả như thu mình lại để chống chọi với cái lạnh cắt da vào những cơn gió bấc, mưa phùn não nề của trười đất.

Cả núi rừng bỗng nhuốm màu u tịch, trầm mặc lạ thường. Cả khu rừng như thu mình vào giấc ngủ đông, ấp ủ nhựa chờ cuộc sinh sôi năm mới. Thường mùa này, lũ trẻ chúng tôi ít vào rừng hơn. Chờ đến cuối đông, khi cái rét căm căm đã lùi vào ngày cũ, những tia nắng ấm áp mảnh mai lấp ló sau đám mây mờ, núi rừng như trở mình tỉnh giấc. Tôi có cảm giác như đây là quãng thời gian đẹp nhất của núi rừng Ngàn Hống quê tôi vậy.

Hình như mấy tháng mùa đông, cây cối đã âm thầm tích nhựa căng tràn, chờ đến giây phút giao mùa để bật lên lộc biếc. Tôi cảm nhận được sự chuyển mình rạo rực trong từng thớ gỗ, nhành cây. Nắng vừa ương nhẹ thôi, chồi non đã bật nẩy lên. Đây đó, những nụ hoa đã nhú vội phía sau nách lá. Cả núi rừng bắt đầu vào một mùa mới, tưng từng sức sống và ngập tràn sắc hoa.

Khắp núi rừng Hồng Lĩnh bừng lên rực rỡ. Hoa lá reo vui bản nhạc sắc màu. Chim chóc, ong bướm rập rờn trẩy hội, ríu rít hoan ca. Và lũ trẻ chúng tôi thì khấp khởi trong lòng chờ Tết.

Ngày ấy chỉ có Tết, bọn trẻ con chúng tôi mới mong được may quần áo mới. Những đứa con gái chúng tôi cứ ước ao có bộ đồ hoa mặc vào sáng mùng một Tết. Cả thị trấn đều nghèo. Những ngày giáp Tết, tôi được mẹ cho đi chợ cùng, nhiệm vụ là trông xe đạp cho mẹ mua sắm. Hàng Tết được bày la liệt ra cả hai bên đường trước chợ. Nào là lá dong gói bánh, miến dong, hương trầm, rồi gạo nếp, rồi thịt lợn, chỗ này mấy cái bu nhốt đầy gà, chỗ kia là sạp măng khô, mộc nhĩ.

Trời thì rét căm căm, lại mưa phùn lớp nhớp, vậy mà chợ cứ đông nghìn nghịt. Người mua sắm tất bật hỏi han, trả giá, nhộn nhịp vô cùng. Vậy nhưng điều thu hút sự quan tâm của tôi lúc đó lại không phải những gian hàng đồ ăn, thức uống, áo quần trẻ con, mấy mẹt pháo Tết hay hàng hoa đào rừng chi chít những nụ.

Tôi luôn tìm cách dắt xe đạp lại đứng cạnh hàng câu đối Tết của những ông đồ tân thời (không mặc áo dài khăn đóng). Những cặp câu đối viết trên những tờ giấy dọc màu đỏ, còn gọi là giấy điều, nhỏ to, dài ngắn đủ kích cỡ. Chữ quốc ngữ có, chữ Hán nôm có, tất thảy đều mang ý nghĩa tốt đẹp cho năm mới. Những câu đối viết sẵn treo đỏ rực cả một khoảnh chợ. Thú nhất là được tận mắt nhìn các ông đồ múa bút viết nhoằng cái là ra những dòng chữ thư pháp như rồng bay, phượng múa. Đứng xem mà tôi cứ mắt tròn mắt dẹt, lòng đầy thán phục. Tôi cứ nghĩ chắc những thầy đồ này phải tài ba lắm. Có lẽ, đây là gian hàng đông khách nhất chợ. Bởi phong tục quê tôi ngày ấy, bất kể nhà nào dù giàu hay nghèo, ngày tết cũng phải có đôi câu đối đỏ treo ở hai bên ban thờ, nơi trang trọng nhất của phòng khách.

Tan buổi chợ, tôi ngồi vắt vẻo trên cái gác ba ga, xung quanh treo nhủng nhẳng đủ thứ thực phẩm, lá dong, nào gà, nào nếp. Trước ghi đông xe, mẹ tôi treo cặp câu đối đỏ cuộn cẩn thận cho vào túi bóng, một tay tôi ôm ngang hông mẹ, một tay giữ cố định cành đào rừng trên vai. Vừa đi, hai mẹ con tíu tít đủ chuyện nhìn thấy trong chợ Tết. Về đến nhà, bố vội vàng lấy nước vào lọ lộc bình bằng sứ to, đốt gốc cành đào để cắm vào. Đây là kinh nghiệm dân gian nhằm giữ nhựa cho đào được tươi lâu.

Đi chợ ngày Tết. Ảnh: IT.

Mọi việc chuẩn bị đã xong, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, trang hoàng đâu đó. Tôi vẫn còn chờ trông một việc, nếu mà không có chắc Tết với tôi không có ý nghĩa gì. Tối ba mươi, sau khi xong hết mọi việc, nồi bánh chưng đã đỏ lửa, bếp lửa ngùn ngụt như xua đi cái lạnh giá heo may. Mấy chị em ngồi trông bếp, má đứa nào cũng ửng lên phúng phính, nứt nẻ. Mẹ tôi cặm cụi may những bộ đồ Tết cho chị em chúng tôi. Chờ mãi vẫn chưa may xong, tôi díp mắt đi ngủ trước. Khi tiếng pháo giao thừa đì đùng khắp thị trấn, tôi choàng tỉnh. Mẹ tủm tỉm mang những bộ đồ mới may xong cho chúng tôi thay. Vậy thôi là cả mùa xuân ập đến trong lòng tôi.

Sáng mùng một Tết, mấy chị em xúng xính diện đồ mới ra ngoài sân tung tăng, tung tẩy như cố ý khoe áo mới vậy. Bây giờ, cái thị trấn nhỏ bé ngày xưa đã phát triển thành thị xã sầm uất. Mọi thứ chỉ cần ra siêu thị mua một lúc là xong. Ấy vậy mà tôi lại cứ thèm cái cảm giác được đi chợ Tết, thèm được xúm xít phụ giúp bố mẹ gói từng cái bánh chưng, chăm chút từng cành hoa đào đón Tết, thèm cái cảm giác được mặc chiếc áo hoa và chờ nhận những bao lì xì đỏ thắm… Thèm lắm cái Tết tuổi thơ …

PHẠM PHƯƠNG LAN
(TP.HCM)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-nho-tet-tuoi-tho-noi-nui-rung-ngan-hong-156945.html