Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Tục đụng lợn và ký ức ấu thơ

Có nhiều phong tục dần mai một theo thời gian nhưng tục đụng lợn ở quê tôi vẫn còn giữ đến bây giờ, dù không nhiều như trước.

Khi tháng Chạp vừa sang, người trong xóm thường ngồi lại rồi bàn bạc xem nên chọn con lợn của nhà nào. Trước Tết một hai ngày, mọi người sẽ tập trung tại chính gia đình có lợn được mua hay ở một nhà nào đó thuận tiện cho việc giết mổ. Dù mỗi năm chỉ diễn ra một lần nhưng ai cũng thành thục công việc của mình nên ai vào việc người nấy: người đun nước sôi, người cắt tiết, người cạo lông… Tiếng người lớn phân công công việc, tiếng lợn kêu, tiếng lũ trẻ hò hét… Trong ký ức của tôi, đó là một ngày thực sự chộn rộn và huyên náo.

Lũ trẻ chúng tôi háo hức chờ đợi người lớn đụng lợn vì biết chắc mẩm là sắp có cỗ. Một điều đáng để trông chờ nữa, là sẽ được người lớn cho cái bong bóng lợn. Điều này không khác gì một ân huệ, bởi mỗi con lợn chỉ có một cái bong bóng thôi. Mà cái bong bóng lợn ấy đem rửa sạch rồi phơi khô, qua hôm sau thổi căng lên làm bóng chơi, rất vui.

Cả làng rộn ràng đụng lợn, gói bánh chưng (Ảnh: Dân Việt).

Thịt lợn sau khi chia được mang về cất cẩn thận làm thực phẩm cho mấy ngày Tết. Riêng phần thịt ba chỉ sẽ được dành riêng để gói bánh chưng. Thịt được thái thành những miếng to bản, ướp cùng với nước mắm và hạt tiêu để làm nhân bánh. Buổi chiều của ngày 28, dù đang chơi đùa với lũ bạn trong xóm, tôi liền chạy về nhà để xem cha và anh trai gói bánh.

Về sau này tôi vẫn nghĩ đó là khoảnh khắc yên bình nhất. Cha và anh trai, ai cũng chăm chú vào công việc của mình, ai cũng tỉ mẩn với từng khâu nhỏ nhất. Tôi ngồi bên cạnh, như một khán giả nhiệt thành, dõi theo từng động tác, từng cử chỉ. Năm nào cũng vậy, vào cuối buổi, khi việc gói bánh đã hoàn thành, còn lại một ít nếp, cha thường gói thành một chiếc bánh con, có khi chỉ bằng một phần tư so với chiếc bánh bên cạnh. Đây là món quà mà tôi mong đợi nhất, nó cũng là lý do khiến tôi bỏ mặc chúng bạn để chạy về nhà.

Chiếc bánh chưng con ấy trở thành niềm vui bất tận với cậu nhóc là tôi khi đó. Bởi sau khi luộc chín, những chiếc bánh lớn có thêm một công đoạn nữa là ép cho ráo nước trước khi đặt lên bàn thờ. Riêng chiếc bánh con sẽ được trao cho tôi lúc vừa vớt ra khỏi nồi. Ngay lúc nhận bánh, tôi thường lấy dây lạt cột chiếc bánh của mình lại rồi xách toòng teng đi khắp xóm khoe với chúng bạn. Nhìn những con mắt đầy ghen tị, niềm vui trong lòng tôi càng có cớ để rộn ràng. Khoe xong, tôi sẽ mang bánh về nhà, một mình thưởng thức món quà “ngon quên sầu” đó. Dẫu nhỏ nhưng chiếc bánh của tôi cũng thơm ngon và chứa chan tình đất tình người giống như những chiếc bánh khác, để rồi những mùa Tết sau tôi lại thấp thỏm, lại chờ đợi.

Rồi tôi lại nhớ tiếng pháo ran vào mỗi đêm giao thừa. Đó là khi đồng hồ điểm 0 giờ, sau khi đã thắp nhang cúng giao thừa, cha hoặc anh trai sẽ là người cầm diêm rồi châm lửa vào tràng pháo đã được treo sẵn ngoài sân. Pháo nhanh chóng bắt lửa; như phản ứng dây chuyền, tiếng đùng đoàng giòn giã vang lên liên tiếp. Thời điểm đó, không chỉ trong nhà tôi mà khắp làng, đâu đâu cũng dậy lên tiếng pháo nghe đầy náo nức và vui tươi.

Tuy vậy đã có rất nhiều năm, dù dặn mẹ nhiều lần nhưng rồi tôi cũng ngủ quên mất; cho đến khi tiếng pháo đồng loạt vang lên, tôi mới mắt nhắm mắt mở bật dậy chạy ra sân. Nhưng lúc đó, tràng pháo đã không còn nữa, chỉ còn xác pháo nằm vương vãi. Nhìn tràng pháo chỉ còn một đoạn dây trơ trọi thõng xuống từ mái nhà, tôi gần như bật khóc. Mếu máo, phụng phịu với mẹ trong một vài giây, lập tức tôi chìm đắm vào niềm vui khác của mình. Ấy là tìm những trái pháo chưa kịp nổ nằm lẫn lộn trong đống xác pháo. Những trái pháo chưa kịp nổ ấy, thuở nhỏ tôi và chúng bạn thường gọi là pháo lép. Gọi là pháo lép nhưng pháo vẫn còn đầy đủ ngòi và thuốc ở bên trong. Chỉ vì lửa chưa kịp bén vào ngòi nên trái pháo bị rơi ra khỏi dây.

Giống như một chiến tích, ngày hôm sau trẻ con trong xóm cùng mang những trái pháo lép nhặt được tối qua ra khoe với nhau. Đến khi chê chán thì lấy diêm châm lửa để những trái pháo tiếp tục được bén lửa rồi vang lên tiếng nổ giòn tan. Tiếng pháo ran trở thành âm thanh đẹp trong hồi ức của nhiều người. Bởi vậy, khi có lệnh cấm đốt pháo thì những mùa Tết sau đó, không ít người cảm thấy thiêu thiếu nhưng cũng đành phải chấp nhận với sự thiếu vắng đó.

Tôi lớn lên rồi xa quê, trở thành người kiếm sống bằng nghề viết. Dường như với một người viết văn, ký ức chính là tài sản quý giá mà không bạc tiền nào có thể mua được. Điều đó càng khiến tôi có lý do để luôn trân trọng và nhớ về ký ức của mình.

HỒ HUY SƠN
(TP.HCM)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-tuc-dung-lon-va-ky-uc-au-tho-154594.html