Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Tết là để nhớ

Đã 3 cái tết, tôi không còn thấy vui rộn ràng, thấy cần lên lịch đi đến vùng đất này, bãi biển kia, thấy chộn rộn mua mua sắm sắm biếu tết gì cho ba cho mẹ. Bởi ba thì đã không bao giờ còn có thể chê bai bất cứ món ngon nào trong mâm cỗ ngày tết. Bởi mẹ thì vì lý do sức khỏe khi tết về chỉ có thể nhớ thương tết ở nơi xứ người lạnh lẽo trắng xóa tuyết rơi.

Tôi chợt nhận ra sự bận rộn tất bật của người người nhà nhà, sự lo lắng khi tết về và dường như mọi buồn vui có nguyên nhân “tết về” chỉ là do ta có gia đình, có cha mẹ, có một ai đó mỗi con người cần chuẩn bị một cái tết thật tinh tươm đủ đầy. Hóa ra, việc chen chúc nhau ở chợ, xếp hàng trong mệt mỏi chỉ để mua cho được một vài cân giò thật ngon thật thơm để về biếu ông bà tặng ba mẹ. Chấp nhận trả một cái giá đắt hơn mọi ngày chỉ để có được những trái bưởi thật mọng nước thật đẹp, những cây mai, cây đào, cây quất thật to, thật nhiều hoa, trĩu trái để ngắm được nụ cười trên da mặt nhăn nheo của người mà ta gọi là ba là má.

Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Tết trong ký ức thời thơ ngây, tôi từng có những ấm ức trẻ con là tại sao gia đình mình, ba mẹ mình chỉ có vài món ăn cứ như… không ăn những món đó thì ngày đó không phải ngày tết. Như món Lẩu thập cẩm có cái mùi nấm đông cô rất nồng, có bong bóng cá, có thịt heo vo viên, có cá thác lác, có cải thảo, có tôm có mực… Có quá nhiều thể loại thịt gây ngán và phải ăn từ ngày 30 tết hâm đi hâm lại ăn cho đến hết mùng 3. Như món chân giò hầm măng chỉ cần nhìn thấy cái chân giò là đã gây ra cảm giác chán ăn và buồn bã nơi một đứa trẻ… chỉ thích ăn cá như tôi. Như món mứt chà là, hồng khô, táo khô… những món mứt mà những năm 90, ba tôi vô cùng tự hào vì gần như gia cảnh phải khá giả mới có những loại mứt này đãi khách. Ba tôi tự hào vì gia đình chúng tôi là người Hoa, tự hào có táo tàu vừa thơm vừa ngọt vừa rất độc đáo, có trái chà là không phải ai cũng được ăn và biết đến thứ trái này.

Là một đứa trẻ, là một cô bé mới lớn và thậm chí cho đến khi là một phụ nữ trưởng thành; tôi vẫn ghét những loại mứt ấy. Tôi vẫn chỉ thích mứt dừa sên chung với lá dứa cho màu xanh mát, mứt cà chua vừa là lạ vừa chua chua vừa ngòn ngọt; mứt khế xào gừng cay cay nồng nồng nhưng ngọt lịm cho ra dư vị của hạnh phúc của niềm vui khi được ăn một miếng mứt uống một ngụm trà… Tôi không hiểu không giải thích được tại sao ba vẫn cứ thích những món của người Hoa và đều đặn gần 40 năm tôi được là con ba thì năm nào tôi cũng thấy chỉ có đúng những món đó trong mâm cỗ tết, trên bàn thờ tết.

Tôi cũng không tìm ra được lý do vì sao mẹ cứ phải canh khổ qua đều đặn từ năm nay đến năm kia suốt gần 40 năm. Tôi cũng chứng kiến món chè kho - đậu xanh đãi vỏ tán nhuyễn nấu chung với đường và gừng- luôn là món chẳng đứa con nào của mẹ thích ăn nhưng mẹ vẫn kiên trì nấu mỗi khi tết về. Như thể nếu như tết của mẹ mà không có canh khổ qua, không có chè kho thì mẹ sẽ không có tết, gia đình tôi sẽ bị một lời nguyền… năm mới bị khổ sở, cái khổ sẽ bám víu chứ không trôi qua nếu không ăn canh được nấu từ trái khổ qua.
Có một người từng nói với tôi, thức ăn là sợi dây tâm thức níu giữ tâm linh từ thế hệ trước đến thế hệ sau, thức ăn là sự kết nối thắt chặt giúp con người chúng ta thấu hiểu nhau.

Tôi không tin vào câu nói này lắm, cho đến những cái tết gần đây, khi hiểu ra vì sao ba cứ phải có những trái táo tàu trong món mứt tết, có món lẩu bong bóng cá nồng mùi nấm đông cô, mẹ cứ phải có chè kho của người Hà Nội. Thì bởi ba mẹ tôi cũng nhớ thương ba mẹ mình, nhớ ông bà nội, nhớ ông bà ngoại, nhớ những cái tết khi còn rất bé chính họ từng được ông bà cha mẹ cho ăn những món ngon ấy vào dịp lễ tết.

Tôi cũng không muốn giải thích với con trai con gái vì sao tôi lại nấu món lẩu lạ lùng, món lẩu mà tôi không ăn vì không chịu được mùi nấm. Vì sao tôi vẫn chịu khó thức dậy từ 4 giờ sáng ngày 30 tết để đãi đậu nấu chè, dù biết trong gia đình vẫn chỉ có mỗi mình tôi sẽ ăn món chè lạ lùng này.

Bởi tôi nhận ra, chúng ta, ai ai cũng sẽ một ngày chợt hiểu những thắc mắc trong lòng mình, chợt ăn năn đã bao nhiêu cái tết mình bỏ lỡ không ở nhà ăn cơm cùng ông bà cha mẹ, chợt nhận ra tết không có ba không có mẹ không có ông bà không có một ai đó thật khó tính khó nết để ta bận rộn chuẩn bị tết thì sẽ là một cái tết vô vị không cảm xúc nao nao rộn ràng.

Ai rồi sẽ có lúc nhận ra trong lòng mình tết là để nhớ, tết là để thương, tết là để hiểu, tết là ba mẹ, là thời khắc ta nhớ mình đã là con cháu của ai, gia đình ông bà mình từng thích gì yêu gì, tin tưởng vào điều gì.

MAI PHÚC QUYÊN
(TP.HCM)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-tet-la-de-nho-154504.html