Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Tết của hồi ức

Có những chiều mang nỗi nhớ ra ngóng chờ giữa phố thị, chỉ để đợi chuyến xe cuối ngày từ núi xuống tranh thủ hít hà những phẳng phất của gió trời quê hương. Cuốn lịch treo tường đang mỏng dần, tháng Giêng đã rất gần. Như một đứa trẻ thơ tôi vẫn mong đến Tết để trở về, về tìm lại vía mình trong sâu thẳm lòng thung, trong ấm áp của bếp lửa nhà sàn đêm đêm đỏ lửa.

Khi những đồi cọ đã bắt đầu rụng quả, hoa “khảo quang” chớm nụ điểm trắng tinh khôi trên nền xanh của núi rừng ấy là Tết đã rất gần. Tết ở quê tôi có gì đó thật đặc biệt, từ những ngày đầu của tháng Chạp, không khí mùa xuân đã tràn ngập khắp các nóc nhà sàn. Người Tày quê tôi không có ngày ông Công ông Táo lên trời, người dân quê tôi đi nhờ Thầy cúng, thầy Tao, thầy Pụt xem ngày tốt cho gia đình và làm lễ cúng gia tiên.

Ảnh: Hà Huy.

Sau khi đã chọn được ngày tốt, mọi công việc được cả nhà hối hả chuẩn bị, bởi vì đây là lễ lớn nhất trong năm của người Tày để cúng tạ tội tổ tiên cũng như cầu một năm mới con cháu mạnh khỏe, bình an. Ngày cúng gia tiên với người Tày quan trọng hơn bữa cơm tất niên, chính vì vậy hôm cúng gia tiên các thành viên trong gia đình đều trở về đầy đủ. Sau khi lễ cúng gia tiên đã kết thúc thầy cúng sẽ dán giấy đỏ khắp các cột nhà, thành bếp, cầu thang… để báo với tổ tiên là gia chủ đã làm xong lễ cúng. Và đặc biệt mỗi dịp Tết đến từ trẻ nhỏ đến người già sẽ được thầy cúng buộc cho một sợi chỉ đỏ vào cổ tay mà người Tày quê tôi gọi là “kháy khoăn”, con gái đeo tay trái, con trai đeo tay phải. Sợi chỉ đỏ đó giống như bùa hộ mệnh của những người đeo nó trên tay.

Tết trong tôi còn là kí ức về những ngày tháng tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình và bạn bè. Nếu như ví cuộc đời là một quyển vở trắng thì trên những trang vở của tôi luôn nở rộ muôn sắc màu hoa núi, rộn ràng tiếng muông thú của rừng già. Tôi sinh ra, lớn lên và được bao bọc từ núi rừng nên những kí ức về ngày Tết quê hương cũng rất đặc biệt. Ngày xưa, cứ những ngày gần Tết buổi sáng đến trường, buổi chiều lại thắt dao ngang bụng lên rừng lấy củi.

Chẳng ai hẹn ai nhưng cứ tầm 1 giờ chiều là từng tốp người ồn ào ở đầu suối Cốc Then đợi nhau, những câu chuyện ở lớp, những ước mong về Tết làm chúng tôi quên đi hết mệt nhọc của những con dốc. Con gái ở bản tôi thường thi nhau đi lấy củi, nếu như gầm sàn nhà ai mà củi chất đầy lên tận sàn nhà thì cả làng ai cũng tấm tắc khen con gái nhà đó thật chăm chỉ và giỏi giang. Trẻ con mà ai chẳng thích được khen, cứ như vậy cho đến tết là nhà nào củi cũng đầy sàn.

Ngoài những buổi đi gánh củi, lũ trẻ bản tôi còn dành những ngày cuối cùng của tháng để đi lấy cỏ trâu. Cỏ trâu phải lấy sau cùng để giữ được độ tươi và để được lâu thì chúng tôi mới yên tâm đi chơi hội mà không sợ bị bố mẹ gọi về chăn trâu. Và cũng có năm được nghỉ Tết sớm thì tôi lại cùng các bác trong bản đi gánh lá dong để bán cho người dưới xuôi. Hồi đó thích lắm chỉ cần có vài chục để mua áo mới diện Tết là niềm vui lớn nhất của lũ trẻ miền núi như tôi.

Ở quê tôi còn có tục đụng lợn Tết, những ngày cận Tết thích nhất là cái cảm giác 3 - 4 giờ sáng khi vạn vật vẫn im phăng phắc giữa lớp sương mù dầy đặc mà bếp lửa được nhóm lên sáng rực, nồi nước sôi sùng sục trên bếp nhà sàn và một lúc sau cả làng được đánh thức bằng tiếng kêu của những chú lợn béo được nuôi từ đầu năm để chờ Tết.

Mẹ bên nồi bánh chưng Tết. Ảnh: Trịnh Thị Thứ.

Vậy là Tết đã về thật rồi. Buổi chiều 30 khi nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ, tôi cùng mẹ gói bánh lưng gù - một loại bánh đặc trưng của người Tày. Hầu hết các bà, các mẹ trong bản vẫn thích hương vị của bánh truyền thống đó là bánh đen. Bánh đen được làm rất tỉ mỉ và công phu, nguyên liệu chính là từ tro của cây vừng đen. Cây vừng đen được rửa sạch, phơi khô và đốt lấy tro sau đó trộn với gạo nếp đã ngâm sẵn. Khi gói bánh phải buộc lạt thật chặt để khi luộc bánh không bị méo mó.

Những chiếc bánh đầu tiên được vớt ra khỏi nồi sẽ được dâng lên tổ tiên để thắp hương. Và có một tục lệ tốt đẹp đến ngày nay người Tày quê tôi vẫn duy trì đó là đi tết thầy cúng chiều 30, những chiếc bánh chưng nóng hổi sẽ được người cao tuổi nhất trong nhà gói bằng lá dong thật vuông vắn và thêm 5 lá trầu, một miếng vỏ cây ăn trầu để tết thầy. Hình ảnh những đứa trẻ đeo nải chàm đi giữa bảng lảng chiều sương cứ quẩn quanh mãi trong kí ức của tôi mỗi khi Tết về.

Cây nêu đã dựng trước chái nhà sàn, cành đào được cắm ngay ngắn giữa gian nhà thứ 3, những chum rượu ngô xếp đầy góc bếp để chờ đón một năm mới. Tết về, chẳng cần mong điều gì lớn lao chỉ cần năm nào cũng được quây quần bên bếp lửa cùng mẹ khâu còn, làm yến để chờ ngày hội Lồng Tông.

TRỊNH THỊ THỨ
(Tuyên Quang)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-tet-cua-hoi-uc-156653.html