Bài học của người Nhật cho sự kiện Olympic 2020

Chính phủ và thể thao Nhật Bản biết đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, gieo vào giới học sinh sự tự tin, lòng yêu nước và thể hiện quan điểm của chính mình trước sự kiện mang tính lịch sử của đất nước.

Trong mỗi tiến trình hoạt động cho Olympic 2020, Nhật Bản đều công khai mọi thứ rộng khắp để người dân góp ý. Họ luôn chọn cách riêng của mình với sự hợp lý, đầy tính nhân văn và trách nhiệm.

Từ việc sân vận động chính cho Olympic 2020 thuê kiến trúc sư nước ngoài thiết kế có chi phí quá lớn, trên 7 tỉ USD bị dư luận Nhật phản đối, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phải cúi đầu xin lỗi toàn nước Nhật. Sau đó, họ chọn kiến trúc sư trong nước đã giảm chi phí xuống hơn một nửa, tức chỉ còn 3,5 tỉ USD.

Sau đó chủ nhà phát động cuộc thi thiết kế logo, linh vật cho Olympic 2020 cũng trải qua nhiều tai tiếng, như nghi án ăn cắp ý tưởng khiến một công ty châu Âu dọa kiện. Thế là người Nhật phát động cuộc thi khác, không dành cho những họa sĩ, nhà thiết kế chuyên nghiệp mà chỉ là sân chơi của học sinh trung học.

Học sinh trung học Nhật Bản náo nức dự tranh sáng tác linh vật Olympic 2020. Ảnh: GETTY IMAGES

Chính phủ và Ủy ban Olympic Nhật đưa ra phương châm “hãy tạo cơ hội cho thế hệ tương lai của đất nước thể hiện ý tưởng của mình”. Và lần này cặp linh vật Miraitowa (chủ đạo màu xanh, dành cho Olympic 2020) và Someity (chủ đạo màu hồng, dành cho Paralympic) đã được chọn. “Miraitowa” được ghép từ hai từ độc lập, “Mirai” trong tiếng Nhật là “tương lai”, còn “Towa” có nghĩa là “danh dự”.

Các em học sinh toàn nước Nhật có quyền vẽ tác phẩm theo cách của mình với chủ đề “Miraitowa” và tham gia cuộc thi vẽ linh vật của sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Những người bầu chọn cũng chỉ là học sinh trung học. Học sinh của 20.000 trường trung học trên toàn nước Nhật đã tham gia bầu chọn qua các trang mạng. Nó thu hút 6,5 triệu lượt bầu và cuối cùng ba tác phẩm vào vòng chung kết sẽ được công bố thắng cuộc vào đầu tháng 12 tới.

Lần đầu tiên ở một sự kiện tầm cỡ thế giới, người Nhật đã giao quyền tự quyết cho các em nhỏ, những học sinh có cơ hội thể hiện quan điểm, suy nghĩ trong sự dẫn đường của người lớn. Nước Nhật hạnh phúc qua việc gieo vào giới trẻ ý thức về vai trò của mình đối với đất nước. Những con người trẻ tuổi thực sự chung tay đóng góp tích cực cho đất nước tùy theo sức của mình, bằng tư duy và sáng tạo.

Người Nhật luôn có những sáng kiến hay cho làng thể thao học hỏi. Họ luôn biết kích thích và khuyến khích tiềm năng của tuổi trẻ, học sinh… bằng những chương trình hành động cụ thể, dĩ nhiên dưới sự giám sát của các tổ chức, nhà nước đầy trách nhiệm như thế.

Huy chương Olympic là “sản phẩm tái chế”

Nhiều năm qua, kể từ khi Nhật giành được quyền đăng cai Olympic 2020, nhà nước Nhật phát động ngay chiến dịch thu gom các dụng cụ điện tử hư hỏng và loại bỏ như máy tính, tivi, điện thoại, các thiết bị khác… Cả nước Nhật cùng tham gia tạo nên các chiến dịch thu gom lớn. Các sản phẩm bỏ đi này từ khắp hang cùng ngõ hẻm của nước Nhật được mang về “nấu” và lọc lại để chiết xuất ra các kim loại quý như vàng, bạc, đồng rồi đúc nên toàn bộ các bộ huy chương Olympic 2020. Chiến dịch này cho đến nay đã gần hoàn tất với số lượng đủ sản xuất toàn bộ số huy chương cho Olympic và Paralympic 2020.

DUY ÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-thao/bai-hoc-cua-nguoi-nhat-cho-su-kien-olympic-2020-784049.html