Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Tết nhà xưa

Đã hơn mười năm kể từ cái Tết cuối cùng nơi chôn nhau cắt rốn, tôi chưa được thực sự hưởng trọn vẹn hương vị Tết quê hương trong kí ức tuổi thơ!

Phải là người đã từng đi xa, đã từng trải qua những cái Tết nơi xa lạ mới hiểu hết được cái ấm áp và hạnh phúc khi được trở về bên gia đình trong những ngày đầu năm mới. Mấy năm liền, khi còn là sinh viên, tôi ăn Tết xa nhà. Quê tôi xứ Bắc, tôi lại học ở một thành phố biển miền Nam Trung bộ. Năm đầu, sáng ngày mùng Một Tết, tôi nằm khóc rấm rứt vì nhớ quê, nhớ mẹ. Năm khác, tôi đi làm, làm xuyên giao thừa, khi pháo hoa nổ đì đùng chào năm mới thì chúng tôi, những sinh viên nghèo xa xứ tất bật với order, với cà phê cho khách... và năm khác nữa, tôi đi rửa chén thuê trong những ngày đầu năm mới... khi người người, nhà nhà du xuân tấp nập rộn ràng.

Là sinh viên nghèo, tấm vé về quê ăn Tết còn hằn lên những nhọc nhằn của cha của mẹ. Được đi học đã là điều may mắn lắm, còn đòi hỏi gì hơn? Tranh thủ mấy ngày Tết kiếm tiền, ra năm sẽ đỡ được một khoản kha khá để đóng tiền học, nghĩ vậy, tôi phấn chấn lên, cô đơn đấy, tủi thân đấy, nhưng bù lại, tôi có thể giúp đỡ bố mẹ phần nào! Đến khi ra trường, lại lập gia đình riêng, vẫn là cái Tết xứ Bắc nhiều phong tục, nhưng vẫn không thể có được cảm giác gần gũi như ở quê mình. Có lẽ vì chưa quen, chưa thân đó thôi. Bởi vậy, những lúc ngồi lặng một mình, tôi vẫn nhớ Tết quê nhà da diết.

Ra chợ. Ảnh: Đặng Hoàng Thái.

Hương vị Tết những năm tháng tuổi thơ tôi nơi quê hương là mùi khói bếp nồng đượm, màu lá dong xanh mướt, là nồi bánh chưng to đang bốc lên những làn khói nghi ngút... Tết trong tôi còn là tiếng pháo đì đùng đêm ba mươi, là tờ lịch mới treo trên bức tường loang lổ, là tiếng cười rộn rã của cả nhà khi dọn dẹp quét tước sân vườn, lau chùi nhà cửa, là cành đào bích trước cửa nhà nở rộ những hoa… Dường như trong không khí nô nức ấy, ai cũng hi vọng nhà cửa sạch sẽ tinh tươm sẽ đem lại một năm mới an lành hơn, no ấm hơn.

Những năm thơ ấu, tôi thích nhất được ngồi xem ông nội, bác và bố tôi bẻ lá dừa làm khung, cắt và đo lá dong gói bánh. Gạo nếp, đỗ xanh, thịt... đã được bà nội và mẹ tôi ngâm tẩm ướp từ chiều, để ráo. Những đôi tay gân guốc nhọc nhằn vì đồng ruộng lúc bấy giờ trở nên khéo léo lạ thường, thoăn thoắt gói, buộc... Chẳng mấy chốc mà từng chồng bánh vuông vức cứ cao dần lên... Trẻ con chúng tôi thường được người lớn gói cho mấy cái bánh nhỏ, nhiều thịt, nhiều đỗ hơn, để khi vớt bánh, chúng tôi thưởng thức luôn không chờ đợi. Mùi vị bánh chưng còn nóng khác hẳn với những miếng bánh đã nguội từ lâu. Nó thơm mùi đỗ, mùi tiêu, mùi lá dong, và ngậy vị thịt mỡ… mắm muối nêm vừa miệng, xắn một miếng đủ đầy đưa lên miệng, thật là thần tiên!

Ngày Tết, do nhà tôi đông người, các bác các chú và bố tôi còn thịt chung một con lợn. Vào ngày mổ lợn, thật là rộn rã. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng cười nói xôn xao... tôi có cảm giác như nhà có hội. Rồi chia thịt, rồi giã giò. Đôi tay khỏe mạnh của bố tôi cầm hai cái chày giã theo nhịp, thịt quết lại, hồng hồng, deo dẻo. Rồi sau đó là gói, là luộc... Tết có giò, có thịt là ấm cúng.

Tết đối với tôi còn là buổi sáng mùng Một, mẹ mặc cho chị em tôi những bộ quần áo mới tinh. Xúng xính, chị em tôi theo bố mẹ đi chúc Tết ông bà, các bác, các chú. Kể cũng lạ, giờ quần áo mới mua nhiều hơn, đẹp hơn, thời trang hơn, tôi vẫn không cảm thấy háo hức bằng việc có được manh áo mới ngày Tết xưa ấy. Nó sung sướng như một cái gì tinh sương, nó dịu dàng như mưa phùn đầu xuân... thật đơn giản mà ấm áp biết bao. Với con tôi bây giờ, chúng không có vẻ vui mừng tột độ trước những bộ quần áo mới như chúng tôi xưa kia vì chúng đã quá đủ đầy. Giờ Tết đến xuân về, không chỉ là đi chúc Tết người thân, tôi còn đưa con đi chơi phố, nhất là phố sách xuân, cũng là một cách vui chơi giàu ý nghĩa!

Ôi những tháng ngày thơ trẻ vô lo đã qua rồi. Khi người ta trưởng thành hơn, có gia đình riêng, Tết vẫn vui, vẫn đẹp nhưng còn kèm theo đó bao lo toan tất bật. Tết không còn chỉ là dịp quần tụ gia đình, là những ngày tháng rong chơi... Tết mang một không khí rộn ràng rất khác, pha lẫn vào đó mùi khói nhang, mùi tiền bạc, mùi của âu lo...

Lại một cái Tết nữa sắp về. Đào đã hồng khắp phố và cúc đã vàng ruộm khắp nơi…

DU SA
(Thanh Xuân, Hà Nội)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-tet-nha-xua-154570.html